(QBĐT) - Tôi chỉ sợ, một mai trở về làng không còn được nhìn thấy khung cảnh yên bình mà có lần tôi “mượn” thơ Vũ Đình Liên trêu ông “Mỗi năm khi Tết đến /Lại thấy ông nông già/ Xếp bằng ngồi gói bánh/ Trước thềm nhà đầy hoa”. Mỗi lần như thế, ông cười rất vui.
1.
Có lần về quê, tôi gọi đùa ông là “người nông dân lãng mạn nhất quả đất”. Ông chỉ cười, không ra chiều hào hứng mà cũng chẳng cự lại. Vườn nhà ông đầy hoa. Mùa nào hoa đó. Ngày hạ, gió lào rát bỏng, cây trái nhà người héo queo cả, nhà ông vẫn rực hoa. Ông là cậu ruột của ba tôi, năm nay đã 91 tuổi. Tên ông cũng mộc mạc như cuộc đời nông dân “thâm căn cố đế” của ông: Nguyễn Văn Ba !
Ông lớn lên trong thời Pháp thuộc, chứng kiến cải cách ruộng đất năm 1954 và những cuộc biến cải khác trên mảnh ruộng làng. Năm 1986, ông là người đầu tiên ở làng dám “bung ra”. Ông lặng lẽ khai phá lùm lòi, đất hoang, tạo thành những mảnh ruộng nhỏ, mảnh trên đất khô thì trồng khoai, sắn, mảnh có nước thì trồng lúa, trồng rau nuôi lợn.
Ba tôi là cán bộ xã, về lựa lời nói với ông: “Người ta tiếng vô (vào), tiếng ra lên tận trên xã, cậu coi mà làm răng (sao) kẻo ảnh hưởng con cháu”. Ông lớn tiếng: “Anh là cán bộ xã, anh nói thử coi (xem), dân thì nghèo, đất thì bỏ hoang, không tự cứu mình thì để trời cứu à ? Tui mượn đất, khi mô (nào) làng cần, xã cần thì lấy lại chớ tui có vác được đất mà chạy đi mô mô ”.
Hai năm sau, có Nghị quyết 10 (gọi tắt là khoán 10), ông cười khà khà: “Con thấy chưa, cụ (cậu) có sai mô. Cứ phải thực tế thôi con à. Phải chi có cái nghị quyết ni (này) sớm thì người làng mình đỡ khổ nhiều rồi”
Có khoán 10, cả làng đi khai hoang, làng tôi nhà nhiều nhất có 8 sào ruộng khoán. Nhà ông được sở hữu hơn 1 mẫu ruộng. Ngoài 60 tuổi, ông vẫn gánh gánh lúa oằn vai, đi phăm phăm giữa đồng. Nhà 4 mặt con, chỉ bám vào nghề nông mà ông làm được cái nhà 3 gian, to nhất làng. Ba tôi gọi đùa ông là “địa chủ”. Ông cười lớn: “Nhà mình mấy đời là bần cố nông, đi làm thuê làm mướn cho địa chủ, giờ mình vừa là địa chủ vừa là đầy tớ, ha ha...”.
2.
Bây giờ, trong tôi, cánh đồng tuổi thơ vẫn tròn như một cái mâm cổ tích. Và khi tôi nhắm mắt lại, hình như có một phép nhiệm màu nào đó đang mở ra cả một trời kí ức rưng rưng. Ai đó nói “biết rưng rưng là khởi đầu cho muôn điều tử tế”. Tôi không biết điều tử tế nào đã đến sau những rưng rưng khi nghĩ về làng, về những mảnh ruộng đã nuôi lớn mình và biết bao người “từ làng mà ra”.
![]() |
Sông quê. Ảnh: T.H |
Chỉ biết rằng trên cái mâm cổ tích ấy, có mùi cỏ ngai ngái xanh, mùi cơm thơm vàng lúa chín, mùi con tép đồng long lanh ánh trăng xuyên qua cọng vó, mùi của những cánh hoa vàng vàng mỏng tang trên cành lá đầy gai mà mãi sau này khi về quê chồng, tôi mới biết tên hoa là giêng giếng...
Cảm xúc tôi no nê khi quay quắt đói giữa phố phường nhộn nhạo, ngồn ngột mùi vị và những thứ khó tiêu. Nhiều lần, không cưỡng được, tôi đã chạy về quê, lao ra cánh đồng, với đôi chân trần ríu ran cùng bầy chim, lũ gió, thỏa sức tận hưởng niềm hoan ca của đồng xanh. Đôi lần, thay vì đọc chuyện cổ tích, tôi đưa các con trở về cánh đồng cổ tích của tôi.
Tôi kể về nắng hạn, mưa dầm, về nỗi cơ cực, tủi hờn của con nhà nông. Tôi kể cả niềm hân hoan khi nhà nông được mùa, con nhà nông được mẹ mua cho tấm áo mới, đi khoe khắp làng. Tôi muốn truyền cái rưng rưng ấy, để biết đâu nó sẽ “khởi đầu cho những điều tử tế” trong tâm hồn trong trẻo của con tôi. Và các con tôi đã thích thú chạy nhảy trên đồng làng, đã lại viết kí ức tuổi thơ của mình với những cào cào, châu chấu, cỏ mật, cỏ voi, ráng chiều, trăng khuyết...
