(QBĐT) - Mười năm trước, vào dịp lễ truy niệm các Anh hùng liệt sỹ (AHLS) đường 20-Quyết Thắng nhân 40 năm Ngày hy sinh của các AHLS ở hang Tám Thanh niên xung phong (TNXP), tôi đã gặp chị, người con gái duy nhất của liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ. 40 năm sau ngày cha mình mất, chị mới đặt chân đến nơi đấng sinh thành ngã xuống... Những giọt nước mắt chị thấm ướt trước cửa hang... lặng lẽ, bồi hồi!
Người lính ấy... ra đi từ mái tranh nghèo
Tham gia xây dựng, sống, chiến đấu và hy sinh trên đường 20-Quyết Thắng là những người lính thuộc nhiều lực lượng: Bộ đội, TNXP, công binh, dân công hỏa tuyến... Các anh chị ngã xuống khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, phần lớn đều chưa có gia đình.
Người lính ấy-liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ (SN 1947), một trong tám TNXP hy sinh tại hang Tám TNXP, trước khi vào chiến trường, kịp để lại nơi mái tranh nghèo ở hậu phương xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đứa con gái đầu lòng vừa mới tròn 5 tháng tuổi. Con gái liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ tên Nguyễn Thị Thanh.
Liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ là con trai thứ trong gia đình có 5 người con gồm 2 trai, 3 gái. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lớp lớp thanh niên, thanh nữ trong làng đều lên đường ra mặt trận. Chàng trai Nguyễn Mậu Kỷ cũng không nằm ngoài dòng chảy đó, viết tâm thư xin vào Nam chiến đấu. Bố mẹ gật đầu đồng ý cho anh đi với một điều kiện, phải lấy vợ, nhưng anh ngại vì chiến trường bom đạn ác liệt biết sống chết ngày nào, sợ để lại gánh nặng cho người thân nơi quê hương. Chiến trường thôi thúc quá, vậy là anh gật đầu ưng thuận.
Bố mẹ vốn đã ngắm cho anh một cô thôn nữ ở cùng làng tên Nguyễn Thị Chờ. Họ nên đôi, nên đũa bằng lễ cưới đơn sơ. Rồi hạnh phúc vỡ òa cho đôi vợ chồng trẻ khi con gái đầu lòng của họ ra đời. Anh đặt tên con là Nguyễn Thị Thanh.
Năm 1970, khi con gái Nguyễn Thị Thanh tròn 5 tháng tuổi, anh khoác ba lô, từ biệt gia đình, người vợ trẻ và con gái bé bỏng còn ẵm ngửa lên đường ra mặt trận, phục vụ chiến đấu trên đường 20-Quyết Thắng. Hai năm sau, anh ngã xuống nơi hang Tám TNXP.
Ngày tôi gặp chị Nguyễn Thị Thanh lần đầu tiên trên đường 20, chị đã 42 tuổi. Trước cửa hang Tám TNXP, chị bồi hồi: “Ba mất hơn 3 năm, mẹ tái giá. Chị cứ thế lớn lên trong niềm tự hào về ba và sự đùm bọc, yêu thương của người thân hai bên nội ngoại. Thực sự chị không thể nhớ về ba vì lúc đó mới 5 tháng tuổi. Nghe các cô, chú kể lại ba dáng người thấp, gầy và đen. Năm 1990, chị lập gia đình và có hai người con. Nhờ phúc ấm của ba, mà các cháu chăm ngoan, học giỏi”.
Chị Nguyễn Thị Thanh thắp nén tâm nhang tưởng nhớ các liệt sỹ.
Thiêng liêng hang đá ba nằm
40 năm sau ngày liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ mất, nhờ sự kết nối giữa Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa, chị Nguyễn Thị Thanh mới thực hiện được ước nguyện: Thắp một nén tâm nhang nơi cha mình ngã xuống... đúng vào dịp lễ truy niệm các AHLS đường 20-Quyết Thắng nhân 40 năm Ngày hy sinh của các AHLS ở hang Tám TNXP.
