icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

"Từ Vũng Chùa... hướng Điện Biên"-Theo dấu chân vị tướng huyền thoại: Bài 1: ATK Định Hóa-Những quyết định lịch sử!

  • 08:05, 07/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chiến thắng Điện Biên Phủ đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta tròn 70 năm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh Cả của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cũng đã đi vào cõi vĩnh hằng, an nghỉ tại Vũng Chùa, quê hương Quảng Bình hơn 10 năm. Một ngày cận kề tháng 5, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), những người con Quảng Bình thực hiện chuyến hành trình “Từ Vũng Chùa... hướng Điện Biên”, theo dấu chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng toàn quân, toàn dân ra trận năm xưa. Lạ kỳ thay, thời gian trôi qua 70 năm... nhưng dấu ấn lịch sử về vị tướng huyền thoại nơi những vùng đất chúng tôi đi qua, vẫn vẹn nguyên.
 
Khởi đầu hành trình, từ TP. Đồng Hới, chúng tôi ra Vũng Chùa thắp nén tâm hương trước phần mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những ngày cuối tháng 4, nơi Đại tướng an nghỉ, sáng sớm đã có hàng trăm cựu chiến binh và người dân khắp mọi miền đất nước hội tụ về viếng thăm. Thời gian ở Hà Nội, chúng tôi đến 30 Hoàng Diệu tri ân Đại tướng, tranh thủ ý kiến của anh Võ Điện Biên (con trai Đại tướng) đối với những nội dung trong hành trình hướng Điện Biên.
 
Anh Võ Điện Biên sau khi xem qua đề cương chi tiết hành trình, nhất trí ngay. Anh góp ý thêm: “Riêng ở Thái Nguyên, đặc biệt là ATK Định Hóa, nơi được xem là “Thủ đô gió ngàn” 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, mọi người chú ý tìm hiểu kỹ các di tích lịch sử gắn liền với Bác Hồ, Đại tướng, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh... nơi ra đời các quyết sách quan trọng cho chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Bàn làm việc của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại ngôi nhà ở đồi Khau Cuối.
Bàn làm việc của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại ngôi nhà ở đồi Khau Cuối.
Có một điều may mắn khi những ngày lưu lại Hà Nội, chúng tôi gặp được thượng tá Lê Văn Hải (SN 1967), người có thời gian gần 28 năm phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Văn phòng Đại tướng. Thượng tá Hải gợi ý: “Theo dấu chân Đại tướng Tổng Tư lệnh cùng toàn quân, toàn dân ra trận năm xưa, ở Thái Nguyên cần thiết phải đến đồi Phong tướng, lán Tỉn Keo, đồi Na Định, đồi Khẩu Quắc, đồi Khau Cuối, bản Soi... Những di tích lịch sử đặc biệt này vẫn vẹn nguyên dấu ấn Đại tướng, tình cảm Đại tướng gửi lại gia đình, hậu phương trước khi lên đường đến Điện Biên Phủ”.
 
Được Báo Thái Nguyên “chi viện” phóng viên Nguyên Ngọc, người từng nhiều năm nắm địa bàn ATK Định Hóa, đoàn hành trình “Từ Vũng Chùa... hướng Điện Biên” nhanh chóng có mặt tại “Thủ đô gió ngàn”. Sau khi thắp hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh đèo De, điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Di tích lịch sử lán Tỉn Keo, nơi từng diễn ra nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Bác Hồ cuối năm 1953, khởi nguồn để quân và dân ta mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.
 
Đầu tháng 10/1953, Hội nghị Bộ Chính trị họp tại lán Tỉn Keo do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Tham dự cuộc họp có Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu phó Hoàng Văn Thái...
 
Trong cuốn hồi ký “Điện Biên Phủ-Điểm hẹn lịch sử” (NXB QĐND, năm 2000), Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại sự kiện này: “Bác ngồi họp, thái độ bình thản, điếu thuốc lá kẹp giữa hai ngón tay duỗi thẳng... Bàn tay Bác đặt trên bàn, bỗng giơ lên và nắm lại. Người nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”. Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón tay trỏ về một hướng. Nhiều ý kiến quan trọng đặc biệt nhấn mạnh phương châm “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Phép dùng bình là phải “thiên biến, vạn hóa”. “Số phận của kế hoạch Nava được định đoạt ở cuộc họp Tỉn Keo”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định.
Di tích lịch sử lán Tỉn Keo, nơi từng diễn ra nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Bác Hồ.
Di tích lịch sử lán Tỉn Keo, nơi từng diễn ra nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Bác Hồ.
Đến cuối tháng 12/1953, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hoàn tất. Trung tâm đề kháng cuối cùng ở phía Nam Mường Thanh xây dựng xong, Những đơn vị ưu tú nhất của đạo quân viễn chinh Pháp đều có mặt”, Đại tướng viết trong hồi ký.
 
