icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Tiếng quê hương nơi rừng thẳm

  • 07:01, 21/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vài tia nắng vàng vọt ló ra chưa kịp nhuốm vàng mặt đất đã bị đám mây màu khói đèn nuốt chững. Không gian bất chợt tối sầm. Rừng vật vã, trắng nhợt dưới làn nước mịt mùng. Vệt đường lọt thỏm giữa hai bờ cây cao vút trước mặt chúng tôi bỗng chốc thành con sông nhỏ. Chiếc U-oat nhảy chồm chồm như cóc giữa dòng nước đỏ ngầu bùn đất. Trái với sự lo lắng của chúng tôi, người lái xe vẫn tỏ ra bình thản “Dẫu sao thì bây giờ thế cũng đã “lý tưởng” lắm rồi. Một năm trước, con đường còn chưa có hình thù con đường nữa kia!”
 
Đấy là năm 1999 khi Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78, Binh đoàn 15 bổ nhát cuốc đầu tiên xuống vùng đất Mo Ray (Kon Tum). Trái với sự “lạc quan” của tài xế, được chừng ba cây số nữa thì xe bị sụp lầy. Hết tiến lại lùi, xoay trái rồi xoay phải, chiếc U-oat vẫn chôn chân giữa vũng bùn đặc quánh. Sốt ruột, Giám đốc Nguyễn Xuân Minh giành lấy tay lái. Báo hại thêm là bởi đánh lái quá tay, vô lăng bị kẹt. Vậy là người lái xe đành trải nilon nằm ngửa trên vũng bùn để sửa.
 
Cho đến sẩm tối, chúng tôi mới thoát được quãng đường kinh khủng ấy. Tuy nhiên, ấn tượng của tôi hôm ấy không phải là xe mình bị sụp lầy mà là chiếc xe chở công nhân mới tuyển ở Quảng Bình cùng đi vào. Họ hầu hết là các cô gái trẻ. Mặc bác tài hì hụi gạt bùn, chèn đá chống lầy, các cô cứ thản nhiên ngồi trên xe khóc sướt mướt. Tôi thầm nghĩ chẳng biết rồi trong số họ còn được mấy người dám trụ lại chốn thâm sơn cùng cốc này?
 
Chuyện lứa đôi và...
 
Đội 1 có 62 công nhân, quê chủ yếu ở Quảng Bình. Nếu nguyên vẹn phải hơn 80 người. Nguyễn Quang Dũng, công nhân của đội này kể: Em vốn là dân biển nên cứ hình dung vùng đất mới là “công trường rộn tiếng ca”. Đến nơi, hóa ra chỉ một màu rừng hoang lạnh. Hàng cây số không nghe một tiếng chó, tiếng gà... Mùa mưa, đất trời sũng nước, cả công ty là một ốc đảo. Mùa khô nắng bỏng da, muôn vật như bị xé ra trong miên man những cơn gió man dại. Đất này họa chăng chỉ có trồng được cây… cột điện. Chuồn khỏi nơi này là đắc sách.
 
Cùng xã Hưng Thủy (Lệ Thủy) với Dũng, đi 8 người thì 4 người bỏ về… “Thực tình là em bấy giờ cũng rất hoang mang nhưng rồi lại nghĩ sau công ty còn cả Binh đoàn. Vã chăng sức trẻ mà làm không nên ăn thì xấu hổ quá”. Nhưng đã xác định ở lại thì phải an cư. Bấy giờ công ty có phong trào “Vườn nhà trước, vợ chồng sau”. Vườn nhà không khó, “nửa kia” mới khó…
 
Lúc tuyển quân, tỉ lệ nam nữ tương đương nhưng việc bỏ về của nhiều người đã làm lệch. Có đội 100 nam nhưng chỉ có 20 nữ. Thế là bắt đầu thời kỳ “nở rộ tình yêu”. Mỗi đợt sinh hoạt tập thể, mỗi cuộc giao lưu đều là những cơ hội quý giá để gặp gỡ, làm quen. Tìm được “đối tượng” đã khó, đến với nhau cũng chẳng dễ dàng… Đội này cách đội kia hàng chục cây số, ra khỏi khu tập thể là mịt mùng rừng. Mà hồi ấy ngay nơi ở, đêm đêm cọp còn về rình bắt heo sau nhà…
 
Tư lệnh Binh đoàn lên thăm, hỏi công nhân có nguyện vọng gì cấp thiết nhất. Không đôi hồi, các cô nói thẳng: “Xin Tư lệnh tuyển nhiều công nhân nam vào để chúng em có cơ hội lấy được chồng”… Còn giám đốc thì tuyên bố: Ai về quê lấy được vợ mang vào, công ty sẽ chi tiền tàu xe và thưởng luôn 1 triệu đồng! 
 
