"Từ Vũng Chùa... hướng Điện Biên"-Theo dấu chân vị tướng huyền thoại: "Bài cuối: 70 năm... vẹn nguyên một tấm lòng!
08:05, 11/05/2024
(QBĐT) - Trong những ngày đoàn hành trình “Từ Vũng Chùa... hướng Điện Biên” lưu lại Điện Biên Phủ, các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) liên tục diễn ra. Điện Biên Phủ 70 năm sau là điểm đến nhiều thế hệ người dân Việt Nam, như 70 năm trước cả nước cùng ra trận làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Một điều mà những người con Quảng Bình, quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi nhận là tình cảm hầu như nguyên vẹn mà đồng bào Tây Bắc, người dân Điện Biên dành cho Đại tướng.
Chúng tôi trở lại với câu chuyện cùng thượng tá Lê Văn Hải, người có thời gian gần 28 năm phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Văn phòng Đại tướng trong những ngày đoàn hành trình “Từ Vũng Chùa... hướng Điện Biên” đang ở Hà Nội. Thượng tá Hải tâm sự: “Gần nửa đời người sống gần Đại tướng, anh Văn luôn xem tôi như một người em. Thậm chí, khi tôi lập gia đình năm 1994, gia đình Đại tướng còn bố trí cho hai vợ chồng căn phòng nhỏ tại 30 Hoàng Diệu để ở. Chúng tôi ở đó đến 9 năm. Ngày đám cưới tôi, anh Văn tặng hai vợ chồng tấm danh thiếp với lời chúc “Chúc hai em Hải và Thanh hạnh phúc!”. Tấm danh thiếp này cho đến nay tôi vẫn lưu giữ như một kỷ vật quý giá nhất đời mình”.
Thượng tá Lê Văn Hải từng hai lần tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Điện Biên Phủ vào các năm 1994 và 2004. “Đồng bào Tây Bắc, người dân Điện Biên, đặc biệt bà con những nơi đặt Sở Chỉ huy chiến dịch, như: Thẩm Púa, Nà Tấu, Mường Phăng luôn nhớ, dành một tình cảm rất đặc biệt cho vị tướng Tổng Tư lệnh”, thượng tá Hải chia sẻ.
Những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện với rất nhiều cựu chiến binh (CCB) Điện Biên Phủ từ khắp mọi miền Tổ quốc hội tụ về chiến trường xưa: Nguyễn Đức Chính (Bắc Ninh), Đỗ Hữu Phương (Thái Nguyên), Bùi Hữu Hải (Hà Nội), Lại Văn Năm (Điện Biên), Nguyễn Văn Khả (Hải Dương), Hoàng Quang Lộc (Nghệ An)...
CCB Hoàng Quang Lộc (SN 1930) nguyên bộ đội thuộc Đại đoàn 316. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông trở về đồng bằng. Đến năm 1958, theo tiếng gọi Tây Bắc, ông tình nguyện lên xây dựng Điện Biên. “Điện Biên Phủ là một phần máu thịt của tôi. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là người thân, người anh Cả của tôi. Dịp này trở lại Điện Biên có lẽ là lần cuối cùng trong đời để tri ân đồng đội, đồng chí, tri ân Đại tướng Tổng Tư lệnh”, ông Hoàng Quang Lộc rưng rưng.
Những CCB tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ giao lưu với đại diện đoàn hành trình “Từ Vũng Chùa... hướng Điện Biên”.
CCB Lại Văn Năm (SN 1932) hồi tưởng: “Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng Tổng Tư lệnh, bộ đội toàn mặt trận tiến hành bao vây “con nhím” Điện Biên Phủ bằng một hệ thống chiến hào dày đặc. Vòng vây trận địa chiến hào hình thành và siết chặt khiến kẻ địch không còn khả năng rút lui. Trận địa chiến hào đã phá vỡ cấu trúc cơ bản của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Theo dõi tình hình xây dựng trận địa chiến hào vô cùng khó khăn, thương bộ đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết thư động viên chúng tôi: “Các đồng chí làm trận địa mấy ngày liền lại phải chiến đấu, như vậy có nhiều đồng chí mệt nhọc. Nhưng ta mệt nhọc thì cần phải nhớ quân địch ở Điện Biên Phủ còn căng thẳng, mệt nhọc hơn... Tin chắc các đồng chí phát huy truyền thống chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, chiến đấu anh dũng của Quân đội ta để liên tục làm trận địa, liên tục chiến đấu với địch”.
CCB Nguyễn Văn Kỷ (SN 1932), nguyên chiến sĩ Đại đoàn 316, hiện tại đang sinh sống ở huyện Điện Biên nhớ lại: “Thời tiết những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 thay đổi đột ngột với những cơn mưa lớn, trận địa chiến hào của bộ đội ngập nước. Trước tình hình này, Đại tướng Tổng Tư lệnh chỉ thị: Bộ đội chiến đấu liên tục nhiều tháng liền, chuyện không bình thường nay trở thành bình thường. Trận địa của ta thoáng rộng, liền kề với hậu phương. Ta vẫn có thể bình thường hóa sinh hoạt của bộ đội như tổ chức luân phiên cho anh em về sau tắm giặt, cố tìm rau xanh bảo đảm cho bộ đội ăn cơm nóng, uống nước nóng. Việc tổ chức hầm ngủ sạch sẽ, nằm đủ duỗi chân, có cỗ bài tây, sách báo... Tuân thủ sự chỉ đạo của Đại tướng, toàn mặt trận đã nỗ lực cố gắng bảo đảm sinh hoạt bình thường, giữ gìn sức khỏe, tinh thần cho bộ đội, từ đó trường kỳ phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” và đi tới thắng lợi cuối cùng".
