icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Bụi thời gian... không nhạt dấu trường chinh!-Bài 1: Đường ra trận

  • 09:04, 27/04/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) -  Biết ông là người lính Cụ Hồ từng tham gia cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, Chiến dịch Trị Thiên-Huế, giải phóng Phan Rang rồi “thần tốc, thần tốc” đánh chiếm Long Thành (Đồng Nai) và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong đội hình cánh quân Duyên hải. Quen, biết là một chuyện, nghiệp làm báo muốn khắc họa một chút về ông nhân đất nước hoan ca kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất non sông (30/4/1975-30/4/2025) mà sao khó quá. Ông là Hồ Duy Thiện (SN 1948), 78 tuổi đời, 18 năm tuổi quân, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa. Với cựu chiến binh (CCB) Hồ Duy Thiện, mãi mãi bụi thời gian... không bao giờ phai nhạt dấu trường chinh một thời!
 
Cuộc kháng chiến chống Mỹ lùi xa tròn 50 năm. Và chàng sinh viên Trường đại học Thủy lợi Hà Nội Hồ Duy Thiện năm nào trong dòng chảy Nam tiến “Xếp bút nghiên lên đường cầm súng/Học người xưa đi cứu non sông” bây giờ đã bước sang tuổi xưa nay hiếm. “Nhưng cuộc đời đẹp nhất, sống có ý nghĩa nhất cho quê hương, đất nước là những năm tháng này!”, CCB Hồ Duy Thiện chia sẻ.
 
Lên đường
 
Trong cuốn hồi ký “Một thời để nhớ” (NXB Quân đội nhân dân, năm 2022), CCB Hồ Duy Thiện kể lại: “Tháng 9/1970, đang học năm thứ 5, Trường đại học Thủy lợi Hà Nội thì tôi được lệnh nhập ngũ. Từ đây, tôi chính thức trở thành một người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, được cầm súng chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc... Tình yêu quê hương và nghĩa vụ đối với non sông, đất nước kết thành ý chí và nghị lực giúp tôi đủ sức chấp nhận và vượt qua mọi thử thách, gian khổ, ác liệt của người lính trận, kể cả hy sinh thân mình”.
CCB Hồ Duy Thiện.
Cựu chiến binh Hồ Duy Thiện.
Từ Hà Nội, sau mấy ngày hành quân vất vả, cánh lính sinh viên Thủ đô vào đóng quân và tổ chức huấn luyện tại huyện Nông Cống (Thanh Hóa), tân binh Hồ Duy Thiện trở thành Tiểu đội phó thuộc Đại đội 3 (C3), Tiểu đoàn 11 (D11), Trung đoàn 95 (E95), Sư đoàn 325 (F325).
 
Ngày 7/4/1972, toàn đơn vị nhận lệnh “đi B” vào Nam chiến đấu. Lúc này, Tiểu đội trưởng Hồ Duy Thiện chuyển sang đơn vị mới E101, F325. Bộ đội hành quân bằng tàu hỏa từ Hà Bắc, qua Hà Nội, đi Thanh Hóa, đến Vinh (Nghệ An) thì tiếp tục di chuyển bằng ô tô vào huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Ở Hà Tĩnh, bộ đội tiếp tục hành quân bộ, bám theo tuyến đường 22 vào Quảng Bình. Sau một ngày đêm, đơn vị vượt bến sông Gianh, tập kết tại “Làng một đêm” Cự Nẫm (Bố Trạch).
 
