icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Bước lên rừng gỗ lớn-Bài 2: Thu tiền tỷ nhờ gỗ rừng trồng

  • 06:08, 17/08/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Rừng trồng đã mang lại nguồn thu nhập khá cho các tổ chức và người dân trồng rừng. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh khai thác xấp xỉ 10.000ha; riêng năm 2023, khai thác trên 10.400ha rừng trồng, sản lượng đạt 738.600m3. Ở khắp các địa phương trong tỉnh, xuất hiện ngày càng nhiều những nông dân chân đất, sau mấy năm lăn lộn với rừng trồng đã có trong tay tiền tỷ…

>>> Bài 1: Đột phá thế mạnh gò đồi

Người “mê” rừng gỗ lớn

Với ông Nguyễn Văn Thuận, thôn Minh Tiến, xã Thái Thủy (Lệ Thủy), bà con vẫn quen gọi là “vua rừng”, như để gắn với thứ bậc là người có diện tích rừng nhiều nhất ở xã, trên 70ha rừng.

Ô tô chạy qua mấy tuyến đường bê tông rộng, xuyên qua khu dân cư lại tiếp những khoảng rừng nối nhau. Hai bên đường, rừng keo tràm đang vào kỳ khép tán như làm con đường lọt thỏm vào giữa mênh mông ngàn xanh. Ông Thuận khoát tay quơ rộng một vòng rồi nói: “Đây là vùng rừng đã được 7 năm tuổi, thêm 3 năm nữa là thu hoạch. Diện tích ở đây cũng được chừng hơn chục ha thôi”.

Đường về xã Thái Thủy (Lệ Thủy) đi qua những khu rừng khép tán.
Đường về xã Thái Thủy (Lệ Thủy) đi qua những khu rừng khép tán.

Không kể dài câu chuyện phải lăn lộn vất vả để làm sao có hơn 70ha rừng, ông Thuận chỉ nói đến thành quả mà rừng đang mang lại. Bây giờ, mỗi năm, ông đưa vào kế hoạch thu hoạch 10ha rừng nhỏ (rừng trồng 5 năm là khai thác) bán tính theo trọng lượng cho các nhà máy để làm gỗ dăm. “Nếu tính thu nhập 100 triệu đồng cho mỗi ha thì coi như gia đình tôi có số thu nhập trên dưới một tỷ đồng. Ở quê cũng chẳng tiêu pha gì nhiều nên xem như đó là tiền tích cóp”, ông Thuận nói.

“Cũng chưa hết đâu, hiện tôi có khoảng 20ha rừng trồng gỗ lớn, theo chu kỳ 10 năm khai thác”, ông Thuận lại mở đầu câu chuyện khác.

Chúng tôi vào giữa cánh rừng gỗ lớn (RGL) của ông Thuận, ngước nhìn những ngọn cây keo tràm vút lên khoảng không xanh ngát. Những hàng cây sau các lần tỉa thưa đang vào độ tuổi sung sức cao hơn chục mét, ngọn nghiêng nghiêng trước gió. Ông Thuận đến bên một cây nhìn gốc, xòe hai gang tay đo thân cây rồi bảo: “Vanh hơn hai mươi (đường kính gốc cây hơn 0,2m), vậy là tốt rồi, thêm 3 năm nữa là thu hoạch. Diện tích trừng này bảo đảm có khối lượng trên 250m3 mỗi ha đó. Loại này gỗ đen, chắc lắm. Đến giai đoạn này thì cây keo tràm đã cho gỗ ròng ra tận vỏ rồi nên lợi gỗ lắm”.

Hiện, ba xã miền núi của huyện Lệ Thủy là Kim Thủy, Ngân Thủy và Lâm Thủy có tổng diện tích rừng trồng kinh tế đạt trên 10.000ha, trong đó có gần 700ha RGL. Thu nhập từ rừng trồng kinh tế đã hỗ trợ mạnh mẽ cho chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của các địa phương này; đã có 9 bản đang trong lộ trình xây dựng bản NTM và đã có 3 bản đạt trên 10 tiêu chí NTM.

Theo tính toán của người dân Thái Thủy, RGL sau 10 năm khai thác thì bán gỗ thương phẩm chứ không làm nguyên liệu gỗ dăm. Khi đó, trung bình mỗi ha có trữ lượng gỗ khoảng 250-300m3. Với đơn giá bán khoảng 120.000 đồng/m3, sẽ có số thu khoảng 300 triệu đồng/ha. “Nếu theo chu kỳ 10 năm khai thác của RGL thì với 20ha, trung bình mỗi năm gia đình tôi khai thác 2ha. Sau khi trừ chi phí, còn lãi ròng khoảng 500 triệu đồng”, ông Thuận tính toán thêm. Như vậy, khi đó, gia đình ông có tổng thu mỗi năm khoảng 1,5 tỷ đồng từ rừng.

