icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Tháng tư về và những ký ức vẹn nguyên

  • 07:04, 29/04/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng 4 bất chợt đến, tươi mới, rực rỡ, như gợi nhớ về ký ức của những ngày “đỏ. lửa” cách đây tròn nửa thế kỷ-chiến thắng vĩ đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bao năm tháng đã trôi qua, nhưng dù ở nơi đâu, làm gì, người Việt Nam đã trải qua thời khắc đó-ngày 30/4/1975-vẫn không thể nào quên. Chúng tôi đã tìm gặp các nhân chứng của một thời khói lửa với hy vọng phác họa lại “bức tranh” của Quảng Bình trong ngày lịch sử trọng đại này.
 
Đối với bà Hà Thị Riên ở xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh), nguyên đại biểu Quốc hội khóa VII, VIII, Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 luôn in dấu trong ký ức như một trong những ngày đẹp nhất. Thời điểm đó, bà là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quảng Ninh xông xáo trong mọi phong trào, hoạt động của chị em phụ nữ địa phương. Khi tin chiến thắng được báo về, bà cùng hội viên phụ nữ, bà con vui mừng, rộn ràng, phấn khởi cùng niềm vui đất nước hoàn toàn độc lập. Bà con cùng nhau ùa ra đường, tay bắt mặt mừng, hồ hởi chia sẻ niềm vui, tưởng như không có niềm hạnh phúc nào bằng.
 
Bà Hà Thị Riên nhớ lại, các mẹ có con đi bộ đội có lẽ là những người hân hoan và khóc nhiều nhất. Tại huyện Quảng Ninh cũng như các địa phương khác lúc bấy giờ, nhiều gia đình có cả mấy anh em cùng đi bộ đội, ở nhà là các mẹ, các chị tích cực tham gia phong trào “Ba đảm đang”. Ngay ngày hôm sau, Huyện ủy Quảng Ninh cũng long trọng tổ chức mít tinh mừng chiến thắng và người dân địa phương nô nức tham gia, tạo không khí tưng bừng, phấn khởi. Dư âm ngày chiến thắng được bà con chia sẻ mãi suốt những ngày tháng sau.
Phong trào thi đua “Hai giỏi” biểu tượng sức mạnh đoàn kết toàn dân trong kháng chiến chống Mỹ.   Ảnh: Tư liệu
Phong trào thi đua “Hai giỏi” biểu tượng sức mạnh đoàn kết toàn dân trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu
Bước sang tuổi 86, nhưng đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tri Phương ở phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới), nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh vẫn nhớ rõ mạch lạc từng khoảnh khắc của ngày chiến thắng 30/4 cách đây đã 50 năm. Thời điểm đó, ông là Trưởng Công an huyện Bố Trạch và đã trải qua bao gian nan, vất vả, nhiều lần đứng trước ranh giới sinh tử của đời người.
 
Anh hùng Nguyễn Tri Phương cho biết, những ngày trước đó, tin chiến thắng của quân ta dồn dập gửi về từ tiền tuyến thông qua các bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam từ chiếc đài nhỏ. Đến tầm trưa 30/4, khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin chiến thắng, ông và tất cả anh em tại trụ sở cơ quan đều vỡ òa sung sướng, niềm vui dâng trào, xúc động rơi nước mắt.
 
Ông bùi ngùi chia sẻ, trong niềm vui chiến thắng, ông nhớ lại những mất mát, hy sinh của gia đình ông trong cuộc chiến ác liệt vừa qua. Cha ông, cha vợ, người vợ đầu và con gái đầu lòng đã mất sau một trận bom ác liệt của giặc Mỹ trước đó 3 năm (năm 1972). 
 
Ông còn nhớ rõ, người dân Bố Trạch khi biết tin chiến thắng, người người, nhà nhà vui mừng phấn khởi, nhất là những gia đình có con em tham gia bộ đội, chiến đấu ở các mặt trận. Ngày hôm sau, Huyện ủy Bố Trạch đã tổ chức một lễ mít tinh chào mừng ngày chiến thắng, đông đảo bà con đã đến tham gia với cờ đỏ sao vàng, hoa tươi, biểu ngữ trên tay rộn ràng như mở hội, bởi bao mất mát, hy sinh, gian khổ giờ đã đến ngày thắng lợi.
 
