Cuộc chia tay trong ngày lễ tình nhân

  • 06:04, 20/04/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sáng sớm, chị Ngọc chạy xe một mình trên phố, ánh mắt mông lung nhìn hai bên đường. Phố xá nhộn nhịp đông vui và rực rỡ hoa tươi, quà tặng phủ kín những cửa hàng để chào đón ngày lễ tình nhân. Trong dòng người đông vui ấy, chị thấy mình như lạc lõng. Bởi với chị, hoa hay bất kỳ món quà yêu thương nào cũng chưa từng hiện diện trong cuộc hôn nhân kéo dài suốt 15 năm. Thay vào đó là bạo lực, nước mắt và nỗi lo triền miên làm bạn đồng hành. Tự nhủ với lòng đây sẽ là lần cuối cùng gắn với quá khứ, chị quả quyết bước qua cánh cổng tòa án.
 
Cũng như những lần triệu tập trước, anh Nguyên, chồng chị cố tình vắng mặt. Một mình trước phiên tòa, chị Ngọc trình bày hành trình dài của cuộc hôn nhân nhiều cay đắng. Họ quen nhau như bao đôi trai gái trong làng, đến tuổi dựng vợ gả chồng anh chị tự nguyện đến với nhau trong sự chúc phúc của cha mẹ, họ hàng, làng xóm. 10 năm chung sống, họ có hai đứa con đủ nếp đủ tẻ, những tưởng gia đình đã trọn vẹn. Nhưng hạnh phúc ấy nhanh chóng nhường chỗ cho sóng gió.
 
Sau những ngày hạnh phúc ngắn ngủi ban đầu, mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình nhỏ khi họ phải đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền, bởi cả hai vợ chồng đều không có công việc ổn định. Nếu chị Ngọc luôn xoay xở tìm việc làm và nhẫn nhịn để các con yên tâm học tập, thì ngược lại, anh Nguyên lại tìm đến rượu chè và bạo lực. Ban đầu là những câu mắng mỏ nặng nề, rồi tiếp theo đó là những trận đòn giáng xuống chị Ngọc, người vợ từng đầu gối tay ấp. Đỉnh điểm trong một lần nổi giận vô cớ, anh Nguyên đánh vợ gãy tay và gây thương tích nặng ở mặt khiến chị Ngọc phải vào bệnh viện cấp cứu.
 
Những ngày nằm viện, lòng chị Ngọc ngổn ngang trăm mối. Quyết tâm phải xa rời người chồng tệ bạc, vũ phu, nhưng khi người thân khuyên can cố gắng giữ gia đình trọn vẹn cho con thì chị lại dao động. Thế rồi khi ra viện, thay vì đến thẳng căn phòng trọ như dự định ban đầu, chị lại trở về ngôi nhà cũ, tiếp tục chuỗi ngày u tối khi anh Nguyên vẫn không hề hối cải.
Ảnh minh hoạ: Minh Quý.
Ảnh minh họa: Minh Quý.
Như người ta thường nói, một bàn tay làm sao có thể vỗ thành tiếng, hạnh phúc cũng không thể xây nên khi chỉ có một người nỗ lực, huống hồ chồng chị chưa một lần cố gắng sửa chữa lỗi lầm. Mọi sự chịu đựng đều có giới hạn, sau gần 15 năm gồng mình chịu đựng, ngày nọ chị dắt các con rời xa ngôi nhà cũ, rời bỏ cuộc hôn nhân đầy những lời ru buồn và thuê căn phòng nhỏ để sống. Suốt thời gian ba mẹ con chị vật lộn với cuộc sống mới, chồng chị cũng chẳng đoái hoài hay hỏi thăm các con. Hiểu rằng cuộc hôn nhân của mình không thể hàn gắn, chị quyết định ly hôn.   
 
Nguyện vọng của chị khi ly hôn là được nuôi các con và hiểu rõ khả năng kinh tế cũng như trách nhiệm của chồng nên chị Ngọc không đòi hỏi chồng phải cấp dưỡng cho các con. Để làm được điều này, suốt cả quá trình dài chị đã cố gắng tìm kiếm công việc để có nguồn thu nhập ổn định. Các con chị cũng bày tỏ mong muốn được sống cùng mẹ nếu ba mẹ ly hôn. Về phần tài sản cơ bản cũng không có gì đáng giá nên hai vợ chồng tự thỏa thuận.
 