“Ba có người em tên Nguyễn Mậu Mật, chú Mật từng nhiều lần vào viếng ba. Sau mỗi chuyến đi Quảng Bình về, qua lời kể của chú, chị lại ước được một lần vào. Nhưng gia cảnh nghèo quá, lo cho con cái học hành đã đầu tắt mặt tối, lấy đâu ra tiền chi phí vào Quảng Bình. Vì thế mà lần lữa mãi, thời gian trôi vèo qua 40 năm”.
Bẵng thêm 10 năm... những ngày đầu tháng 11/2022, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày hy sinh của các AHLS ở hang Tám TNXP trên đường 20-Quyết Thắng, chúng tôi lại có dịp hội ngộ với gia đình chị Nguyễn Thị Thanh tại quê hương liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ. Không biết duyên nợ thế nào mà khi đoàn công tác từ Quảng Bình ra lại đúng dịp gia đình ông Nguyễn Mậu Mật và chị Nguyễn Thị Thanh tổ chức cúng giỗ cho liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ (tính theo lịch âm-PV).
Trước bàn thờ liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ, chị Thanh tâm sự: “Hai cháu ngoại của ông là Lê Thị Tâm, sinh năm 1991 và Lê Quang Tuấn, sinh năm 1997 giờ đã lớn khôn. Tuấn đi lao động ở Đài Loan hơn ba năm nay gửi tiền về cho ba mẹ cất được một ngôi nhà khang trang tại thị trấn Bút Sơn. Gia đình chị bây giờ thực sự đã thoát nghèo, có điều kiện để vào Quảng Bình, đến đường 20-Quyết Thắng viếng ba”.
Rời thị trấn Bút Sơn, chị Nguyễn Thị Thanh theo đoàn công tác cùng với một số nhân chứng, đồng đội liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ từng tham gia chiến đấu trên đường Trường Sơn, trực tiếp chứng kiến sự kiện bi tráng ngày 14/11/1972 trở lại đường 20-Quyết Thắng. Với riêng chị Thanh, cũng đã lâu lắm rồi chưa về thăm hang đá linh thiêng nơi ba nằm...
“Trong tâm niệm của chị, từ bao giờ chị đã xem mình như một người con chung của các AHLS đường 20, của các liệt sỹ hy sinh ở hang Tám TNXP này”-thắp hương dâng lên bàn thờ trong lòng hang Tám TNXP, chị Thanh xúc động nói với tôi-“Ba và đồng đội đã hóa thân vào sông núi, vào lòng đất mẹ Việt Nam. Các con cháu và người thân của ba dù ở xa nhưng vẫn luôn luôn nhớ đến hang đá linh thiêng nơi ba ngã xuống”.
(QBĐT) - Cứ đến tháng 10 và 11 dương lịch hàng năm, người dân ở các xã Quảng Lưu, Quảng Tiến, Quảng Thạch (Quảng Trạch) lại vào rừng nhặt hạt dẻ. Năm nay dẻ được mùa nên từ đầu vụ đến giờ, người dân nơi đây đã thu về hơn 5 tỷ đồng!
(QBĐT) - Trời chưa sáng, những người đi bộ thể dục trên con đường Lý Thường Kiệt, phường Quảng Thuận (TX. Ba Đồn), thường vẫn thấy một bóng người thấp đậm, đầu đeo đèn chiếu sáng, lội nước bì bõm, đổ tôm tép ra từ những cái nò trên cánh đồng trước mặt. Trong bờ, người đàn bà lụi cụi nhặt, phân loại tôm, tép, ốc rồi mang thẳng ra chợ Họa. Đó là cặp vợ chồng ông Nguyễn Cháu, sinh năm 1934 và bà Trương Thị Thỉ, sinh năm 1936.
(QBĐT) - Đồn Biên phòng Cồn Roàng-Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Bình nhận nhiệm vụ quản lý bảo vệ 29km đường biên giới thuộc xã Thượng Trạch và xã Tân Trạch (Bố Trạch).