Qua giới thiệu của ông Nguyễn Hữu Trung (SN 1948), nguyên Trưởng ban Dân vận Huyện ủy huyện Điện Biên, Phó ban Thường trực Quân tình nguyện Việt Nam tại chiến trường Lào tỉnh Điện Biên, chúng tôi về thăm Khu tưởng niệm Đại tướng thuộc Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng.
Ông Trung vốn là chỗ thân tình với gia đình cụ Lò Văn Bóng, nguyên liên lạc đồng thời là cán bộ bảo vệ vòng ngoài Sở Chỉ huy Mường Phăng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cụ Bóng nay không còn, con trai cụ Bóng là ông Lò Văn Biên năm nay cũng ngoài 70 tuổi vẫn lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý về Đại tướng, về Chỉ huy sở Mường Phăng, trong đó có chiếc đài Đại tướng tặng cho cụ Bóng vào năm 2004, khi Đại tướng về thăm Điện Biên Phủ.
Ông Lò Văn Biên kể về bố mình: Năm 1954, bố tôi khi ấy mới 24 tuổi, tham gia lực lượng bảo vệ vòng ngoài Sở Chỉ huy. Được phát một khẩu súng trường, bố tôi ngày đêm lăn lộn địa bàn, vận động dân bản phòng gian, bảo mật. Bố cùng người dân Mường Phăng bảo đảm an toàn tuyệt đối Sở Chỉ huy đến khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy Mường Phăng.
Ông Lò Văn Biên cũng nhắc đến một món quà vô cùng to lớn Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành tặng cho đồng bào các dân tộc xã Mường Phăng, nơi một thời Đại tướng được người dân cưu mang, giúp đỡ, bảo vệ... đó là đập thủy lợi Loọng Luông.
Năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Mường Phăng. Ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân đã có mặt, chờ gặp Đại tướng. Ngoài thời gian đi thăm hầm hào, công sự, lán trại tại Sở Chỉ huy, Đại tướng dành nhiều thời gian gặp gỡ, thăm hỏi, nói chuyện với đồng bào. Đại tướng căn dặn bà con phải đoàn kết, cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng bản làng ấm no, khang trang hơn, giàu đẹp hơn.
Với tình cảm dành cho Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết thư gửi Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đề nghị hỗ trợ xây dựng hồ thủy lợi Loọng Luông tích nước giúp đồng bào mở rộng sản xuất. Tên công trình là Loọng Luông nhưng sau khi khánh thành cho đến tận bây giờ người dân Mường Phăng vẫn thân thương gọi hồ thủy lợi Loọng Luông là hồ Đại tướng!
Hòa theo dòng người kéo dài tưởng như vô tận, chúng tôi vào thăm Khu di tích Sở Chỉ huy Mường Phăng. Dưới tán rừng già mênh mông, khu di tích được tôn tạo, giữ gìn hầu như nguyên trạng, nguyên mẫu giống với 70 năm về trước.
Chúng tôi xin tạm kết thúc hành trình ““Từ Vũng Chùa... hướng Điện Biên”-Theo dấu chân vị tướng huyền thoại” ngay tại Sở Chỉ huy Mường Phăng, trước ngôi lán ở và nơi làm việc của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với hình ảnh thật cảm động về cậu bé Cầm Văn Tú, học sinh lớp 5, Trường tiểu học số 1 Pá Khoang, xã Mường Phăng đang say mê giới thiệu cùng du khách về “lý lịch” rất đầy đủ của Sở Chỉ huy Mường Phăng, về Chiến dịch Điện Biên Phủ, đặc biệt là về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hỏi: “Cháu tìm hiểu ở đâu mà rành rọt thế?”. Cậu bé Tú cười hiền khô: “Cháu học ở trường, tìm hiểu qua sách vở và tư liệu lịch sử...”.
Cầm Văn Tú nói thêm: “Lịch sử quê hương đã trở thành một phần máu thịt của cháu. Giới thiệu cho mọi người là giúp giữ gìn những giá trị lịch sử. Đặc biệt, tình cảm của người dân quê cháu dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp!”
Suốt hành trình “Từ Vũng Chùa... hướng Điện Biên”, qua các vùng đất gắn liền với cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống Pháp, với Chiến dịch Điện Biên Phủ, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, như: ATK Định Hóa, “Rừng Đại tướng”, ngã ba Cò Nòi, Sở Chỉ huy Mường Phăng... những người thực hiện hành trình cảm nhận được giá trị, tình cảm toàn dân tộc dành cho Đại tướng... “Sợi chỉ đỏ” cách mạng ấy cứ lung linh, xuyên suốt nhiều thế hệ không thể nào mai một được.
(QBĐT) - Chấp thuận đề nghị của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thay đổi phương châm tác chiến ở Điện Biên Phủ, Bác Hồ và Bộ Chính trị ra chỉ thị "Toàn Đảng, toàn dân tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến".
(QBĐT) - Ngày 26/11/1953, Sở Chỉ huy tiền phương do Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu phó phụ trách hành quân lên Điện Biên Phủ. Ngày 6/12, đoàn đến hang Thẩm Púa, nơi đặt chỉ huy sở.
(QBĐT) - Để chuẩn bị chiến trường và phương án tác chiến cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 26/11/1953, Bộ Chỉ huy tiền phương, gồm: Tổng Tham mưu phó Hoàng Văn Thái, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Liêm, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Đặng Kim Giang, Cục phó Cục Tác chiến Đỗ Đức Kiên và đồng chí Mai Gia Sinh, cố vấn Trung Quốc hành quân sớm lên Tây Bắc.