3.
Thế rồi, mới đây tôi trở về làng, nghe tin ông ốm, tôi sang thăm ông. Nhà ông cách nhà ba mẹ tôi một con đường làng chỉ rộng mấy bước chân. Lâu rồi không gặp, thấy ông gầy yếu đi nhiều. Ông cười buồn: “Ông có đau ốm chi mô mà thăm, chỉ là thấy khó ở chút thôi.Nghe chú bây đi họp trên huyện về nói, làng mình là trung tâm thị trấn, giờ thị trấn được nâng lên đô thị loại 4 nên làng phải giao đất ruộng để Nhà nước cấp đất làm nhà máy và làm công sở. Dân mình được đền bù, nhiều nhà đỡ khổ, ông cũng mừng cho mọi người. Nhưng răng ông cứ thấy nhớ thương, mất mát, con à”.
Thì ra là vậy. Gia đình ông mấy đời làm nông, mồ hôi trộn xuống bùn thành cơm thơm, áo mới và bây giờ là đàn cháu con đông đúc đã trưởng thành.
Từ nhà ông, tôi vội chạy ra đồng. Đồng làng tôi đang trở thành một công trường. Tiếng máy xúc, máy ủi ầm ĩ đập vào mọi giác quan. Bất giác, tôi nhớ tiếng máy cày vỡ đất trong một chiều ráng hồng ráng đỏ, lũ con nít chúng tôi chạy theo từng thớ đất được lật lên trên những đường cày. Đất thơm mùi nắng, đất được hong khô trong gió và được hoàng hôn tô vẽ thành những hạt ngọc xinh xinh trong nỗi nhớ trẻ thơ...
Nhưng, tôi kịp rời giấc mơ cổ tích để quay trở về thực tại. Phố thị đèn vàng buồn tẻ quê tôi sẽ thành phố xá đông đúc, nhà máy nhộn nhịp, hàng quán xênh xang. Người làng tôi sẽ trở thành thị dân, nhà nông sẽ trở thành nhà buôn, thành công nhân, không còn phải dầm chân trong bùn, cắm mặt xuống bùn nữa. Vâng! Cũng phải có cái nhìn lạc quan rằng các cuộc cách mạng trong quá khứ, bao giờ cũng có những lao động, ngành nghề mất đi, thay vào đó là những lao động, ngành nghề mới được sản sinh.
Ngày hôm nay, thế giới đang hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với dự báo đến năm 2050 nông nghiệp có thể nuôi sống dân số thế giới với khoảng 10 tỷ người. Trước thềm năm mới 2018, nông nghiệp Việt Nam lập được một kỷ lục, đạt hơn 3,5 tỷ USD xuất khẩu rau quả. Đặc biệt, trái cây Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường “khó tính”như Mỹ, Úc. Một tín hiệu vui cho nông nghiệp nước nhà !
Một con số khác của năm 2017 cũng khá ấn tượng, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng thêm 170 USD so năm 2016. Nhưng, những phân tích khoa học cũng cho thấy cơ cấu lao động trong nông nghiệp năng suất thấp chiếm đến 42% tổng lao động nên đã kéo năng suất lao động chung xuống thấp. Cách mạng 4.0 đòi hỏi phải có những cánh đồng mẫu lớn, những điều kiện cần và đủ cho công nghệ và kỹ thuật “rộng đường” sáng tạo và đưa lại năng suất mơ ước.
“Chính phủ hành động” sẽ phải có những định hướng căn cơ để tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ theo hướng cơ cấu lại nền kinh tế, hướng đến những lĩnh vực có hiệu quả, năng suất và chất lượng cao hơn...Có lẽ cơ hội lớn cũng đang đến với làng tôi- một cuộc “đổi đời” cho những mảnh ruộng làng trong nay mai?!
Tôi chỉ sợ, một mai trở về làng không còn được nhìn thấy khung cảnh yên bình mà có lần tôi “mượn” thơ Vũ Đình Liên trêu ông “Mỗi năm khi Tết đến /Lại thấy ông nông già/ Xếp bằng ngồi gói bánh/ Trước thềm nhà đầy hoa”. Mỗi lần như thế, ông cười rất vui. Tôi muốn được nhìn thấy nụ cười ấy mãi. Nhưng, quy luật của tự nhiên, của sự phát triển và của đời người có ai tránh được!
Nhắc đến Tết, tôi lại nhớ khôn nguôi ngọn khói lam chiều 30 ở nhà mẹ và mùi bánh chưng thơm ngào ngạt, mùi ấm lành tỏa ta từ thứ gạo nếp dẻo thơm của cây lúa mọc lên trong bùn đất quê tôi. Cây lúa ân tình đã nuôi lớn tôi và biết bao người con của làng!
Tùy bút của Trần Hồng Hiếu