Còn với một người hoạt động trong quân ngũ như đại tá Nguyễn Thanh Hải, nguyên Hiệu trưởng Trường Quân sự tỉnh, ngày 30/4/1975 với ông có những ý nghĩa thật sự đặc biệt. Sinh năm 1954, học xong lớp 10, chàng trai 18 tuổi ở xã Đại Trạch (Bố Trạch) như bao thanh niên thời đó nung nấu quyết tâm làm người lính Cụ Hồ. Năm 1972, ông bước chân vào đời quân ngũ để tiếp tục ước mơ của mình, cống hiến cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Tháng 4/1975, ông thuộc biên chế của Trung đoàn 185 thuộc Tỉnh đội, trụ sở lúc bây giờ đóng ở Đồng Sơn, thị xã Đồng Hới.
 
Trên vị trí tuyến đầu của miền Bắc, là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam, Đảng bộ Quảng Bình đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ giao cho. Chính vì vậy, ngày 30/4/1975 mãi mãi là một ngày không thể nào quên trong lòng quân và dân Quảng Bình.
Ông bồi hồi nhớ lại, lúc bấy giờ, qua thông tin từ Đài Tiếng nói Việt Nam được hệ thống phát thanh của Tỉnh đội thông báo, tin tức chiến thắng ngày càng dồn dập, nhất là sau chiến thắng Buôn Ma Thuột. Lúc bấy giờ, ông và đồng đội đã được huấn luyện kỹ càng, sẵn sàng cơ sở vật chất, vũ khí quân trang, phương tiện, chỉ cần có lệnh điều động là ngay lập tức vào chiến trường miền Nam, sẵn sàng chiến đấu. Đó là ngày tháng những người lính trẻ như ông luôn trong tâm trạng hồi hộp, chờ đợi và cả sự háo hức, mong chờ ra trận.
 
Đúng trưa 30/4/1975, ngay sau khi nhận tin chiến thắng, ông và đồng đội không thể giấu nổi niềm hân hoan, vui sướng và tự hào. Ông kể, người dân ở Đồng Sơn rộn ràng mừng vui trước ngày vui lớn của dân tộc, tình đoàn kết, yêu thương đồng bào đồng chí dâng trào. Niềm vui lớn lan tỏa tới những ngày sau...
 
Theo cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, tập II, 1954-1975”, từ năm 1973-1975, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đã chuyển từ trạng thái chiến tranh sang điều kiện có hòa bình nhưng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân không một ngày ngơi nghỉ. Đảng bộ Quảng Bình đã kịp thời đề ra chủ trương đúng đắn huy động hết mọi lực lượng có thể có để phục vụ công tác chi viện chiến trường. Tất cả sức mạnh của miền Bắc XHCN chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam chuyển tải qua đất Quảng Bình đều được Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình tổ chức bảo quản và chuyển tiếp ra chiến trường kịp thời phục vụ chiến dịch. Bên cạnh đó, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đã trực tiếp chi viện sức người sức của cho Trị-Thiên ruột thịt.
Quảng Hạ

tin liên quan

Bài ca không quên
Bài ca không quên

(QBĐT) - Như nốt nhạc rung lên trong lòng mỗi dịp tháng 4 về, người lính già với mái tóc hoa râm từng tham gia trên nhiều mặt trận ác liệt cảm xúc đan xen, rất đỗi tự hào và xúc động khi nhắc đến những đồng đội mãi mãi tuổi 20 vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Với ông, khoảng thời gian bi hùng trong quân ngũ, được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng như bài ca ngân vang không thể nào quên.

Chuyện một người anh hùng
Chuyện một người anh hùng

(QBĐT) - 85 tuổi đời, gần 60 năm "nhìn đời" bằng đôi mắt giả, nhưng trái tim người lính Cụ Hồ vẫn luôn ấm áp để làm điểm tựa giữa đời thường. Những câu thơ của nhà thơ Hồng Thanh Quang, cũng là một người lính viết về ông "Người mắt lành/Tựa vào người hỏng mắt trong chiến tranh/Để khỏi lạc lối/Thời bình…", là điều chúng tôi cảm nhận được từ ông, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Hữu Trạc (SN 1940), ở xã Xuân Ninh (Quảng Ninh).

Quê hương "Hai giỏi"…
Quê hương "Hai giỏi"…

(QBĐT) - Sau hơn 50 năm, chúng tôi vẫn may mắn gặp được những "nhân chứng sống" đã làm nên vùng đất Quảng Bình "Hai giỏi" thuở trước. Hầu hết đã qua tuổi "cổ lai hy", có người đã ngót nghét tuổi 90, nhưng khi nghe kể chuyện, cảm giác như ai cũng vừa mới bước ra từ trong những trang lịch sử oanh liệt và oai hùng.