(QBĐT) - Vậy là đã hơn 35 năm trôi qua kể từ ngày tái lập tỉnh, cũng là ngần ấy thời gian tôi được công tác tại Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình. Từ những ngày đầu chập chững bước vào nghề, đến hôm nay ngoảnh lại đã trôi vèo qua hơn 3 thập kỷ. Cùng với sự phát triển của quê hương và sự đi lên của ngành, các thế hệ làm báo nói, báo hình Quảng Bình lưu giữ biết bao kỷ niệm. Với tôi, ký ức về những ngày làm báo hình giữa mùa lũ kép năm 2010 mãi mãi là những dấu ấn sâu sắc, khó phai mờ.
Tôi vẫn nhớ như in về những ngày “lũ chồng lên lũ” giữa trung tuần tháng 10/2010 nhấn chìm nhiều vùng quê của Quảng Bình hơn một tuần trong biển nước. Ngay từ sáng sớm ngày 14/10, Phó Giám đốc phụ trách nội dung Lê Khánh Hòa triệu tập triển khai công tác tuyên truyền về phòng chống lũ lụt.
Chủ trương chỉ đạo của Ban Giám đốc là bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, khẩn trương huy động đội ngũ phóng viên về các địa bàn xung yếu, sử dụng mọi nguồn lực về con người, phương tiện, kỹ thuật với phương châm các thông tin về lũ lụt phải được cập nhật nhanh nhạy, chính xác, hình thức thể hiện phải đa dạng phong phú, kịp thời chuyển tải trên sóng đài tỉnh, đặc biệt là phải chuyển thông tin ra Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam để kịp thời phát sóng trong bản tin thời sự tối cùng ngày…
Cùng với bộ phận biên tập của phòng Phát thanh và phòng Thời sự truyền hình, phòng Biên tập chương trình truyền hình chúng tôi đã triển khai nhiều phương án, kể cả phương án xấu nhất là mất điện lưới và hệ thống cáp quang, sử dụng thông tin không có hình ảnh, như: Ghi âm qua điện thoại, biên tập viên dẫn kết nối thông tin trực tiếp với phóng viên các đài huyện, thành phố, các ban ngành, địa phương, đặc biệt là kết nối đường dây nóng với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình mưa lũ.
Do nước lũ lên quá nhanh, hệ thống giao thông bị chia cắt, lực lượng phóng viên đài tỉnh còn mỏng nên bước đầu cần phải sử dụng nguồn thông tin từ cơ sở. Chúng tôi điện trực tiếp tất cả các trưởng đài 7 huyện, thành phố, cộng tác viên tại các cơ quan, ban ngành, như: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Sở Y tế…
Với yêu cầu bằng mọi giá phải cung cấp thông tin nhanh nhất về diễn biến lũ lụt, tình hình thiệt hại, công tác chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân do mưa lũ gây ra. Đồng thời phải phản ánh kịp thời các hoạt động ủng hộ, cứu trợ, công tác khắc phục hậu quả sau cơn lũ, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và bắt tay vào sản xuất sau khi lũ rút.
![]() |
Sự vào cuộc quyết liệt của Ban Giám đốc, ban biên tập đã nhận được sự hợp tác tích cực của lãnh đạo và đội ngũ phóng viên các đài huyện, thành phố, cộng tác viên các chuyên mục ngành Quân đội, Công an, Biên phòng…Từ huyện Minh Hóa, anh Cao Văn Hồng, nguyên trưởng đài điện về cho biết, tại vùng rốn lũ Tân Hóa nước dâng cao, hàng trăm hộ dân phải sơ tán lên lèn cao tránh lũ.
Do hệ thống cáp quang tại Minh Hóa bị hỏng nặng nên không thể truyền hình ảnh về đài tỉnh. Chúng tôi đã yêu cầu Đài Truyền thanh Minh Hóa phải ghi được những hình ảnh tàn khốc của cơn lũ, cảnh màn trời chiếu đất, đói rét, bệnh tật, thiếu thốn trăm bề mà người dân Tân Hóa đang phải gánh chịu và thống nhất Đài Minh Hóa sẽ thuê xe ôm cắt đường (trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng) mang băng ghi hình về Đồng Hới bất kể mọi thời gian trong ngày. Hình ảnh anh Cao Văn Hồng, Trưởng đài Minh Hóa và anh xe ôm bê bết bùn đất, ướt đẫm từ đầu đến chân nhưng vẫn giữ khô ráo cuốn băng ghi hình được bọc kín qua nhiều túi, lớp nilon để giao cho chúng tôi thật cảm động và thấm thía hơn trách nhiệm với nghề.
