Trợ giúp pháp lý: Nhân tố tích cực trong giảm nghèo bền vững

  • 07:06, 24/06/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hoạt động tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý (TGPL) nói chung và TGPL trong chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh nói riêng được Sở Tư pháp quan tâm thường xuyên và kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện. Qua đó, giúp nhân dân nâng cao nhận thức, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từng bước vươn lên giảm nghèo bền vững.
 
Tăng cường trợ giúp pháp lý
 
Hoạt động TGPL có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), các đối tượng yếu thế trong xã hội. Chính vì vậy, TGPL được xác định là một trong những nội dung thành phần của chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, được quy định cụ thể tại nội dung Tiểu dự án 2 (Truyền thông về giảm nghèo đa chiều) thuộc Dự án 6 (Truyền thông và giảm nghèo về thông tin) và nội dung của Tiểu dự án 1 (Nâng cao năng lực thực hiện chương trình) thuộc Dự án 7 (Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá chương trình).
 
Qua trao đổi, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trương Quang Sáng cho biết, sở đã chỉ đạo Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh bám sát kế hoạch công tác để triển khai các hoạt động TGPL có liên quan, như: Tổ chức các hội nghị truyền thông pháp luật về TGPL cho người dân trên địa bàn; thực hiện chuyên mục “Giải đáp pháp luật” trên Bản tin Tư pháp và Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp; cung cấp mẫu đơn đề nghị TGPL, bảng thông tin, biên bản giải thích cho các cơ quan tiến hành tố tụng và cung cấp danh sách, số điện thoại của trợ giúp viên pháp lý để người dân và các cơ quan, tổ chức liên hệ trong trường hợp cần thiết.
Cán bộ trợ giúp pháp lý trao đổi với người dân tại hội nghị tuyên truyền pháp luật.
Cán bộ trợ giúp pháp lý trao đổi với người dân tại hội nghị tuyên truyền pháp luật.
Là một trong những người dân được tham gia hội nghị truyền thông pháp luật về TGPL, chị Mai Thị Hường ở xã Quảng Sơn (TX. Ba Đồn) chia sẻ: “Tôi cảm thấy những thông tin được cán bộ truyền đạt rất bổ ích. Qua lớp tập huấn, tôi biết thêm được nhiều chính sách Nhà nước hỗ trợ cho người dân. Tôi sẽ truyền đạt lại những hiểu biết cho chị em phụ nữ trong thôn để mọi người cùng giáo dục con em sống và làm việc không vi phạm pháp luật”.
 
Không chỉ Sở Tư pháp, thời gian qua, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh, các địa phương vùng DTTS và miền núi cũng đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật cho ĐBDTTS. Qua đó, giúp người dân từng bước nâng cao hiểu biết, kiến thức về pháp luật; tiếp cận kịp thời các dịch vụ tư vấn, TGPL, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp. 

Nhờ đó, các hoạt động TGPL của chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã được triển khai sâu rộng, thiết thực. Từ năm 2024 đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã thụ lý trên 217 vụ việc TGPL cho các đối tượng, như: Người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em, người khuyết tật có khó khăn tài chính... và đã thực hiện hoàn thành 190 vụ việc TGPL.
 
Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cũng đã tổ chức các hội nghị truyền thông pháp luật về TGPL cho người khuyết tật tại địa bàn các đơn vị, địa phương, như: Xã Minh Hóa (Minh Hóa), xã Quảng Hợp (Quảng Trạch), Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật TP. Đồng Hới, Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật huyện Lệ Thủy... với gần 400 người tham gia; biên soạn, in ấn 2.000 tờ rơi về pháp luật TGPL để cấp phát; hoàn thành TGPL 17 vụ việc cho 17 người khuyết tật có khó khăn về tài chính và 21 vụ việc cho 21 người DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh.
 
