(QBĐT) - Trầm Kỳ, xã Sen Thủy (Lệ Thủy) là một trong những làng quê có địa giới hành chính giáp ranh với tỉnh Quảng Trị. Vùng đất này, xưa từng được coi là “tử địa”, bởi, gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế. Nhưng giờ, ở đây, hiện hữu là màu xanh của những cánh rừng-màu của no ấm, hạnh phúc và một tương lai phát triển kinh tế bền vững hơn…
Ấm no từ rừng…
Xã Sen Thủy là cửa ngõ phía Nam của tỉnh Quảng Bình giáp với tỉnh Quảng Trị. Thôn Trầm Kỳ đi ngược vài bước chân vào phía Nam là giáp với thôn Tân Định, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh. Mấy năm trước, mỗi lần nhắc đến Trầm Kỳ, người địa phương ai cũng thấy ái ngại. Bởi, đoạn đường vào thôn dài khoảng 4km nhưng rất khó đi. Giờ đây, con đường vào thôn đã được bê tông nên dễ đi và sạch sẽ hơn. Như lời Phó Chủ tịch UBND xã Sen Thủy Lê Quang Cường nói, “đường vào thôn Trầm Kỳ được đầu tư nâng cấp, mở rộng, bởi thế, tương lai phát triển ở đây sẽ ngày càng tươi mới hơn...”.
Ngôi nhà của Bí thư Chi bộ thôn Trầm Kỳ Lê Thạch Ngọc nằm giữa thôn, phía trước nhà là con đường bê tông sạch sẽ với nhiều cây xanh. Bí thư Chi bộ Lê Thạch Ngọc đã gắn bó với vùng đất Trầm Kỳ này hơn 40 năm. Anh bảo, từ năm 1940 của thế kỷ trước, bà con nhân dân ở một số nơi trong xã Sen Thủy di cư vào đây thành lập nên vùng kinh tế mới Trầm Kỳ. Những ngày đó, nhiều hộ dân ở thôn có cuộc sống khá chật vật do cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đường sá lầy lội, đi lại khó khăn, vì thế, bà con không thể phát triển sản xuất được…
![]() |
“Trước đây, vào mùa mưa con đường dẫn vào thôn chằng chịt dấu bánh xe, rãnh trâu, không thể đi lại, mùa nắng thì bụi phủ đầy cây cối. Năm 2021, được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, hạ tầng giao thông trong thôn được đầu tư đồng bộ. Ở ngôi làng được xem như biệt lập, giờ đã mọc lên những ngôi nhà khang trang, đường bê tông trải dài, bà con đi lại dễ dàng, thuận tiện cho giao thương, sản xuất nên đời sống người dân được nâng lên đáng kể…”, anh Ngọc cho hay.
Trầm Kỳ có diện tích đất tự nhiên hơn 500ha với 92 hộ dân, hơn 350 nhân khẩu. Đời sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng rừng kinh tế và làm công nhân khai thác nhựa thông tại Công ty Lâm nghiệp Bến Hải (Quảng Trị)…
“Toàn thôn có hơn 400ha rừng trồng, chủ yếu là keo, tràm. Bình quân, mỗi người dân trong thôn sở hữu hơn 1ha rừng. Từ kinh tế rừng, mấy năm gần đây đã làm cho bộ mặt nông thôn và đời sống của người dân Trầm Kỳ có những thay đổi quan trọng. Nhiều gia đình đã bắt đầu khấm khá hơn, xuất hiện nhiều triệu phú từ trồng rừng…”, Bí thư Chi bộ thôn Trầm Kỳ chia sẻ.
“Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhiều mặt để đẩy mạnh liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng rừng trồng, qua đó, tạo điều kiện cho Trầm Kỳ phát triển kinh tế bền vững, người dân có thu nhập cao hơn nữa…”, Phó Chủ tịch UBND xã Sen Thủy Lê Quang Cường cho hay. |
Cách đây hơn 20 năm, gia đình anh Lê Đăng Thiền (SN 1982) thôn Trầm Kỳ quyết định trồng rừng kinh tế với ước mong giản đơn là có thể đổi đời, phát triển kinh tế bền vững. Từ những vùng đất hoang, cỏ dại mọc um tùm không dễ gì canh tác, phải mất gần cả năm trời ròng rã, gia đình anh mới trồng những cây giống keo, tràm đầu tiên trên vùng đất “tử địa” này. Khi những diện tích rừng ban đầu sinh trưởng, xanh tốt, anh Thiền tiếp tục khai hoang mở rộng diện tích. Cứ thế, sau hơn 20 năm ròng rã với bao mồ hôi, công sức, tiền của đầu tư khai hoang trồng rừng, đến nay, gia đình anh có hơn 20ha rừng…
Dẫn chúng tôi đi “mục sở thị” những cánh rừng trồng của gia đình, anh Thiền bảo rằng, ở vùng đất giáp ranh này, nếu bà con biết khai thác tiềm năng của đất rừng thì cuộc sống sẽ sung túc, khấm khá hơn. Với anh, ngoài trồng rừng để phát triển kinh tế, anh còn lập cơ sở thu mua mủ thông của các hộ dân trong thôn; cung cấp cây giống để bà con trồng rừng hàng năm. Mỗi năm thu nhập từ rừng và các ngành nghề khác cũng đem lại cho gia đình anh Thiền hơn 1,5 tỷ đồng….
Chuyện bên kia ranh giới
Phó Chủ tịch UBND xã Sen Thủy Lê Quang Cường thông tin, hiện, thu nhập bình quân đầu người hàng năm ở thôn Trầm Kỳ khá cao so với những hộ dân của các thôn khác ở địa phương, với mức thu nhập từ 60-70 triệu đồng/người/năm. Trầm Kỳ giờ có hơn 70% hộ khá, giàu và chỉ còn có 2 hộ nghèo (thuộc đối tượng già cả, neo đơn…).
Những câu chuyện kể về mưu sinh, cơm áo, gạo tiền với người dân ở làng giáp ranh khiến tôi khá ngạc nhiên, nhưng theo như lý giải của Bí thư Chi bộ thôn Trầm Kỳ Lê Thạch Ngọc, đó cũng là lẻ thường tình về cái gọi là “không có khoảng cách xa xôi của địa giới hành chính”. Thôn Trầm Kỳ tuy là đất Quảng Bình nhưng cuộc sống, sinh kế hàng ngày của người dân trong thôn đều phụ thuộc vào vùng đất Quảng Trị bởi nguồn thu nhập chính của người dân là làm công nhân cạo mủ thông, trồng rừng cho Công ty Lâm nghiệp Bến Hải.
“Bao đời nay, cứ nhắc đến Trầm Kỳ là nhắc về phía Bến Hải. Bởi các thế hệ cha ông, con cháu sau này đều gắn bó với Lâm trường Bến Hải nay là Công ty Lâm nghiệp Bến Hải. Giờ có khoảng 90% người dân trong thôn tham gia cạo mủ thông cho đơn vị này. Mỗi tháng, tùy vào diện tích rừng thông được giao khoán, sẽ quyết định đến thu nhập của người dân. Nhưng, trung bình người dân có thu nhập khoảng từ 8-10 triệu đồng/tháng…”, Bí thư Chi bộ thôn Trầm Kỳ cho hay.
![]() |
Gần 30 năm gắn bó với Công ty Lâm nghiệp Bến Hải, anh Lê Thạch Trọng (SN 1976) giờ đã tạo cho gia đình mình cuộc sống khá sung túc. Với hơn 4.000 cây thông được Công ty Lâm nghiệp Bến Hải giao khoán khai thác mủ, hàng tháng gia đình anh cũng có thu nhập hơn 10 triệu đồng…
“Tuy ranh giới chỉ cách nhau như nhiều người nói vui “ngọn rau khoai bò ngang hai huyện”, nhưng phía bên kia Bến Hải có rất nhiều ân tình. Tôi cưới vợ cũng là công nhân cùng đơn vị, người huyện Vĩnh Linh. Con cái tôi thời gian trước theo học ở Quảng Trị, đây còn là nơi tạo điều kiện cho gia đình tôi có thu nhập hàng tháng. Và hiện giờ, tôi đã xem Quảng Trị và Quảng Bình đều là người một nhà…”, anh Trọng chia sẻ.