icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Tiếng gọi của một vùng đất - Bài 2: Thủy sản và lúa

  • 08:05, 21/05/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Trong một ngày cuối tháng tư, chúng tôi đã có chuyến “điền dã” về vùng lúa bên phá Hạc Hải trên địa bàn xã Hồng Thủy (Lệ Thủy). Nắng chan hòa trải dài trên cánh đồng lúa bát ngát và không khó để nhận ra lúa bên này, lúa bên kia tuyến đê bao. Bởi lẽ, một bên lúa đã trổ bông lác đác còn bên kia nông dân đang bón thúc đợt cuối, lúa đang mướt xanh…Và phá Hạc Hải như lọt thỏm giữa những cánh đồng lúa điệp trùng…

>> Bài 1: Những dấn ấn chế ngự nước

Lúa trong đê bao và lúa ngoài đê bao

Anh Nguyễn Minh Tuấn, một nông dân ở thôn Mốc Thượng 1, xã Hồng Thủy đang bón phân cho lúa trên mảnh ruộng của mình đã lý giải cho sự khác biệt của cây lúa bên này, bên kia đê bao. Hàng năm, vì ruộng ngoài đê bao có cao trình thấp hơn, nước ngập sâu nên việc gieo cấy phải muộn hơn ruộng phía trong đê bao độ 20 ngày và vì vậy bình thường sẽ thu hoạch muộn hơn chừng ấy thời gian.

Chăm sóc lúa đông- xuân ở xã Hồng Thủy.
Chăm sóc lúa đông- xuân ở xã Hồng Thủy.

Với lúa của gia đình anh hiện nay khoảng cuối tháng 5 mới có thể thu hoạch được. Tôi chợt nhẩm tính, như vậy lúa nhà anh Minh sẽ bị đe dọa bởi lũ tiểu mãn. Và không chỉ việc thu hoạch muộn mà lúa trong đê bao và lúa ngoài đê bao là cả một câu chuyện dài…

Cũng xin được nhắc lại đê bao vừa nói đến là tuyến đê bao của dự án Thượng Mỹ Trung, một công trình “thế kỷ” của vùng hai huyện đã được đề cập đến trong bài viết trước. Có lẽ, do đặc điểm về địa hình mà tuyến đê bao trên đồng đất xã Hồng Thủy như chạy dịch về phía đông. Tại thôn Mốc Định, đê bao tạt qua thôn này, bởi vậy một diện tích rất lớn ruộng lúa của xã đều nằm ngoài đê bao.

Theo anh Lê Đại Xúng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thủy, diện tích ruộng ngoài đê bao có nhiều dạng. Trong đó phần lớn do người dân tự khai phá vùng đất hoang hóa ngoài phá Hạc Hải thành ruộng. Công cuộc khai phá cũng lắm gian truân. Để có ruộng phải quai đê trên nền đất yếu, rồi còn phải khử chua phèn…

Sau nhiều năm, đến nay tổng diện tích ngoài đê bao của toàn xã cũng đến trên 150 ha. Nhưng dù loại hình nào đi chăng nữa, ruộng ngoài đê bao có chung “số phận” là không được che chắn bởi đê bao kiên cố. Và tất nhiên, hiệu quả của sản xuất trên vùng ruộng này như một nông dân nói là 50-50. Nghĩa là luôn bị thiên tai đe dọa, những năm lũ sớm, đặc biệt là lũ tiểu mãn lớn (khoảng 20-21-5) thì mất trắng. Còn không, lúa có năng suất khá cao, cao hơn cả lúa trong đê bao. Ngoài vụ đông-xuân, sẽ có vụ lúa tái sinh nhưng năng suất rất thấp.

Phá Hạc Hải có diện tích rất lớn, tiếp giáp với nhiều địa phương trong cả hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy chứ không chỉ Hồng Thủy. Vì vậy, việc lấn phá mở rộng diện tích canh tác cũng có nhiều địa phương khác tham gia. Như xã Hoa Thủy trên 160 ha, xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) 85 ha…Tổng diện tích ngoài đê bao hiện đang trồng lúa của cả khu vực theo tính toán của chúng tôi không dưới 500 ha. Và phá Hạc Hải với diện tích 800 ha mặt nước đang bị thu hẹp dần vì …lúa.

Và ai khi đi về vùng lúa này cũng sẽ phải đặt ra câu hỏi vì sao diện tích lúa lớn như vậy nằm ngoài đê bao để phải chịu “phận hẩm” như thế?

Một thực tế là khi thực hiện dự án Thượng Mỹ Trung, phần lớn là nâng cấp hệ thống đê bao sẵn có. Mà diện tích khai phá hầu hết đều nằm ngoài đê bao cũ. Có lẽ đây là một thực tế phải chấp nhận, không phải bàn cãi. Nhưng vấn đề chúng tôi muốn nói đến là ở một hướng khác.

Cá và lúa, chọn lối nào?

Trở lại Dự án Thượng Mỹ Trung, trong nội dung của dự án này, về nhiệm vụ có ghi: “…Góp phần cải tạo môi trường và hệ sinh thái cho khoảng 800ha phá Hạc Hải…”

Cụm từ “góp phần cải tạo môi trường sinh thái”, tại thời điểm ấy có thể ngầm hiểu là sau khi hoàn thành dự án có thể mở cống Mỹ Trung để nước mặn tràn lên phá Hạc Hải, hay nói cách khác cho phá này mặn hóa trở lại như những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước.

