(QBĐT) - Năm 1967, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt nhất, nhà báo chiến trường, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lương Nghĩa Dũng đến xã Ngư Thủy (Lệ Thủy) thực hiện phóng sự ảnh: “Những cô gái giữ biển giữ làng”. Gần 60 năm sau, bà Lương Thị Nhiễu (86 tuổi), vợ của liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng và các con, cháu đã vượt chặng đường xa từ Thủ đô Hà Nội vào xã Ngư Thủy, thay chồng thăm lại “chiến trường xưa”. Cuộc gặp gỡ bất ngờ của bà Nhiễu và các o Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy, nhân vật trong tác phẩm của chồng mình diễn ra rất xúc động, ấm áp…
"Những cô gái giữ biển giữ làng"
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Quảng Bình được xem là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam, và Ngư Thủy cùng với Vĩnh Linh (Quảng Trị) được xem là tuyến lửa đối đầu trực tiếp với kẻ thù.
Bước sang năm 1967, đế quốc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, Quảng Bình trở thành tọa độ lửa của tàu chiến, máy bay Mỹ dội bom, bắn phá. Tại “yết hầu” xã Ngư Thủy, địch đánh phá suốt ngày đêm. Trung bình mỗi người dân Ngư Thủy phải gánh chịu trên 130 quả bom, đạn các loại.
Trước tình hình chiến sự căng thẳng, bên cạnh nhiều lực lượng được tăng cường, ngày 20/11/1967, Tỉnh đội Quảng Bình thành lập Đội nữ pháo binh Ngư Thủy (người dân thường gọi thân thương là “C gái”. Ban đầu “C gái” gồm 37 cô gái tuổi từ 16-20, trú ở ba xã miền biển Ngư Hòa, Hải Thủy, Ngư Thủy của huyện Lệ Thủy. Lúc cao điểm, lên đến 91 người, luân phiên chiến đấu. Đại đội nữ pháo binh được trang bị 4 khẩu pháo 85 ly, 4 xe kéo pháo và một số phương tiện máy móc, súng ống phục vụ chiến đấu.
Gia đình nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng tặng các o ở Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy 2 bức ảnh tư liệu.
“Thời đó, những đứa con gái mới lớn chúng tôi lần đầu thấy khẩu pháo toàn sắt thép không khỏi ớn lạnh. Chúng tôi được rèn luyện, học ngày học đêm tại trận địa để sớm làm chủ khẩu pháo. Pháo thủ học vận hành, đài chỉ huy thì tập bắt mục tiêu… Ai cũng háo hức chờ thành quả, nhưng ai cũng rất lo không biết có hoàn thành nhiệm vụ không”, bà Trần Thị Thản, nguyên Chính trị viên Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy kể lại.
Vậy nhưng, chỉ hơn 2 tháng rưỡi từ ngày thành lập, đến 7/2/1968, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy đánh thắng trận đầu, bắn trọng thương tàu khu trục Mỹ khi tàu đến đánh phá vùng biển Quảng Bình. Trong 100 ngày đầu năm 1968, “C gái” bắn trúng ba tàu khu trục Mỹ, tạo tiếng vang lớn. Những trận đánh này chấm dứt hai năm liền chịu trận trước sự bắn phá của hải quân Mỹ.
Cũng trong thời điểm này, nhà báo chiến trường Lương Nghĩa Dũng đã đặt chân đến Ngư Thủy để ghi lại bằng ảnh về cuộc sống, chiến đấu của Đại đội nữ pháo binh. Những bức ảnh sinh động, chân thật được nhà báo Lương Nghĩa Dũng thực hiện ngay trên trận địa pháo 85 ly của Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy.
Sau này, những bức ảnh quý giá này đã được biên soạn thành phóng sự ảnh: “Những cô gái giữ biển giữ làng” đăng trong quyển sách ảnh “Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn” do Nhà xuất bản Thông tấn ấn hành cùng với các tác phẩm ảnh khác của nhà báo, NSNA Lương Nghĩa Dũng.
Đây là những bức ảnh quý đã đi vào lịch sử đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, ghi dấu chiến công chói lọi của Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng. Đặc biệt bức ảnh: “Nữ pháo binh Ngư Thủy”, 1 trong 5 bức ảnh trong bộ ảnh “Những khoảnh khắc để lại” của nhà báo Lương Nghĩa Dũng được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.
Cuộc gặp gỡ xúc động sau 60 năm
Gần 60 năm sau khi phóng sự ảnh: “Những cô gái giữ biển giữ làng” ra đời và hơn 50 năm ngày nhà báo Lương Nghĩa Dũng hy sinh (ông hy sinh năm 1972 trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị), bà Lương Thị Nhiễu (86 tuổi) và các con, cháu đã vượt chặng đường xa từ Hà Nội vào xã Ngư Thủy thay chồng thăm lại “chiến trường xưa”, thăm các o ở “C gái”, nhân vật trong tác phẩm của chồng, cha, ông mình.
