(QBĐT) - Từ đường Hồ Chí Minh, theo tuyến giao thông rộng thoáng nối lên bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) đã có cảm giác rất lạ. Lạ vì con đường được nắn lại nên thời gian đến bản gần hơn. Đứng trên con dốc phía đầu bản, Lâm Ninh hiện ra như một bức tranh sơn thủy hữu tình với những nếp nhà bao quanh cánh đồng lúa nước mướt xanh đang thì con gái. Già làng Hồ Hơn, Trưởng bản Lâm Ninh đón tôi ngay con dốc, khoe rằng: “Lâm Ninh bây giờ có nhiều cái lạ. Được nhất là đời sống của đồng bào không ngừng đổi thay”.
Những công trình điểm nhấn
Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Phạm Văn Quang nhấn mạnh: Các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025 và thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng ĐBDTTS, biên giới và miền núi tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã tạo ra những “cú hích” giúp Trường Xuân chuyển mình.
Trong đó ưu tiên dành nguồn lực cho 4 bản ĐBDTTS Khe Dây, Khe Ngang, Hang Chuồn-Nà Lâm và Lâm Ninh, nơi sinh sống của 252 hộ, 856 nhân khẩu đồng bào Vân Kiều. Trong 4 bản ĐBDTTS, Lâm Ninh được đánh giá là một “điểm sáng” trên tất cả các phương diện: Đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển KT-XH; xóa đói, giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa, bản văn hóa...
Để bản Lâm Ninh gần hơn với trung tâm xã và miền xuôi, tuyến đường giao thông trước đây men theo phía bờ Bắc sông Long Đại nay được đầu tư mới “nắn lại” ngắn hơn với kinh phí trên 4 tỷ đồng.
Điểm trường mầm non, điểm nhấn của bản Lâm Ninh.
Điểm nhấn... hay cái lạ nhất, tài sản lớn nhất, hiện đại và khang trang nhất của bản Lâm Ninh là điểm trường mầm non hai tầng mọc lên phía đầu bản, vừa trở thành nơi học tập của con em, vừa là nhà tránh lũ an toàn của bà con trong mùa mưa bão. Kinh phí xây dựng điểm trường mầm non hơn 3,8 tỷ đồng. Ngoài ra, từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, xã Trường Xuân đã sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa bản, kinh phí 300 triệu đồng; cải tạo hệ thống kênh mương nội đồng 250 triệu đồng; xây dựng đập thủy lợi phục vụ nước sinh hoạt, tưới tiêu 800 triệu đồng...
Tài sản bền vững nhất của bản Lâm Ninh chính là cánh đồng lúa nước hai vụ với diện tích gần 6ha. “Đồng bào Vân Kiều trong bản làm quen với cây lúa nước cách đây đúng 45 năm, dù không giàu nhưng bảo đảm được lương thực, chẳng lo đói cái bụng. Cả bản quyết tâm duy trì và mở rộng diện tích lúa hai vụ, giữ vững năng suất đứng hàng thứ nhất trong xã. Quyết tâm này thành hiện thực qua những lần được mùa gần đây, khi nhà nước quan tâm đầu tư giúp bản hoàn thiện hệ thống đập thủy lợi và kênh mương nội đồng”, Trưởng bản Hồ Hơn cho biết.
Bản Lâm Ninh bây giờ thực sự “thay da, đổi thịt” từng ngày. Dọc theo triền núi bao quanh cánh đồng, xuất hiện nhiều ngôi nhà xây kiên cố, khang trang, hiện đại theo kiến trúc của người Kinh miền xuôi, dần thay thế cho những ngôi nhà sàn tạm bợ, dột nát. Hồ Thị Năm (SN 1987), chủ căn hộ đẹp nhất bản Lâm Ninh bảo: “Toàn bản có 5 ngôi nhà xây giống như gia đình em, trị giá hơn 800 triệu đồng trở lên. Sắp tới sẽ còn nhiều ngôi nhà đẹp mọc lên nữa”.