Việc mặn hóa trở lại phá Hạc Hải hình như là điều nhiều người mơ ước. Bởi cái ngày xưa… tôm cá nhiều không kể xiết khi phá này còn là vùng nước lợ vẫn còn hiển hiện trong tâm trí bao người.

Nhưng khi phá Hạc Hải mặn hóa trở lại thì hàng trăm ha lúa ngoài đê bao sẽ không thể tồn tại, đồng nghĩa với hàng trăm hộ gia đình vốn không khá giả gì vì chủ yếu sống nhờ hạt lúa, phải đối mặt với những khó khăn mới.

Mặt khác, cách đây nhiều năm, có lần nói chuyện với một cán bộ lãnh đạo xã Vạn Ninh, liên quan đến việc mở cửa cống Mỹ Trung, anh nói đại ý, việc mặn hóa Hạc Hải không dễ, có thể ảnh hưởng đến ruộng lúa trong đê bao bởi đặc điểm địa chất ở đây, sẽ có sự thẩm thấu của nước mặn vào ruộng…Bởi vậy, dẫu Dự án Thượng Mỹ Trung đã hoàn thành nhưng cống Mỹ Trung vẫn tiếp tục là “thành trì” chốt chặn ở đây để “cách ly” nguồn nước mặn vốn rất dồi dào ở hạ nguồn.

Lặn ngao ở phá Hạc Hải.
Lặn ngao ở phá Hạc Hải.

Tại đập Mỹ Trung, anh Nguyễn Cao Toản, cán bộ thủy nông trực ở đây cho biết, công trình vẫn thực hiện nhiệm vụ như hàng chục năm nay. Đó là mở cống để chống ngập úng phía thượng nguồn và đóng cống khi triều lên để chống ngập mặn cho vùng phá Hạc Hải.

Ngọt hóa phá Hạc Hải như mấy thập kỷ qua chúng ta đã làm là sự lựa chọn cây lúa mà bỏ qua thủy sản trên vùng phá. Có lẽ, đấy là cách làm “an toàn”. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề thủy sản hay cây lúa mỗi giai đoạn có một cách lựa chọn khác nhau.

Ví như ở đồng bằng sông Cửu Long lúc trước, thứ tự ưu tiên là lúa- cây trồng- thủy sản, nhưng nay thì ngược lại, là thủy sản- cây trồng rồi mới đến cây lúa. Trên thực tế, ngay tại địa bàn tỉnh ta cũng có không ít nơi cây lúa không được coi là ưu tiên số 1 bởi có nhiều thứ cây, con khác đưa lại giá trị kinh tế cao hơn. Mặt khác, thực tế những năm trước đây, thủy sản trên vùng phá Hạc Hải được coi là rất phong phú…

Vì vậy, nên chăng trong những diện tích lấn phá ngoài đê bao để trồng lúa hiện nay cần chọn lọc những diện tích để đầu tư thêm, tăng độ an toàn trong sản xuất vừa tạo nên những vùng “đệm” và mặn hóa phá Hạc Hải để chuyển những diện tích còn lại sang nuôi trồng thủy sản….

Rõ ràng không dễ để có một quyết sách mới đụng chạm đến một vùng rộng lớn và không ít cư dân đang sinh sống tương đối ổn định. Nhưng nếu không “dũng cảm” thì rất khó có những đột phá trong phát triển trên vùng đất được coi là tiềm năng này. Và hơn nữa, sự lựa chọn thủy sản hay lúa là vấn đề khoa học, phải có cách làm khoa học mới có được một quyết định đúng đắn.

Văn Hoàng

Bài 3: Những hạt lúa trên đồng đất hai huyện



           

 

tin liên quan

Tiếng gọi của một vùng đất - Bài 1: Những dấu ấn chế ngự nước
Tiếng gọi của một vùng đất - Bài 1: Những dấu ấn chế ngự nước

(QBĐT) - Lệ Thủy, Quảng Ninh có những cánh đồng lúa bát ngát. Bao đời nay, lúa gạo từ đất này làm trù phú những làng quê mến thương…

Đến Thạch Hóa, uống cà phê ngắm voọc
Đến Thạch Hóa, uống cà phê ngắm voọc

(QBĐT) - Sau 5 năm được cộng đồng bảo vệ nghiêm ngặt, đàn voọc Hà Tĩnh (một loài linh trưởng quý hiếm có tên trong Sách đỏ) ở xã Thạch Hóa và Đồng Hóa (Tuyên Hóa) đang sinh sôi một cách kỳ diệu.

Tình người "làng tỷ phú"
Tình người "làng tỷ phú"

(QBĐT) - Làng biển Thanh Hải, xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) vốn được coi là làng giàu nhất tỉnh Quảng Bình. Hiện làng chỉ có 1 hộ nghèo. Mọi người thường nói vui là các hộ trong làng bây giờ chỉ còn mỗi việc… đua nhau xây nhà để tiêu cho hết tiền từ nước ngoài gửi về…