Thời gian đóng quân ở Cự Nẫm, đơn vị cho các tân binh quê Quảng Bình tranh thủ về thăm gia đình trước khi vào chiến trường. Biết được tin này, Hồ Duy Thiện vui lắm, có hạnh phúc nào bằng. 5 giờ sáng xuất phát ở Cự Nẫm, theo đường tàu hỏa đi bộ tới bến đò Phú Kinh rồi xin đò dân từ sông Son ra Minh Lệ, đến sâm sẫm tối thì về nhà ở thôn Minh Cầm Trang, xã Phong Hóa (Tuyên Hóa). Ở với cha mạ, anh em, xóm làng và người yêu trọn 5 ngày phép thì quay lại đơn vị. Ngày đi, mạ tiễn ra đường 12A, gạt nước mắt dặn dò con: “Thiện à! Cố gắng giữ gìn sức khỏe con nhé! Mạ chờ con ngày chiến thắng trở về”.
Cuốn hồi ký “Một thời để nhớ” tái hiện lại chặng đường “đi B” của người lính sinh viên Hồ Duy Thiện.
Cuốn hồi ký “Một thời để nhớ” tái hiện lại chặng đường “đi B” của người lính sinh viên Hồ Duy Thiện.
Giữa tháng 7/1972, F325 cơ động theo đường Trường Sơn vào Nam, điểm đến đầu tiên ở miền Nam là một vạt rừng cháy xém ở khu vực Bãi Hà (Vĩnh Linh). Ấn tượng của cánh lính miền Bắc được chàng lính trẻ Hồ Duy Thiện ghi lại: “Một vùng đất đỏ bazan mênh mông, sặc mùi bom đạn. Ở đây, đâu đâu cũng thấy cỏ tranh, nhiều vạt cháy xém nham nhở, chỗ nào cũng có hố bom, hố đạn. Đặt chân đến vùng đất đầu tiên của miền Nam rồi mà tôi vẫn chưa hình dung cuộc chiến sắp tới sẽ như thế nào? Điều mà tôi cảm nhận được sẽ còn nhiều khó khăn, gian khổ, vất vả, ác liệt và hy sinh phía trước đang chờ chúng tôi”.
 
Từ Cổ thành Quảng Trị đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
 
Dự cảm của người lính sinh viên Hồ Duy Thiện nhanh chóng trở thành hiện thực khi toàn bộ đội hình F325 nhanh chóng cơ động, vượt sông Thạch Hãn tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
 
Báo Quân đội nhân dân phản ánh: “Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử. Trong 81 ngày đêm, từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, Thành cổ Quảng Trị phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay 1 đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót”.
 
“Cuộc chiến đấu giữa ta và địch trong 81 ngày đêm diễn ra vô cùng ác liệt. Hai bên giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà, góc phố. Bom đạn san bằng thị xã Quảng Trị và Thành cổ cũng bị đổ nát hoàn toàn. Thành cổ Quảng Trị là nơi thể hiện tinh thần anh dũng hy sinh, chiến đấu phi thường của quân và dân ta. Hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này, trong đó có rất nhiều đồng đội của tôi”, ông Hồ Duy Thiện xúc động nhớ lại.
 
Giữa lúc cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị bước vào thời điểm gay go, ác liệt nhất, tiểu đội trưởng thông tin Hồ Duy Thiện đang chốt giữ bảo vệ cánh Đông Thành cổ thì được lệnh gọi về tuyến sau để tổ chức lễ kết nạp đảng viên.
Cán bộ, chiến sĩ E101, F325 đánh chiếm Tòa Hành chính quận 9 trưa ngày 30/4/1975 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Cán bộ, chiến sĩ E101, F325 đánh chiếm Tòa Hành chính quận 9 trưa 30/4/1975 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
“Đến bây giờ, hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng kỷ niệm đẹp về buổi lễ kết nạp Đảng ngày ấy bên bờ sông Thạch Hãn, giữa chiến trường đổ nát, bom đạn khốc liệt thì tôi không bao giờ quên. Đó là sự ghi nhận của Đảng dành cho tôi những lúc cùng đồng đội vượt sông Thạch Hãn trong lũ lụt, trong bão đạn; những lúc cận kề giữa cái sống, cái chết vẫn luôn xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ... Rồi bằng niềm tin, ý chí mà Đảng giao phó, rèn luyện, tôi tiếp tục đi sâu hơn vào các chiến trường”, CCB Hồ Duy Thiện hoài niệm.
 