Chị Lương Thị Nghiêm, con gái út của liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng chia sẻ: “Kể từ ngày đưa hài cốt của bố ở Hải Lăng (Quảng Trị) về quê năm 2012, lần này gia đình mới có dịp đưa mẹ trở lại thăm Quảng Bình và Quảng Trị, mảnh đất mà bố đã thực hiện nhiệm vụ và hy sinh. Để thực hiện được chuyến trở lại này, gia đình cũng rất đắn đo, suy nghĩ vì tuổi mẹ đã cao, sức khỏe yếu (bà Nhiễu đã 3 lần đặt máy trợ tim). Trộm vía, nhờ bố phù hộ, trong suốt chuyến đi bà rất vui và như khỏe ra. Theo nguyện vọng của mẹ, chuyến đi lần này, ngoài đưa bà vào thăm con đường ở TP. Đông Hà, nơi tỉnh Quảng Trị vừa lấy tên bố Lương Nghĩa Dũng để đặt tên thì bà cũng muốn thay bố thăm lại các o trong Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy, những nhân vật trong tác phẩm của bố”.
Gia đình nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng tại con đường mang tên ông ở TP. Đông Hà (Quảng Trị).
Một ngày đầu tháng 5/2025, dưới chân tượng đài Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy, đã diễn ra cuộc gặp gỡ bất ngờ, xúc động giữa bà Lương Thị Nhiễu và các o “C gái”.
Nhà báo, NSNA, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng, sinh năm 1935, quê ở xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Ông là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam, nổi tiếng với nhiều bức ảnh xuất sắc về chiến tranh Việt Nam.
Năm 2017, nhà báo Lương Nghĩa Dũng được Chủ tịch nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, với cụm tác phẩm: “Những khoảnh khắc để lại” (gồm 5 ảnh: “Lửa vây máy bay Mỹ”, “Nữ pháo binh Ngư Thủy”, “Đưa xe tăng vào trận”, “Xốc tới”, “Đánh chiếm cứ điểm 365”). Năm 2025, tỉnh Quảng Trị đã đặt tên đường Lương Nghĩa Dũng cho một con đường ở trung tâm TP. Đông Hà.
Những con người ở tuổi xưa nay hiếm, gặp nhau lần đầu mà như đã thân quen từ lâu. Họ ôm chầm lấy nhau rưng rưng xúc động, nước mắt lăn dài trên má. Họ cùng kể cho nhau nghe câu chuyện của gần 60 năm trước, hỏi thăm nhau cuộc sống hiện tại và động viên nhau giữ gìn sức khỏe để tiếp tục đồng hành cùng con, cháu trong chặng đường tới.
Đến thăm các o “C gái” lần này, ngoài món quà nhỏ, gia đình nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng tặng Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy 2 tấm ảnh tư liệu quý, được ông thực hiện tại trận địa pháo năm xưa. Đón nhận các bức ảnh, nhất là khi thấy lại mình trong ảnh, các o “C gái” đã rưng rưng xúc động. Nhìn vào những bức hình, các bà như được gặp lại một thời tuổi trẻ hào hùng của mình.
“Nhà báo Lương Nghĩa Dũng là người đến thăm và chụp những bức ảnh đầu tiên về Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy. Cuộc sống, sinh hoạt và chiến đấu trên mâm pháo của chúng tôi đã được nhà báo Lương Nghĩa Dũng ghi lại một cách chân thực, sinh động nhất, đặc biệt là tấm ảnh “Nữ pháo binh Ngư Thủy” được ông chụp khi chúng tôi đang vươn chỉnh nòng pháo 85 ly bắn trúng tàu giặc. Cảm ơn nhà báo, NSNA Lương Nghĩa Dũng đã không quản gian khổ, hy sinh để ghi lại những bức ảnh tư liệu quý của Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy và lưu lại cho tới hôm nay. Đặc biệt, tấm lòng của chị Nhiễu và gia đình, sau 60 năm vẫn không quên những nữ pháo thủ chúng tôi, đã đến thăm tặng ảnh quý và tặng quà hết sức trân trọng”, bà Ngô Thị Thanh Thới, một nữ pháo binh Ngư Thủy chia sẻ.
(QBĐT) - Những ngày cuối tháng 4/2025, Công an tỉnh phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an và Công ty CP GeneStory thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sỹ chưa xác định được danh tính trên địa bàn tỉnh.
(QBĐT) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau còn nguyên vẹn khi vẫn còn hàng nghìn ngôi mộ liệt sỹ chưa xác định được danh tính, là nỗi day dứt khôn nguôi của biết bao gia đình.
(QBĐT) - Dự án thành phần đường bộ cao tốc đoạn Bùng-Vạn Ninh thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông được thông xe kỹ thuật vào ngày 19/4, vượt tiến độ hơn 6 tháng. Đây là một trong năm công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).