Nhưng cuộc sống vốn có những điều kỳ diệu hơn những gì ta nghĩ. Điều kỳ diệu ở đây là tình yêu đã xóa nhòa mọi ranh giới miền quê, dân tộc để không ai phải lẻ bóng trên đời. Chỉ một đội 2, tình yêu đã kết trái 6 miền quê, 5 dân tộc. Suốt 5 năm ròng, giữa ốc đảo không điện, không trường, không chợ búa, nếu không có điểm tựa tình yêu chắc chắn sẽ không có cuộc sống hôm nay…
 
Cao su ở đây năng suất, chất lượng mủ vào hàng cao nhất, tốt nhất trong các công ty Binh đoàn 15. Đời sống vật chất gia đình vững vàng với tiền lương đạt từ 10-15 triệu đồng/tháng. Đấy là chưa nói thu nhập kinh tế hộ. Đội 1 có 30% công nhân có cao su tiểu điền. Hộ nhiều tới 5ha. Dũng cũng có 3,5ha. Lương hai vợ chồng 200 triệu đồng/năm, cộng với thu nhập từ cao su tiểu điền, mỗi năm cũng xấp xỉ 400 triệu đồng. Khi hàng trăm ha cao su tiểu điền được đưa vào khai thác, tỉ phú có lẽ cũng chẳng còn là điều xa lạ trên vùng đất vốn không ai nghĩ tới này…
(Ảnh minh họa)
Giờ tan học.

 "Ngôi trường đặc biệt nhất nước"

Nắng ngốt lên đã già buổi mà đoạn đường dưới tán rừng cao su vẫn ướt nhẫy. Nhiều quãng, chiếc U-oat cứ loạng choạng như đánh võng. Chẳng hiểu ngôi trường này ẩn chứa những gì mà lãnh đạo công ty cứ quả quyết với tôi như thế?
 
Cái không khí thâm u, tĩnh mịch của núi rừng bỗng nghe rạn dần rồi vỡ òa tiếng trẻ. Trên khoảng sân xi măng chói lòa ánh nắng, những sắc màu tuổi thơ phấp phới như một bức tranh siêu thực... Dù nằm ở vị trí trung tâm, thế nhưng nhà các cháu vẫn cách trường phổ biến 10-20km. Thậm chí khu Nam Mo Ray còn cách trường những 52km. Đường đất thế, mùa khô cha mẹ lại phải đi cạo mủ từ đêm nên hầu hết các cháu phải ở nội trú, đầu tuần đến trường, cuối tuần mới được gặp cha mẹ.
 
Riêng các cháu ở Nam Mo Ray thì có khi cả tháng chưa được gặp… “Mới tí tuổi đầu đã phải quen với cuộc sống doanh trại”-một ý nghĩ chát lòng khi nhìn khu nội trú với hai dãy giường đơn ken sít, những chiếc ba lô sặc sỡ đủ kiểu được xếp gọn đầu giường. Dẫu sao thì bây giờ các cháu cũng có lúc được hơi ấm cha mẹ chứ trước năm 2005 cứ đến tuổi đi học là phải gửi về quê cho ông bà…
 
Ở vùng đất mênh mông, xa xôi này, mỗi con người sinh ra là mỗi vốn quý, bởi vậy mà con trẻ được công ty chăm sóc hết lòng… Có chuyện rằng những năm còn gian khổ, đích thân giám đốc cứ mỗi lần họp hành lại khuyên chị em hãy tính lựa sao đó để sinh con vào những tháng mùa khô. Sinh mùa mưa nhỡ có chuyện gì bất trắc, không chỉ gia đình mà công ty cũng có lỗi. Mỗi mầm sống cho đất này quý lắm, đắt lắm... Khu nội trú này, với ngần ấy cháu, đầu tư cơ sở vật chất ban đầu tính sơ đã trên 2,3 tỷ đồng... Chợt thấy lòng xao xuyến khi nghe trong đám con trẻ đang cười nói râm ran giữa chiều, âm sắc “trọ trẹ”.
 
Một góc Quảng Bình thân thương đang ở đây với những chủ nhân tương lai đang được chăm bẵm, nuôi dưỡng bằng truyền thống của một miền quê luôn mang trong lòng ý chí kiên cường, quả cảm. Từng có mặt trên nhiều vùng đất xa xôi, diệu vợi của Tây Nguyên, mà lạ, chưa nơi nào cho tôi cảm xúc như chiều Mo Ray. Cũng là bởi tiếng quê hương-nghe ấm áp và thân thương làm sao giữa chiều đại ngàn đang khép…
Ngọc Tân  

tin liên quan

Những "bảo mẫu" đặc biệt
Những "bảo mẫu" đặc biệt
(QBĐT) - Một ngày như mọi ngày, thạc sĩ thú y Nguyễn Tất Thắng (SN 1993) cùng các cán bộ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) dậy thật sớm chuẩn bị bữa ăn thường nhật cho các loại thú quý hiếm đang được chăm sóc, bảo tồn tại đây. Tháng 3/2022, 7 cá thể hổ chuyển từ VQG Pù Mát (Nghệ An) về trung tâm và cũng từ đó... họ trở thành những "bảo mẫu" của những thú nuôi đặc biệt này.
 
Giấc mơ gạo quê...
Giấc mơ gạo quê...

(QBĐT) - Bí thư Trần Công Thượng khoe: "Gạo Vĩnh Tuy dẻo thơm, ngon nức tiếng đây anh. Ai đã thử một lần, nhớ thương không bỏ được!".

Gặp nhau ở vùng biên
Gặp nhau ở vùng biên
(QBĐT) - Những bản làng của đồng bào Ma Coong ở xã Thượng Trạch (Bố Trạch) mỗi ngày mỗi khác, sạch đẹp ngăn nắp và đủ đầy hơn. Tôi đã gặp ở đây những con người lặng lẽ mà ăm ắp tình yêu thương và trách nhiệm. Họ đang góp phần thắp sáng vùng biên.