Người "quên" lợi ích riêng... vì dân, vì bản
Bản Lâm Ninh có 54 hộ, 202 khẩu đồng bào Vân Kiều. Ngoài diện tích lúa nước, Lâm Ninh còn sở hữu thêm 213ha rừng trồng keo, tràm; chăn nuôi 240 con trâu, bò; nhận chăm sóc, bảo vệ trên 200ha rừng tự nhiên. Về nhà ở, ngoài những ngôi nhà người dân tự làm thì nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ xây dựng 10 nhà. Như vậy, cả bản chỉ còn lại 9 hộ dân chưa có nhà ở kiên cố.
Ngôi nhà to nhất bản của chị Hồ Thị Năm, nét “khác lạ” ở Lâm Ninh.
Để có bản Lâm Ninh trù phú, ấm no như ngày hôm nay không thể không nhắc đến vai trò của già làng Hồ Hơn, người giữ chức trưởng bản từ năm 1980 đến nay. Nghĩa là 45 năm trôi qua... già Hồ Hơn vẫn đương chức Trưởng bản Lâm Ninh. “Không ai nắm về tình hình bản Lâm Ninh rõ bằng già... và cũng không ai hiểu già bằng người dân trong bản Lâm Ninh!”, Trưởng bản Hồ Hơn nói đầy tự hào.
Già Hồ Hơn chân thành: “Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho bản Lâm Ninh để đồng bào “an cư, lạc nghiệp”. Ngày nào còn giữ chức trưởng bản, già vẫn tiếp tục động viên bà con giữ lấy ruộng đồng, cấy cày hai vụ, đó là ấm no. Giữ lấy trường lớp, giúp con em học hành nên người, đó là tương lai. Được như vậy, chắc chắn sau này bản Lâm Ninh sẽ thêm nhiều cái lạ hơn bây giờ. Vững chắc trên con đường hướng tới ấm no, hạnh phúc!”.
Tôi biết già Hồ Hơn cách đây chừng 20 năm và có nhiều bài báo viết về người trưởng bản chân chất, thật thà này. Nhưng hiểu hết già thì chưa. Kể chuyện về Trưởng bản Hồ Hơn, đồng bào bản Lâm Ninh luôn yêu thương, quý trọng người Vân Kiều “quên” đi lợi ích riêng... hết lòng vì dân, vì bản này.
Năm 1990, Trưởng bản Hồ Hơn tự nguyện hiến 5 sào đất vườn ven sông Long Đại để xây điểm trường mầm non, tiểu học và nhà văn hóa bản. Trận lũ lịch sử năm 2020, điểm trường bị ngập nặng, già Hồ Hơn quyết tâm “trao” cho nhà nước thêm 10 sào đất rừng ngay cạnh đường vào bản di dời trường lớp lên cao. Điểm trường mầm non mới 2 tầng khang trang bây giờ được xây dựng ngay chính trên diện tích đất già Hồ Hơn hiến tặng. Không dừng lại ở đó, khi xã Trường Xuân chủ trương mở rộng đường giao thông nội bản, già Hồ Hơn tiếp tục tặng thêm 10 sào đất nữa giúp làm đường bê tông.
Tôi hỏi Trưởng bản Hồ Hơn rằng hiến đến 25 sào đất, tương đương 12.500m2, cái bụng có tiếc không? Già Hồ Hơn hồn nhiên: “Không, không tiếc! Cho đồng bào có đường bê tông để đi thông suốt từ đầu bản đến cuối bản. Cho con em đến trường có nơi, có chốn học hành an toàn... thì tiếc làm chi. Cái bụng vui, hạnh phúc nữa là đằng khác”.
(QBĐT) - Cách đây 50 năm, vào những tháng ngày quân và dân cả nước theo lời hiệu triệu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng" để làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975.
(QBĐT) - Đến thời điểm này, tuyến cao tốc Bắc-Nam đi qua địa bàn huyện Quảng Trạch (dài 25km) đã hiện rõ hình hài. Các đơn vị thi công đang nỗ lực hoàn thành những hạng mục cuối cùng của tuyến đường.
(QBĐT) - Sản phẩm nụ trầm tài lộc Nam Lá được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Bình năm 2024. Để có được thành quả đó, chị Nguyễn Thị Thuỳ Trang ở xã Duy Ninh (Quảng Ninh) đã không ngừng nỗ lực, từng bước vượt khó đưa "đứa con" của mình ra "biển lớn".