Cũng thời điểm đó, anh Trường Thành, nguyên Trưởng đài Quảng Trạch cho biết, huyện Quảng Trạch chìm trong biển nước, do mất điện, camera bị ẩm nên không thể cung cấp hình ảnh về đài tỉnh. Chúng tôi đã khẩn trương liên lạc được với cộng tác viên Minh Tú chuyên mục Quốc phòng toàn dân đang đi theo đoàn Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh giúp dân chống lũ tại vùng Nam Quảng Trạch và yêu cầu anh bằng mọi cách ngay buổi chiều hôm đó phải quay về Đồng Hới. Vậy là, Minh Tú đã dầm mình trong lũ, lội bộ và tăng bo qua nhiều phương tiện trở về đài tỉnh với những hình ảnh chân thực tại vùng rốn lũ Quảng Trạch, đặc biệt là những hình ảnh xúc động thể hiện trách nhiệm của người lính trong thời bình trên trận tuyến bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân…
Trong ngày, thông tin về lũ lụt từ các phóng viên đài tỉnh đi theo đoàn các đồng chí lãnh đạo tỉnh, từ các huyện Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Quảng Ninh, cộng tác viên các chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới”, “An ninh Quảng Bình”… liên tiếp được chuyển về và ê kíp thực hiện chương trình khẩn trương tiến hành biên tập, kết cấu, dàn dựng, ghi hình, đọc lời bình… Một bản tin thời sự nóng hổi được hoàn thiện trước giờ phát sóng đúng 5 phút và kịp thời chuyển những thông tin về lũ lụt tại Quảng Bình ra Đài truyền hình Việt Nam.
Trong các bản tin thời sự QBTV, VTV và VOV ngày 14/10, người dân trong tỉnh, trong nước và kiều bào ở nước ngoài được chứng kiến những hình ảnh hết sức tàn khốc, những tổn thất nặng nề do lũ lụt gây ra đối với người dân Quảng Bình, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các cơ quan ban ngành, địa phương đối với công tác bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Những hình ảnh này sau đó được ghi nhận là ấn tượng nhất, đặc biệt nhất bởi được quay tại các rốn lũ và vào đúng thời khắc đỉnh điểm nước lũ dâng cao nhất, cuộc sống, tính mạng và tài sản của người dân đang nguy cấp nhất.
Liên tiếp trong các bản tin thời sự của Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình, hàng trăm tin, phóng sự về diễn biến cơn lũ kép, về các hoạt động khắc phục hậu quả lũ lụt, hoạt động cứu trợ, các gương điển hình cứu người trong lũ dữ, kinh nghiệm của người dân trong phòng tránh lũ lụt… luôn được cập nhật nhanh nhạy, kịp thời trên sóng đài tỉnh và Đài Truyền hình Việt Nam.
Không khí làm việc khẩn trương, nghiêm túc đầy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên và sự phối hợp đầy tâm huyết của các cộng tác viên luôn nhận được sự quan tâm, động viên kịp thời của Ban Giám đốc đài.
Cũng xin nhắc lại, cơn lũ kép diễn ra từ ngày 14-17/10/2010, được xem là lớn nhất trong trong vòng 60 năm qua tính đến thời điểm ấy và gây nên những tổn thất nặng nề cho người dân Quảng Bình. Toàn tỉnh có 45 người chết và 16 người mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị ngập và bị sập, hàng trăm tấn lúa giống, hàng nghìn ha hoa màu, diện tích ao hồ nuôi trồng thủy, hải sản, hàng trăm km đường giao thông bị nước lũ cuốn trôi… tổng thiệt hại ước tính trên 1.800 tỷ đồng.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân trên mọi miền tổ quốc và kiều bào ở nước ngoài đã dành cho người dân vùng lũ Quảng Bình những tình cảm sẻ chia và sự cảm thông sâu sắc. Thông qua Ủy ban MTTQVN tỉnh, đã có 317 đoàn tổ chức thăm, ủng hộ, cứu trợ đồng bào bị thiệt hại nặng do lũ lụt tại tỉnh ta với số tiền trên 44,5 tỷ đồng, chưa kể hàng trăm đoàn trực tiếp về ủng hộ bà con vùng lũ.
Sau cơn lũ, cùng với một số phòng nghiệp vụ khác, phòng Biên tập chương trình truyền hình đã được lãnh đạo Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình biểu dương khen thưởng. Nhưng đối với chúng tôi, những người làm công tác biên tập thầm lặng, niềm hạnh phúc nhất chính là trách nhiệm và tâm huyết của người làm báo được phát huy, đó là bài học kinh nghiệm về kỹ năng làm báo hình trong bối cảnh thiên tai; tính chủ động, sáng tạo, khả năng phối kết hợp và đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo để đạt hiệu quả tuyên truyền cao nhất.
Hữu Nghị