“Hiện nay, diện tích rừng gỗ nhỏ sau khi khai thác, gia đình cũng đưa vào quy hoạch phát triển RGL. Có nghĩa là, qua mỗi năm, diện tích RGL cứ tăng dần lên”, ông Thuận bộc bạch. Nhờ RGL mà mấy năm gần đây ông còn khai thác được vài chục lít mật ong rừng tự nhiên. “Mỗi cánh rừng có khi đến 4-5 đàn ong rừng kéo về làm tổ. Mình biết tổ rồi thì đến mùa lấy mật là tự lên khai thác thôi. Cũng tiện lắm.”, ông Thuận nói.

Xã miền núi tăng tốc nhờ rừng

Huyện Lệ Thủy có 3 xã miền núi là Kim Thủy, Ngân Thủy và Lâm Thủy. Các xã này tuy còn gặp không ít khó khăn nhưng cũng đang trên đà phát triển kinh tế-xã hội nhờ vào rừng trồng. Trong đó, xã Kim Thủy đang dẫn tốp đầu về diện tích rừng và RGL. Theo Chủ tịch UBND xã Kim Thủy Hồ Lìn, xã hiện có trên 1.200 hộ dân và trên 4.000ha rừng trồng kinh tế. “12 thôn, bản của xã đều có rừng trồng. Hiện, trên địa bàn xã cũng đã có trên 600ha RGL. Chính quyền đang vận động bà con tăng diện tích RGL và rừng được cấp chứng chỉ FSC theo lộ trình để bảo đảm ổn định đời sống và chất lượng rừng”, ông Hồ Lìn nói.

Cách đây gần 20 năm, chúng tôi gặp anh Hồ A Lai (bản Cồn Cùng, xã Kim Thủy) để viết về gương điển hình của bà con dân tộc Bru-Vân Kiều biết làm kinh tế từ trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi giỏi. Nay gặp lại, Hồ A Lai cười bảo: “Mình làm thêm “nghề tay trái” rồi, mình trồng rừng... Trồng nhiều lắm nên thu nhập cũng được... nhiều trăm triệu đồng. Rồi mình trồng RGL, sắp được khai thác. Nghe cán bộ đánh giá thì rừng của mình cũng được khoảng vài tỷ đồng...”.

Ông Nguyễn Văn Thuận: “Rừng gỗ lớn mang lại nguồn lợi lớn cho người trồng rừng”.
Ông Nguyễn Văn Thuận: “Rừng gỗ lớn mang lại nguồn lợi lớn cho người trồng rừng”.

Mấy chục năm vượt khó để trồng rừng, đến nay, gia tài mà Hồ A Lai có được là hơn 45ha rừng trồng keo tràm. Từ rừng đã cho gia đình anh có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ hiệu quả ban đầu, năm 2021, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt đã hỗ trợ cho anh 200 triệu đồng để cải tạo rừng nguyên liệu sang RGL với diện tích gần 20ha. Thời điểm tỉa thưa, rừng của Hồ A Lai đã được 5 năm tuổi và số gỗ sau khi tỉa anh bán được hơn 30 triệu đồng/ha. Hiện RGL của anh đã 7 năm tuổi, đường kính gốc bình quân hơn 0,2m và sẽ cho anh thu hoạch đạt khoảng 2 tỷ đồng trong 3 năm tới.

Hồ A Lai tâm sự, trước khi chuyển đổi rừng nguyên liệu sang RGL, anh cũng rất băn khoăn, vì thời gian cho thu hoạch lâu, lại lo gặp bão lớn. Nhưng rồi, cán bộ kỹ thuật của huyện, xã đến tuyên truyền vận động, lại được hỗ trợ chi phí nên anh đã đồng ý. Từ khi tỉa thưa, anh nhận thấy rừng phát triển rất nhanh, cây đều, thẳng. Nếu so với trồng rừng gỗ nhỏ thông thường 5 năm khai thác thì RGL mất khoảng 10 năm, nhưng tính toán lại thì hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần, ít vốn đầu tư, công chăm sóc. Trong năm này, Hồ A Lai sẽ tiếp tục chuyển đổi thêm một số diện tích và trồng thêm 5ha RGL.
Phan Anh và nhóm P.V

>>> Bài cuối:  Để bước đi thêm vững chắc

tin liên quan

Bước lên rừng gỗ lớn-Bài 1: Đột phá thế mạnh gò đồi
Bước lên rừng gỗ lớn-Bài 1: Đột phá thế mạnh gò đồi

(QBĐT) - Để phát triển rừng trồng nói chung và rừng gỗ lớn (RGL) nói riêng đáp ứng nhu cầu chế biến gỗ trên địa bàn và nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo xây dựng Đề án "Phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng RGL tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019-2025". 

Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

(QBĐT) - Với những nỗ lực chung của các bên liên quan, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) hiện là một trong những điểm sáng về công tác bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam. Việc tham gia chương trình Danh lục Xanh sẽ giúp VQG PN-KB từng bước khẳng định các thành công của mình; đồng thời bảo đảm việc vận hành VQG đi đúng hướng với yêu cầu chung của thế giới…

Quảng Bình muôn vẻ
Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Phá Hạc Hải ngày nay đã trở thành địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn với sắc vàng của lúa, sắc xanh của nước trời cùng những đặc sản đồng quê.