Cuối năm 1974, E101, F325 được lệnh giao nhiệm vụ chốt giữ vùng đồng bằng huyện Triệu Phong lại cho đơn vị bạn rồi lên tập kết ở vùng phía Tây huyện Cam Lộ. Đón Tết Ất Mão xong, F325 “Nam tiến” tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975-Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trên đà tiến công “thần tốc, thần tốc”, Hồ Duy Thiện cùng đồng đội tham gia giải phóng Trị Thiên-Huế, chặt đứt “cánh cửa thép” Phan Rang của địch rồi cơ động áp sát Đông Bắc Sài Gòn, giải phóng quận lỵ Long Thành, Đồng Nai (27/4/1975).
 
“Mờ sáng 30/4/1975, khi sương chưa tan trên ngọn cỏ, chúng tôi đã dậy, ai nấy đều thay quần áo mới, chuẩn bị tiến vào Sài Gòn. 7 giờ 30 phút, đoàn xe vận tải chở toàn đơn vị tập kết ở bờ bắc sông Đồng Nai. 11 giờ 20 phút, đơn vị mới hoàn thành vượt sông Đồng Nai, trên đường tiến về Sài Gòn thì nghe tin quân địch đã đầu hàng vô điều kiện vào lúc 11 giờ 30 phút. Đến 11 giờ 50 phút, đơn vị chúng tôi mới có mặt ở Dinh Độc Lập. Buổi chiều hôm đó, cả đơn vị được lệnh hành quân về tiếp quản quận 9. Chúng tôi đi trên đất Sài Gòn rồi mà ngỡ như mình đang mơ. Đến đâu cũng thấy ảnh Bác Hồ, cờ hoa, biểu ngữ rợp trời. Trong cuộc đời của mỗi con người, ai cũng có những ngày đáng nhớ. Với tôi, ngày đáng nhớ nhất là ngày 30/4/1975, vì ngày đó là ngày đại thắng của cả dân tộc Việt Nam, ngày giang sơn thu về một mối. Ngày mà tôi có mặt tại thành phố Sài Gòn trong đoàn quân chiến thắng”, CCB Hồ Duy Thiện tự hào.
 
Giai đoạn năm 1970-1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở thủ đô Hà Nội: Bách khoa, Tổng hợp, Nông nghiệp, Y, Xây dựng, Kinh tế kế hoạch, Thủy lợi... sẵn sàng “xếp bút nghiên lên đường cầm súng/Học người xưa đi cứu non sông”. Lớp lính sinh viên ngày ấy có mặt trên khắp các chiến trường, từ Thành cổ Quảng Trị đến Đông Nam bộ, Tây Nguyên và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong hơn 10.000 người “đi B” thì hơn một nửa hy sinh tại các mặt trận phía Nam, trên đất bạn Lào... Nhưng nhiều nhất vẫn là cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Ngô Thanh Long
 
>>> Bài 2: Người chép sử quê

tin liên quan

Vạn trái tim… "thắp lửa"-Bài 2: Những nông dân quả cảm
Vạn trái tim… "thắp lửa"-Bài 2: Những nông dân quả cảm

(QBĐT) - Trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại, người dân Quảng Bình "Hai. giỏi", không kể gái hay trai, già hay trẻ, họ bám đồng, bám biển vừa sản xuất vừa chiến đấu.

Vạn trái tim… "thắp lửa"-Bài 1: Mỗi người dân là một chiến sĩ
Vạn trái tim… "thắp lửa"-Bài 1: Mỗi người dân là một chiến sĩ
(QBĐT) - Ngày thường, họ là những người dân ra biển đánh cá, xuống ruộng cấy lúa, trồng khoai… Nhưng khi Tổ quốc cần và quê hương bị kẻ thù giày xéo, vạn trái tim "thắp lửa" cùng đứng lên đấu tranh vì nền hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước. 
Lính trẻ Quảng Bình trên đất lửa Quảng Trị
Lính trẻ Quảng Bình trên đất lửa Quảng Trị

(QBĐT) - Sau trận không quân Mỹ ném bom TX. Đồng Hới (ngày 4/4/1965), cướp đi hơn 50 sinh mạng, phố xá tan hoang, người dân Đồng Hới gồng gánh, bồng bế con thơ đi sơ tán… Ngày đó, tôi 19 tuổi. Cũng như bao nhiêu bạn trẻ cùng trang lứa, chúng tôi hăng hái xung phong tình nguyện nhập ngũ lên đường đánh Mỹ.