Bài học chưa… cũ!

  • 05:05, 25/05/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chưa bao giờ, trong một phiên tòa hình sự lại xuất hiện nhiều gương mặt học sinh đến thế. Một học sinh lớp 11 bị tuyên phạt 17 năm tù về tội “Giết người”, 3 học sinh còn lại bị truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng”, với mức hình phạt từ 1 đến 3 năm tù.
 
Trước đây, thi thoảng và hiếm hoi lắm mới có trường hợp học sinh đến hầu tòa. Nguyên nhân chủ yếu là vì trong lúc bức xúc, không làm chủ bản thân và vì chút bốc đồng nông nổi của tuổi “ngựa non háu đá”. Chuyện đó còn có cơn cớ để an ủi, cảm thông và khuyên bảo. Thế nhưng, trong vụ án này, sự việc không chỉ là chuyện của những chú “ngựa non” nữa. Hậu quả của vụ rượt đuổi bằng xe máy và xâu ẩu giữa hai nhóm thanh niên trong đêm hôm đó khiến 2 người bị chém tử vong tại chỗ.
Chiều hôm đó, thấy một nhóm người lạ của Huân vào quán nhậu, nhóm người “thổ địa” của Tính bảo mua bia ngồi cùng bàn để uống, nhưng nhóm Huân không đồng ý mà sang ngồi ăn uống ở bàn khác. Cho rằng nhóm của Huân có thái độ khiêu khích, nên nhóm Tính bàn bạc, tìm cách đánh dằn mặt. Sợ nhóm người lạ có “thủ hàng”, Tính nhắn tin kêu gọi thêm người, tập hợp lực lượng để đánh. Chỉ hơn một giờ đồng hồ sau những tin nhắn điện thoại đó, nhóm “thổ địa” đã tập hợp được 6 người để gây chiến.
 
Chiều muộn, Hoan đang ở nhà thì nhận được tin nhắn của bạn mình bảo “có chuyện”. Theo ngôn ngữ của những đứa trẻ này, “có chuyện”, nghĩa là “anh em phải tập hợp, là sống chết có nhau”. Do không có xe máy, Hoan liền mượn xe bạn, rồi về nhà lấy “hàng” và rủ Bằng (một học sinh lớp 11) đang đánh bóng chuyền gần đó cùng đến giúp “đồng đội”.
 
Xin trích nội dung cuộc thẩm vấn của Hội đồng xét xử (HĐXX) đối với Hoan, bị cáo bị truy tố về tội “Giết người”. Vị chủ tọa phiên tòa hỏi: “Bị cáo có mâu thuẫn gì với nạn nhân không?”. Hoan trả lời: “Dạ, không. Bị cáo nhận được nội dung tin nhắn bạn bị cáo “có chuyện”.
 
- “Có chuyện” nghĩa là gì?, vị chủ tọa hỏi.
 
- Dạ, nghĩa là bạn của bị cáo bị đánh. Bị cáo chỉ nghe nói thế, chứ không rõ chuyện gì và rủ nhau đến giúp bạn.
 
- Có phải bị cáo là người trực tiếp cầm dao chém bị hại?. Không chút suy nghĩ, Hoan trả lời: “Dạ, đúng”.
 
- Vì sao bị cáo có con dao đó?
 
- Bị cáo mua qua mạng xã hội, rồi cất giấu ở nhà. Lúc bị cáo nhận được tin nhắn, biết sẽ có đánh nhau, nên bị cáo về nhà lấy dao mang theo.
 
Đó là những lời khai, điềm nhiên và lạnh lùng của một học sinh lớp 11. Lạnh lùng hơn, sau nhát chém của Hoan, thấy xe máy đối thủ bị ngã, nhóm đối tượng này quay về, bình tĩnh giấu dao vào bụi cây ven đường, xóa hết tin nhắn trong điện thoại và trở về nhà như không hề xảy ra sự việc.
 
Trái ngược với vẻ bình tĩnh của Hoan, người phụ nữ mới hơn 50 tuổi, nom khắc khổ, gầy yếu ngồi ở hàng ghế người đại diện hợp pháp cho bị cáo, lặng lẽ ngồi nhìn con từ xa. Chị kể, cha Hoan không may mất sớm. Một mình chị phải “đầu tắt mặt tối” kiếm cái ăn cái mặc cho 4 người con. Những năm gần đây, chị đổ bệnh, đau yếu thường xuyên, nên chỉ quanh quẩn ở nhà. Hoan là con trai út, sớm mồ côi cha, nên được chiều chuộng, yêu thương từ nhỏ. Trước ngày bị bắt, Hoan đã bị Công an huyện xử phạt hành chính hơn 3 triệu đồng về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Chị bảo, chị chưa kịp uốn nắn, bảo ban con, thì ngờ đâu nó lại theo bạn bè làm chuyện động trời này.
 
Trong phần nói lời sau cùng để HĐXX vào nghị án, cha của Bằng-một học sinh lớp 11 bị truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” trong vụ án này, đứng dậy khẩn khoản xin HĐXX trả lại chiếc xe máy cho gia đình. Ông cho hay, “con dại thì cái mang”. Ông làm công nhân ở xa, không có điều kiện giám sát, uốn nắn con. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình đã gom góp được 8 triệu đồng để bồi thường cho gia đình người bị hại. Ông chỉ mong HĐXX trả lại chiếc xe máy mà con đã sử dụng để vợ ông có phương tiện đi làm, kiếm tiền bồi thường cho bị hại. Bởi, chiếc xe là phương tiện đi lại duy nhất gia đình ông có được, sau nhiều năm gom góp làm ăn. Rồi đây, gia đình sẽ có trách nhiệm giáo dục, dạy dỗ con nghiêm khắc hơn.
 
Liệu những sự quan tâm của những bậc làm cha làm mẹ đó có muộn màng. Bởi, bấy lâu đã có quá nhiều đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới”, sa chân vào con đường lao lý, vì sự thờ ơ, thiếu quan tâm của người lớn. Và giờ đây, câu chuyện của những đứa trẻ này lại tiếp tục trở thành… bài học xót xa cho xã hội. Chỉ hy vọng rằng, những bài học ấy đủ “thức tỉnh” và là lời cảnh báo cho những người có trách nhiệm, nhất là những bậc phụ huynh.
 Lê Thy
(*) Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
 

tin liên quan

Xử lý nghiêm các trường hợp chở vật liệu xây dựng rơi vãi ra đường
Xử lý nghiêm các trường hợp chở vật liệu xây dựng rơi vãi ra đường

(QBĐT) - Tình trạng xe ô tô chở vật liệu xây dựng rơi vãi ra đường diễn ra nhiều, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Đó là phản ánh của bạn đọc ở huyện Tuyên Hóa.

Cảnh báo tình trạng xâm hại trẻ em trên không gian mạng
Cảnh báo tình trạng xâm hại trẻ em trên không gian mạng

Trong thời đại công nghệ số, trẻ em đang được tiếp cận sớm với internet và mạng xã hội. Tuy nhiên, việc này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hiểm họa cho sự phát triển toàn diện của trẻ em, nhất là vấn nạn xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Luật Công chứng năm 2024: Điểm mới cần lưu ý
Luật Công chứng năm 2024: Điểm mới cần lưu ý

(QBĐT) - Luật Công chứng năm 2024 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 26/11/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 thay thế cho Luật Công chứng năm 2014.