(QBĐT) - Bí thư Đảng ủy thị trấn Lệ Ninh (huyện Lệ Thủy) Trịnh Thanh Lâm, bộc bạch rằng: Gần nửa thế kỷ xây dựng, từ một vùng đất hoang sơ, bộn bề khó khăn, thị trấn Nông trường Lệ Ninh hôm nay đã là một vùng đất trù phú.
Những điển hình làm kinh tế
Những ngày cuối tháng 11-2015, chúng tôi có dịp trở lại thị trấn Lệ Ninh, nơi ghi dấu những người con miền Nam đã vượt qua bao mưa bom lửa đạn, khai hoang phục hóa, san núi lập làng để hình thành nên vùng quê trù phú bên đường Hồ Chí Minh nhánh đông hôm nay. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, trên mảnh đất này có bao nhiêu đổi thay đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế.
![]() |
Một góc trung tâm thị trấn Nông trường Lệ Ninh. |
Được sự giới thiệu của Đảng ủy thị trấn Nông trường Lệ Ninh, chúng tôi đã đi thăm một số mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả tại địa phương. Ngôi nhà nằm sâu trong con đường bê tông của tổ dân phố Liên Cơ là gia đình của chị Nguyễn Thị Thắm, người phụ nữ được giới thiệu là năng động, chịu khó, dám nghĩ, dám làm trong cung cách làm ăn của mình những năm qua.
Tiếp chúng tôi là người phụ nữ còn khá trẻ, nhưng đã có một cơ ngơi khá vững chắc. Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Thắm cho biết: “Chị sinh năm 1975, buổi đầu làm kinh tế vất vả lắm các chú ạ, vùng đất Liên Cơ này trước đây chủ yếu là đồi núi, gia đình chị đã đổ bao nhiêu mồ hôi và công sức để đầu tư vào trang trại vườn, ao, chuồng này để có được quả ngọt như ngày hôm nay...”.
Chị Thắm cho biết thêm, ban đầu gia đình chị chỉ quanh quẩn nuôi trồng nhỏ lẻ vài con lợn, con gà. Nhưng nhận thấy mình cứ làm nhỏ lẻ như thế này mãi thì chẳng khá lên được. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, chị quyết định đầu tư làm ăn lớn. Năm 2010, chị vay mượn tiền bạc đầu tư lập trang trại vườn, ao, chuồng. Từ buổi ban đầu còn lắm khó khăn, đến nay, gia đình chị đã có hơn 60 lợn thịt, 10 lợn nái và hơn 1.000 con gà.
Không những chú trọng đến chăn nuôi, chị Thắm còn mạnh dạn thuê nhân công đào 3 hồ để thả cá gáy, trắm, rô phi nhằm tạo thu nhập. Chị Thắm chia sẻ thêm: Hiện tại, hơn 300 gốc cây cao su của gia đình đã vào thời kỳ thu hoạch nên mỗi năm gia đình chị có nguồn thu nhập khoảng vài chục triệu đồng từ mô hình vườn, ao, chuồng...
Rời gia đình chị Thắm, chúng tôi đến gia đình anh Lê Văn Lệ, cũng ở tổ dân phố Liên Cơ. Anh Lệ cho chúng tôi biết, anh đã có thâm niên trồng tiêu từ năm 2002, ban đầu khi tiến hành san đồi để trồng tiêu, anh đã phát hiện vùng đồi của mình chủ yếu là đá vỉa nên rất khó cho cây tiêu sinh trưởng. Không nản chí, anh đã phải bỏ tiền thuê xe mua đất đỏ tại xã Ngân Thủy cách đó khoảng 15 km về đổ vào vườn để trồng tiêu. Đất không phụ công người, thời gian đầu có vụ gia đình anh thu được hơn 3 tạ tiêu.
Nhưng năm 2013, do ảnh hưởng của bão, cây tiêu của gia đình anh hư hỏng khá nhiều. Đến nay, vườn tiêu của anh có khoảng 500 gốc, trong đó có hơn 200 gốc tiêu mới được anh gây dựng lại sau bão.
Anh Lệ cũng chia sẻ rằng: để có thu nhập từ cây tiêu gia đình anh phải đổ bao mồ hôi, công sức và tiền của.
Riêng việc đầu tư hệ thống nước để tưới cho các gốc tiêu đã ngốn của gia đình anh mỗi năm vài chục triệu đồng. Ngoài ra, để mở rộng kiến thức anh phải đi học hỏi, rất nhiều địa phương trong tỉnh, trong nước về kỹ thuật trồng cây tiêu.
Theo tính toán của anh Lệ, hiện tại giá tiêu đang cao, tuy nhiên, do thiên tai nên sản lượng tiêu của gia đình anh ngày càng giảm sút thu nhập cũng chẳng đáng kể...
Thị trấn từng bước đổi thay
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Nông trường Lệ Ninh, Trịnh Thanh Lâm cho biết: Những năm qua, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng bộ, thị trấn Nông trường Lệ Ninh đã có những đổi thay đáng tự hào.
![]() |
Từ kinh tế vườn đồi nhiều hộ gia đình tại địa phương đã có thu nhập ổn định. |
Hiện nay, thị trấn Nông trường Lệ Ninh có hơn 1.500 hộ với khoảng 5.500 nhân khẩu. Ngoài một số diện tích trồng lúa, Đảng ủy, UBND thị trấn đã tập trung lãnh đạo nhân dân đầu tư phát triển kinh tế vườn hộ, vườn rừng, kinh tế trang trại, giúp cho địa phương đạt được kết quả cao trong phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, thực hiện chương trình phát triển kinh tế vùng gò đồi của huyện Lệ Thủy, thị trấn đã tập trung chỉ đạo nhân dân đầu tư nuôi bò lai sind, lợn siêu nạc và các loại gia cầm, trồng rừng, trồng cao su...
Ngoài ra, phát huy nguồn nước hồ Cẩm Ly, địa phương đã tích cực chỉ đạo nhân dân nuôi trồng thủy sản, nuôi ba ba cho thu nhập hàng chục triệu đồng/hộ/năm. Nhờ vậy, trong những năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương đạt 13,2%; tỷ lệ hộ nghèo chỉ có 0,85%; thu nhập bình quân đầu người đạt 28,6 triệu đồng/ người/năm; gia đình văn hóa đạt tỷ lệ trên 86%....
Ông Lâm cũng cho biết thêm: bên cạnh những kết quả đạt được, địa phương vẫn gặp không ít khó khăn đó là, năng suất các loại cây trồng, vật nuôi chưa cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn chậm, phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn chưa ngang tầm với tiềm năng, cơ sở hạ tầng chưa có điều kiện đầu tư đồng bộ, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn...
Phát huy những kết quả đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân thị trấn Nông trường Lệ Ninh đang tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực nhằm xây dựng thị trấn trở thành trung tâm kinh tế-xã hội phía tây huyện Lệ Thủy như phương hướng mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ thị trấn lần thứ VI nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra...
Thị trấn Nông trường Lệ Ninh được thành lập ngày 6-8-1966 theo quyết định của Bộ Nội vụ để giải quyết những công việc hành chính nhà nước trong nông trường quốc doanh. Theo đó, chức năng nhiệm vụ của một thị trấn dần được xác lập theo yêu cầu quản lý nhà nước hiện nay. Lịch sử thị trấn Nông trường Lệ Ninh gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Nông trường Lệ Ninh từ 36 tập đoàn sản xuất, chủ yếu là các cán bộ, bộ đội, thương binh, con em miền Nam tập kết đến khai phá miền tây của huyện Lệ Thủy... |
Minh Văn-Ngọc Hải