(QBĐT) - Trong khi hàng chục nghìn ha rừng trồng của tỉnh ta bị cơn bão số 10 làm gãy đổ, thì vẫn còn đó những vườn rừng được trồng bằng giống cây bản địa đã “bền gan” vượt qua trận cuồng phong của bão dữ, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất cho người trồng rừng…
Điều này một lần nữa khẳng định, việc lựa chọn các giống cây rừng bản địa không chỉ giúp họ có nguồn thu nhập khá, mà còn góp phần bảo vệ tốt môi trường, đương đầu được với những cơn bão lớn và bảo tồn được nhiều giống cây rừng bản địa quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên...
Bảo tồn rừng gỗ quý
Sau cơn bão số 10, chứng kiến hàng chục nghìn ha rừng nguyên liệu ở các địa phương trong tỉnh bị cơn bão dữ quật đổ ngổn ngang, chúng tôi đã điện thoại hỏi thăm ông Đinh Xuân Diễn ở bản Hà, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa. Ông có một cánh rừng rộng chừng 4ha với những giống cây gỗ rừng bản địa, như: sưa, lim, huỵnh, vàng tim, trầm hương...
![]() |
Những cây gỗ huỵnh trong vườn rừng của ông Đinh Hữu Sinh ở xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa đứng vững sau bão số 10. |
Đầu dây bên kia, ông Diễn thông báo, cơn bão số 10 với sức gió khủng khiếp không gây nên những thiệt hại lớn cho cánh rừng của gia đình ông. “Cơn bão vừa dứt, tôi đã tất tưởi chạy ra thăm rừng. Đếm đi đếm lại cũng có gần 100 cây bị cơn bão làm đổ nghiêng, nhưng như rứa là mừng lắm rồi, thiệt hại tính ra cũng không đáng kể. Nói dại, cánh rừng ni mà bị đốn ngã chắc tôi không sống nổi. Đó là thành quả, là tâm huyết cả cuộc đời tôi đó...” - ông Diễn chia sẻ.
Ông Diễn kể, năm 1997, sau nhiều năm làm “lâm tặc”, ông quyết định bỏ nghề vì hàng ngày phải chứng kiến những cánh rừng tự nhiên bị khai thác đến cạn kiệt. Cùng thời điểm đó, Nhà nước có chính sách kêu gọi người dân nhận đất phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, ông Diễn quyết định nhận vùng đất hoang vu, đầy bom đạn còn sót lại từ thời chiến tranh sát cạnh hang Lèn Hà (nơi đóng quân của bộ đội Trường Sơn, nay là một điểm di tích lịch sử cấp quốc gia-PV) để trồng rừng và làm trang trại.
Có điều, khác với mọi người, ông Diễn không trồng các loại cây, như: keo, bạch đàn, mà chú trọng trồng các loại cây gỗ rừng bản địa, trong đó có nhiều loài gỗ quý, như: sưa, lim, vàng tim, huỵnh...
Tuy nhiên, lúc bấy giờ, những giống cây rừng bản địa này chưa có người ươm giống được, nguồn giống chủ yếu đều được lấy từ rừng. Thế là trong suốt nhiều năm sau đó, ông Diễn cơm đùm, gạo bới lầm lũi vào rừng để tìm cây giống đem về trồng...
Sau hàng chục năm vất vả, kiên trì trồng rừng với các giống cây bản địa, đến thời điểm này, khu rừng rộng hơn 4ha của ông Diễn có hơn 2.000 cây lim, 500 cây sưa, 500 cây vàng tim và 5.000 cây trầm dó cùng nhiều cây gỗ bản địa quý hiếm khác.
Riêng gỗ lim, hiện ông Diễn là người duy nhất ở tỉnh ta sở hữu một rừng lim lớn đến vậy. Những cây lim được ông Diễn lượm lặt từ rừng về trồng, chăm sóc hàng chục năm qua bây giờ đã cao hàng chục mét, đường kính 50cm. Nhiều cây trong số đó nếu khai thác đã cho hơn 5m3 gỗ/cây. Với giá gỗ lim hiện nay là khoảng 20 triệu đồng/m3, mỗi cây gỗ lim ông Diễn đã thu hơn 100 triệu đồng...
" Điều này một lần nữa khẳng định việc ông Sinh chọn trồng rừng bằng các giống cây rừng bản địa là một hướng đi đúng. Sau cơn bão này, chắc chắn, chúng tôi sẽ có điều chỉnh trong chính sách trồng rừng, khuyến khích bà con nên chọn những giống cây rừng bản địa để trồng rừng phát triển kinh tế, tránh được rủi ro, thiệt hại do bão gây ra...” - ông Tuyên nói. |
Khẳng định hướng đi đúng
Cũng giống như ông Đinh Xuân Diễn, ông Đinh Hữu Sinh (xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa) sau hàng chục năm khoanh nuôi, bảo vệ và trồng mới cũng đã có 3ha rừng với nhiều giống cây bản địa quý hiếm như: huỵnh, sưa, trầm dó...
