"Từ Vũng Chùa... hướng Điện Biên"-Theo dấu chân vị tướng huyền thoại: Bài 4: Giữa hai mặt trận
07:05, 10/05/2024
(QBĐT) - Chấp thuận đề nghị của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thay đổi phương châm tác chiến ở Điện Biên Phủ, Bác Hồ và Bộ Chính trị ra chỉ thị “Toàn Đảng, toàn dân tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến”. Để “đánh chắc, tiến chắc”, giúp tiền tuyến yên tâm đánh giặc thì sự chi viện của hậu phương phải bảo đảm, mang một quy mô mới. Hơn 260.000 dân công, trên 22.000 thanh niên xung phong (TNXP) kết hợp cùng các lực lượng chính quy tạo nên trận tuyến hậu cần thông suốt. Làm đường, bảo vệ giao thông, vận chuyển vũ khí, lương thực, thương binh... những con người đa số nông dân tạo ra bất ngờ, làm đảo lộn tính toán của phía Pháp về khả năng tiếp tế cho Điện Biên Phủ.
Trên đường ra trận, ngang qua ngã ba Cò Nòi (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), chứng kiến hình ảnh “Người đi như trảy hội. Những đoàn dân công Việt Bắc, Tây Bắc, Khu 3, Khu 4 đều gặp nhau ở đây. Bộ binh, pháo binh, vận tải, văn công... đơn vị này nối tiếp đơn vị khác...”- Đại tướng Võ Nguyên Giáp bồi hồi-“Tôi sinh ra và lớn lên từ một làng quê nghèo tỉnh Quảng Bình thuộc dải đất thiên nhiên ít ưu đãi ở miền Trung. Gia đình không đến nỗi đói ăn, nhưng những ngày giáp hạt thường thiếu. Từ khi còn là một chú bé, những lần theo mẹ đi vay và trả thóc trước và sau vụ gặt, tôi đã thấy những hạt thóc lép, thóc mục khi đi vay, những hạt thóc mẩy phơi khô, quạt sạch khi phải trả và cách đong vơi, đong đầy của chủ nợ. Tôi sớm hiểu nỗi khổ cực của những người nông dân không có ruộng hoặc ít ruộng đất như thế nào”.
Lực lượng xe thồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu
“Năm 1937, khi còn hoạt động trong Mặt trận Dân chủ, tôi cùng anh Trường Chinh viết cuốn “Vấn đề dân cày”... Nông dân là đội quân chủ lực của cách mạng. Suốt những năm kháng chiến, hy sinh lớn nhất, đóng góp lớn nhất chính là nông dân... Ngày 4/12/1953, theo đề nghị của Đảng, Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Luật Ruộng đất. Sự kiện trọng đại này đã thổi một luồng sinh khí mới vào hàng ngũ những người kháng chiến, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội vốn phần lớn xuất thân từ nông dân, tạo thành khung cảnh hùng tráng cả nước ra trận hôm nay. Đây sẽ là bất ngờ lớn nhất đối với quân địch trong mùa khô này. Một sức mạnh tinh thần ghê gớm mà chắc chắn Nava chưa đặt lên bàn cân so sánh lực lượng”.
Để bảo đảm tuyến chi viện cho Điện Biên Phủ, Hội đồng cung cấp mặt trận thành lập từ Trung ương đến địa phương và phân thành hai tuyến: Tuyến hậu phương do Tổng cục Cung cấp và Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương, Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đảm nhận; tuyến chiến dịch do Tổng cục Cung cấp tiền phương và Hội đồng Cung cấp mặt trận khu Tây Bắc chịu trách nhiệm.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hậu phương và các tuyến hậu cần dốc toàn lực bảo đảm cho hơn 87.000 người tham gia chiến dịch. Trong đó, 53.830 người trực tiếp chiến đấu; cứu chữa 8.458 thương binh, bệnh binh; bảo đảm 1.200 tấn đạn, 1.733 tấn xăng dầu, 14.500 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.034 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác. Nhân dân Tây Bắc mới giải phóng, dù rất nghèo, đời sống rất thiếu thốn nhưng vẫn huy động 7.311 tấn gạo, 389 tấn thịt, 800 tấn rau, 31.818 lượt dân công, 914 ngựa thồ phục vụ chiến dịch với tinh thần “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, không kém khó khăn về tác chiến. Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày, từng giờ, không kém tình hình chiến đấu... Quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng chúng ta có thể khắc phục được khó khăn này. Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh giá được được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù”.
70 năm sau ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, đoàn hành trình “Từ Vũng Chùa... hướng Điện Biên” chúng tôi dừng chân tại ngã ba Cò Nòi, nơi 70 năm trước Đại tướng đi chiến dịch và nhận xét: “Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải tất cả những người ra trận đều phải vượt qua”.
Di tích lịch sử tượng đài TNXP ngã ba Cò Nòi.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cò Nòi Lò Văn May tự hào: “Ngã ba Cò Nòi ví như “yết hầu” trên tuyến chi viện Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tất cả mọi hoạt động chi viện vũ khí, lương thực, thực phẩm từ hậu phương Việt Bắc và Liên khu 3, Liên khu 4 lên Điện Biên Phủ đều qua Cò Nòi. Nhận biết vị trí quan trọng của ngã ba Cò Nòi, thực dân Pháp tăng cường bắn phá hủy diệt. Có ngày chúng ném xuống đây 300 quả bom phá, bom nổ chậm, bom Napan, bom bướm... nhằm phá hủy kho tàng, vũ khí, lương thực. Dưới mưa bom, lửa đạn, lực lượng TNXP, dân công, người dân vẫn hiên ngang đối mặt với kẻ thù, bảo đảm mạch máu giao thông chảy đều trên tuyến lửa. Quá trình tham gia phục vụ chiến đấu có hơn 100 TNXP và nhiều người dân anh dũng hy sinh tại ngã ba Cò Nòi”.
Theo chỉ dẫn của anh Lò Văn May, chúng tôi vào bản Cò Nòi thăm cụ Lò Văn Pọm (SN 1931), đảng viên 60 năm tuổi Đảng. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Pọm làm liên lạc dẫn đường trên tuyến chi viện và giúp bộ đội hành quân từ ngã ba Cò Nòi đến chân đèo Pha Đin.
Cụ Pọm nhớ lại: “Mặc dù không trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng chúng tôi vâng theo lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, luôn bảo đảm tuyến đường từ ngã ba Cò Nòi vào Điện Biên Phủ thông suốt”. Nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cụ Pọm bồi hồi: “Tự hào lắm vì được phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ do Đại tướng chỉ huy. Nay 93 tuổi đời, hơn 60 năm tuổi Đảng, tôi về với bản làng luôn tự nhắc mình sống tốt, sống khỏe, sống có ích, nêu gương cho con cháu học tập. Cứ mỗi dịp tháng 5 về, tôi lại ra tượng đài TNXP ở ngã ba Cò Nòi nói chuyện với lớp trẻ, ôn lại những chiến công hào hùng của cha ông năm xưa”.
Với Phạm Thị Thu Hoài (SN 1998), Phó Bí thư xã đoàn Cò Nòi cùng những đoàn viên, thanh niên trong xã đều xem Khu di tích lịch sử TNXP ngã ba Cò Nòi trở thành một “địa chỉ đỏ” để học tập, giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng. Thu Hoài chia sẻ: “Là thế hệ sinh ra khi đất nước hòa bình, thịnh vượng nhưng chúng tôi không bao giờ quên sự hy sinh cao cả của cha anh đi trước vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mỗi lần đến với Cò Nòi, nghe kể chuyện về Điện Biên Phủ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi càng khâm phục hơn sự dũng lược, tài tình, quyết đoán của Đại tướng Tổng Tư lệnh để từ đó quân và dân ta làm nên một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu””.
Hậu phương vững chắc, tiền phương xông lên, Lệnh tổng động viên tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tới toàn mặt trận: “Giờ ra trận đã đến! Tất cả các cán bộ và chiến sĩ, tất cả các đơn vị, tất cả các binh chủng hãy dũng cảm tiến lên, thi đua lập công, giật lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Hồ Chủ tịch”.
Ngày 6/5, khối bộc phá gần một tấn trên đồi A1 phát nổ báo hiệu sự cáo chung “con nhím” tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 7/5, lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” tung bay trên trên nóc hầm Đờ-cát. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng sau 56 ngày đêm.
Theo hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày hôm sau, 8/5/1954, toàn mặt trận Điện Biên Phủ nhận được thư Bác Hồ, Bác căn dặn: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, TNXP và đồng bào địa phương làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn nhưng mới bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cùng đều phải trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn...”.
(QBĐT) - Ngày 26/11/1953, Sở Chỉ huy tiền phương do Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu phó phụ trách hành quân lên Điện Biên Phủ. Ngày 6/12, đoàn đến hang Thẩm Púa, nơi đặt chỉ huy sở.
(QBĐT) - Để chuẩn bị chiến trường và phương án tác chiến cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 26/11/1953, Bộ Chỉ huy tiền phương, gồm: Tổng Tham mưu phó Hoàng Văn Thái, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Liêm, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Đặng Kim Giang, Cục phó Cục Tác chiến Đỗ Đức Kiên và đồng chí Mai Gia Sinh, cố vấn Trung Quốc hành quân sớm lên Tây Bắc.
(QBĐT) - Một ngày cận kề tháng 5, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), những người con Quảng Bình thực hiện chuyến hành trình "Từ Vũng Chùa... hướng Điện Biên", theo dấu chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng toàn quân, toàn dân ra trận năm xưa.