Cứ nghĩ cuộc ly hôn sẽ diễn ra đơn giản nhưng không, anh Nguyên vẫn chứng nào tật ấy, chây ỳ, từ chối nhận giấy triệu tập của tòa án và cố tình không hợp tác. Để giải quyết, tòa án phải niêm yết thông báo, đồng thời gửi văn bản đến cơ quan Công an để tra cứu thông tin xuất nhập cảnh của anh Nguyên nhưng không có thông tin xuất nhập cảnh. Tiếp đó, Công an phường vào cuộc xác minh anh Nguyên có địa chỉ tại địa phương và hiện vẫn đang sinh sống tại nhà riêng. Theo quy định, Công an có mặt tại nhà anh giao các văn bản tố tụng của tòa án nhưng anh kiên quyết từ chối. Do anh Nguyên không tham gia phiên hòa giải theo giấy triệu tập nên vụ việc thuộc trường hợp không thể hòa giải.
 
Mặc dù anh Nguyên không hợp tác, nhưng sau khi hoàn tất các thủ tục, dựa trên hồ sơ và các chứng cứ, tòa án đã tuyên xử cho chị Ngọc được ly hôn. Các con đều ở với chị như nguyện vọng và anh Nguyên không cần phải cấp dưỡng nhưng vẫn được quyền thăm nom các con.
 
Rời khỏi tòa án, dù vẫn mang theo nỗi buồn nhưng lòng chị Ngọc đã nhẹ nhõm đi rất nhiều. Bởi chị hiểu cuộc hôn nhân của chị đã từ lâu thiếu vắng sự yêu thương, tôn trọng, không có tiếng nói chung, không cùng chia sẻ vui buồn và gánh nặng. Nếu cứ tiếp tục, không chỉ bản thân chị bị tổn thương cả về tinh thần và thể xác mà các con cũng phải chịu nhiều thiệt thòi. Nên ly hôn chính là lựa chọn tốt nhất.
 
Ngoài phố, ngày lễ tình nhân vẫn rực rỡ sắc hoa và dập dìu nam thanh nữ tú. Rồi những đôi trẻ sẽ bước vào hôn nhân, có thể hạnh phúc, có thể lầm lạc. Chị Ngọc không trách ai, chỉ mong mỗi người đủ tỉnh táo để nhận ra tình yêu thật sự không chỉ hiện diện ở bó hoa ngày lễ, mà quan trọng hơn là ở cách đối đãi với nhau mỗi ngày. Chị đã chọn ly hôn trong ngày của tình yêu để bắt đầu lại với chính mình, và để các con chị lớn lên trong một thế giới không còn nỗi sợ. Với chị, sự bình yên của các con chính là hạnh phúc!
Diệu Cầm
(*) Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

tin liên quan

Cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp lễ 30/4, 1/5
Cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp lễ 30/4, 1/5

Ngày 18/4, Cục Cảnh sát giao thông cho biết đã ban hành Kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp lễ 30/4, 1/5 và nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024" trên địa bàn tỉnh
Tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024" trên địa bàn tỉnh

(QBĐT) - Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 47/KH-HĐPH tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu Luật Trật tự, an toàn giao thông năm 2024" trên địa bàn tỉnh.

Áp dụng AI vào quản lý pháp luật là hướng đi tất yếu của thời đại số
Áp dụng AI vào quản lý pháp luật là hướng đi tất yếu của thời đại số

Trong kỷ nguyên chuyển đổi số mạnh mẽ, việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực pháp luật không còn là viễn cảnh xa vời mà đã trở thành một xu hướng tất yếu. Tại Việt Nam, ngành Tòa án đang tiên phong trong công cuộc này với dự án "Trợ lý ảo Tòa án nhân dân", một bước tiến quan trọng nhằm xây dựng hệ thống Tòa án điện tử.