Nhiều cây gỗ quý trong vườn của ông Sinh nếu bán cũng thu được hàng chục triệu đồng, nhưng ông chưa bao giờ nghĩ đến việc bán mà coi đó là của để dành cho con cháu mai sau.
Tuy không bán gỗ rừng, nhưng nhiều năm qua, gia đình ông Sinh cũng đã sống tốt từ việc thu sản phẩm phụ dưới tán cây rừng, như: dứa (thơm), các loại cây thảo dược...
Không chỉ ông Đinh Xuân Diễn, ông Đinh Hữu Sinh, những năm qua, trên địa bàn tỉnh ta cũng đã có nhiều hộ gia đình chọn hướng trồng rừng bằng giống cây bản địa. Đặc biệt, hiện nay nhiều giống cây rừng bản địa đã được gieo ươm thành công, như: huỵnh, sưa, trầm dó, vàng tim...
Nhiều hộ dân trước đây chủ yếu trồng rừng kinh tế bằng các giống keo, tràm nay đã chuyến hướng sang giống cây gỗ rừng, như: ông Nguyễn Xuân Thiết (xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa) đã chuyển đổi 15ha trong tổng số 30ha đất rừng được giao từ trồng tràm nguyên liệu sang trồng các cây gỗ bản địa, như: lim, huỵnh...
Bước đầu, gia đình ông có khoản thu lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhiều hộ dân khác, như: anh em nhà ông Ngô Văn Dũng, Ngô Tuấn Anh... (xã Cự Nẫm, Bố Trạch), hiện sở hữu những cánh rừng huỵnh, dẻ rộng hàng chục ha với giá trị kinh tế có thể lên đến hàng tỷ đồng...
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quảng Bình, cơn bão số 10 năm 2017 với sức gió giật trên cấp 12 đã làm hàng chục nghìn ha rừng nguyên liệu trồng bằng các giống keo, tràm đều bị gãy đổ ngổn ngang. Nhưng, những vườn rừng được trồng bằng giống cây bản địa đều đứng vững, thiệt hại không đáng kể.
Trao đổi với phóng viên, ông Mai Xuân Tuyên, Chủ tịch UBND xã Cao Quảng (Tuyên Hóa) cho biết, cơn bão số 10 đã làm hầu hết diện tích rừng trồng nguyên liệu bằng các giống keo, tràm của xã đều bị gãy đổ, nhưng khu vườn rừng trồng bằng giống cây gỗ rừng bản địa của ông Sinh chỉ bị gãy đổ một số cây.
“Điều này một lần nữa khẳng định việc ông Sinh chọn trồng rừng bằng các giống cây rừng bản địa là một hướng đi đúng. Sau cơn bão này, chắc chắn, chúng tôi sẽ có điều chỉnh trong chính sách trồng rừng, khuyến khích bà con nên chọn những giống cây rừng bản địa để trồng rừng phát triển kinh tế, tránh được rủi ro, thiệt hại do bão gây ra...” - ông Tuyên nói.
![]() |
Cánh rừng gồm các loại gỗ quý hiếm của lão nông Đinh Xuân Diễn ở xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa vẫn xanh ngát sau bão số 10. |
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tri Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuyên Hóa cho rằng, với đặc thù là một huyện miền núi nên Tuyên Hóa có diện tích đất rừng khá lớn. Tuy nhiên, từ trước đến nay, người dân chủ yếu trồng rừng tràm nguyên liệu. Rừng trồng bằng giống keo, tràm, không chỉ gặp nhiều rủi ro, thiệt hại khi gặp bão lớn, mà ngay cả khi khai thác hàng loạt từng vạt rừng, môi trường ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, tại các vùng rừng trồng cây bản địa, việc khai thác có chọn lọc đã góp phần quan trọng giữ gìn môi trường sống, cũng như nguồn nước, ngăn xói mòn vào mùa mưa. Đặc biệt, qua cơn bão lớn vừa rồi, những cánh rừng trồng bằng giống cây bản địa đều đứng vững, thiệt hại không đáng kể.
Mặt khác, thời gian khai thác rừng trồng cây bản địa thường dài gấp đôi rừng trồng nguyên liệu. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế lại gấp vài chục lần. Chính vì vậy, hiện nay, chính quyền huyện Tuyên Hóa đang khuyến khích bà con chuyển dần từ trồng rừng nguyên liệu sang trồng rừng bền vững bằng các giống cây rừng bản địa.
Bởi cách làm này không chỉ mang lại nguồn thu nhập khá, lâu dài cho bà con mà còn góp phần bảo vệ môi trường và bảo tồn nhiều giống cây rừng quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên do nạn khai thác rừng bừa bãi...
Phan Phương