Ngày 6/12/1953, tờ trình Tổng Quân ủy trình Bộ Chính trị nêu rõ: “Thời gian tác chiến ở Điện Biên Phủ ước độ 45 ngày. Trận đánh có thể khởi đầu vào tháng 2/1954. Đây sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay, sẽ phải sử dụng 3 đại đoàn bộ binh, toàn bộ pháo binh, công binh, lực lượng phòng không. Nếu kể cả cơ quan chỉ huy chiến dịch, các đơn vị trực thuộc, bộ đội bảo vệ tuyến cung cấp, bộ đội bổ sung thì quân số tổng quát của chiến dịch là 42.000 người”.
 
Từ lán Tỉn Keo, chúng tôi ngược ra hướng đông bắc về phía xã Đồng Thịnh. Ở đây, cạnh trụ sở UBND xã vẫn còn nhà bia di tích lịch sử nhuốm màu thời gian. Trên tấm bia ghi nội dung: “Vào Hè Thu năm 1953, thực hiện chỉ thị Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Quân ủy, một trung đoàn thuộc Đại đoàn quân Tiên Phong (Đại đoàn 308-P.V) đã tổ chức diễn tập thực binh đánh tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp”.
 
“Chưa bao giờ người dân Việt Nam ra trận nhiều như vậy, tất cả cho tiền tuyến. Hậu phương dồn người, dồn của cho chiến trường. Gần như mọi tích lũy của nông dân trong 8 năm kháng chiến, kiến quốc được mang phục vụ chiến dịch... Họ mang lại nguồn lực khổng lồ về vật chất và tinh thần cho những người trực tiếp cầm súng. Rất nhiều người trong số họ vĩnh viễn nằm lại miền Tây Bắc” (trích hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 10 năm sau ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ).

Nhiều người dân xã Đồng Thịnh vẫn nhớ mốc lịch sử trọng đại ở quê hương mình: Khoảng cuối năm 1953, nhân dân được lệnh bí mật sơ tán nhường địa hình, nhà cửa lại cho bộ đội luyện quân. Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 tổ chức diễn tập đánh tập đoàn cứ điểm “địch” bố trí tại 3 xóm: Bản Soi, Đèo Tọt, Đồng Làn. Địa thế xã Đồng Thịnh gần giống với lòng chảo Ðiện Biên Phủ, trong đó đồi Nghè tương tự đồi A1; đồng Soi giống cánh đồng Mường Thanh; sông Chu tương tự sông Nậm Rốm... Trận diễn tập thực binh trở thành bước tập dượt quan trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ sau này.

Về lại đồi Khau Cuối, thôn Bảo Biên, xã Bảo Linh, nơi đặt Cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh; lán làm việc, sinh hoạt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình giai đoạn 1949-1954. Lương Thị Thư, hướng dẫn viên thuộc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa cho biết: “Tại đây, Đại tướng Tổng Tư lệnh cùng với Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh đã xây dựng các kế hoạch quân sự quan trọng trình Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo các chiến dịch lớn, trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau ngày kháng chiến thành công, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có hai lần về thăm thôn Bảo Biên, thăm nơi ở và làm việc của mình trong kháng chiến chống Pháp. Đặc biệt, năm 1998, Đại tướng trồng một cây lát trước căn nhà cũ, cho đến hôm nay cây lát vẫn còn, dù người trồng đã đi xa”.

Trong câu chuyện với Lương Thị Thư, chúng tôi mới biết cô gái hướng dẫn viên là cháu nội bà Ma Thị Tôm (SN 1929, đã mất), một người hàng xóm của ông Ké (Chủ tịch Hồ Chí Minh) từ những ngày đầu tiên Người về ATK Định Hóa tại lán Tỉn Keo và lán Khuôn Tát. Bà Ma Thị Tôm cũng vinh dự rất nhiều lần gặp, thân thiết Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi hay tin Đại tướng mất, bà Tôm buồn, sức khỏe yếu dần, không lâu sau cũng qua đời.
 
Ngô Thanh Long
 
>>> Bài 2: Tướng quân ra trận

tin liên quan

Chiến thắng Điện Biên và điểm nhấn lịch sử
Chiến thắng Điện Biên và điểm nhấn lịch sử

(QBĐT) - 70 năm rồi nhưng dư âm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024) vẫn còn nguyên vẹn. Có nhiều cách để lý giải điều kỳ diệu này, nhưng theo tôi ngoài ý nghĩa lịch sử vĩ đại "Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng" (Tố Hữu), chiến thắng ấy còn mang đậm giá trị nhân văn gắn liền với tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

"Điểm hẹn lịch sử-Điện Biên Phủ"
"Điểm hẹn lịch sử-Điện Biên Phủ"

(QBĐT) - Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sự nghiệp cách mạng của Đại tướng được hun đúc, nuôi dưỡng bởi làng quê An Xá giàu truyền thống yêu nước và như là tất yếu của lịch sử để từ đó Đại tướng đến với "điểm hẹn lịch sử-Điện Biên Phủ"…

Khúc vọng Điện Biên
Khúc vọng Điện Biên

(QBĐT) - Hoa ban nở gợi nhớ mùa thắng trận Điện Biên. Nơi ấy, 70 năm trước diễn ra một chiến thắng "chấn động địa cầu": "Kháng chiến ba nghìn ngày/Không đêm nào vui bằng đêm nay/Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực/Trên đất nước, như Huân chương trên ngực/Dân tộc ta dân tộc anh hùng!".