Đổi mới phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý
 
Theo ông Trương Quang Sáng, hoạt động truyền thông về TGPL ở cơ sở, nhất là TGPL theo chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được chú trọng triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn thụ hưởng. Từ năm 2020 đến nay, đã tổ chức 301 hội nghị truyền thông pháp luật về TGPL; lồng ghép thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 14.241 lượt người tham gia; lắp đặt 607 bảng thông tin và 45 hộp tin về TGPL tại trụ sở nhà văn hóa các thôn, bản trên địa bàn tỉnh; biên soạn, in ấn 108.500 tờ rơi về pháp luật TGPL để cấp phát tại các hội nghị truyền thông...
 
Ông Trương Quang Sáng: “Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật, TGPL, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục đổi mới, đa dạng phương thức truyền thông về phổ biến pháp luật, TGPL; tạo điều kiện tối đa cho người nghèo, ĐBDTTS tiếp cận và sử dụng dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước. Từ đó, giúp nâng cao khả năng phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ và người dân vùng DTTS và miền núi”.

Có thể nói, hoạt động TGPL trong chương trình giảm nghèo được triển khai thực hiện bằng các hình thức khác nhau đã đáp ứng yêu cầu TGPL phong phú, đa dạng của nhân dân; tạo điều kiện cho người nghèo, người DTTS và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp cận với dịch vụ pháp lý, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Đặc biệt, thông qua việc thực hiện các vụ việc cụ thể đã giúp ĐBDTTS bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật, trên cơ sở đó để họ ứng xử phù hợp với pháp luật, tôn trọng và chấp hành pháp luật. Từ đó, góp phần bảo đảm công lý, thực hiện công bằng xã hội, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật; đồng thời, giúp người dân tham gia phát triển kinh tế, vươn lên giảm nghèo bền vững.

Thực tế cho thấy, việc tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ TGPL của Nhà nước đối với ĐBDTTS tại xã nghèo, thôn, bản có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Vì vậy, công tác truyền thông về TGPL đòi hỏi cần đa dạng về hình thức cũng như nội dung để người dân tiếp cận dễ dàng và nắm bắt được những quy định của pháp luật, nâng cao khả năng hiểu biết, giúp họ bảo đảm được quyền lợi chính đáng mà các chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước đã hỗ trợ cho ĐBDTTS và miền núi.

Phó Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Lê Thanh Hà cho hay, nhằm giúp người dân tiếp cận hoạt động TGPL kịp thời, thuận lợi, có chất lượng, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động TGPL bảo đảm đúng nội dung, đối tượng và hình thức tổ chức phù hợp; đồng thời, thực hiện phối hợp với các hoạt động TGPL trong chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 và chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, bảo đảm không chồng chéo về đối tượng và nội dung hỗ trợ trên cùng địa bàn.
Thùy Lâm

 

tin liên quan

Bảo đảm hiệu quả công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe
Bảo đảm hiệu quả công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe

(QBĐT) - Thời gian qua, Công an tỉnh đã tổ chức thi sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho hàng nghìn thí sinh trên địa bàn tỉnh. Với sự chuẩn bị chu đáo và tinh thần trách nhiệm cao, các kỳ thi đã diễn ra đúng quy định, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Dân khổ vì trang trại chăn nuôi lợn phát tán mùi hôi
Dân khổ vì trang trại chăn nuôi lợn phát tán mùi hôi
(QBĐT) - Hàng chục hộ dân ở thôn Lê Xá, xã Mai Thủy (Lệ Thủy) đang "kêu trời" vì phải sống trong môi trường nồng nặc mùi hôi thối phát ra từ một trang trại chăn nuôi lợn thịt trên địa bàn xã. Tình trạng này đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương.
 
Vũ khí sắc bén phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Vũ khí sắc bén phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Trong cuộc chiến "chống giặc nội xâm", báo chí là lực lượng xung kích, vũ khí sắc bén tham gia tuyên truyền, phản ánh, lan toả thông tin, tạo nên sự đồng thuận, hình thành một mặt trận thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân.