Những đứa trẻ hư

  • 06:03, 09/03/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thật khó có thể tin rằng, những lời “cật ruột” tại phiên tòa hôm ấy lại là lời của kiểm sát viên, người đại diện cơ quan pháp luật dùng để buộc tội bị cáo.
 
Trong phần tranh luận về tội danh và mức hình phạt dành cho các bị cáo, vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng: “Khi đưa ra quyết định định tội danh 2 bị cáo, chúng tôi rất trăn trở, vì thời điểm cả 2 bị cáo thực hiện hành vi phạm tội đều chưa thành niên và đang là học sinh. Làm sao để định ra được khung hình phạt vừa bảo đảm sự răn đe của pháp luật, vừa để giáo dục và tạo cơ hội cho các bị cáo cải tạo, sửa chữa lỗi lầm, trở về với gia đình, cộng đồng, vì tương lai phía trước của các bị cáo còn rất dài?”.
 
Đứng trước hội đồng xét xử (HĐXX) là hai khuôn mặt còn non nớt, dáng mảnh khảnh thư sinh. Từ đầu đến cuối phiên tòa, cả hai đều tỏ ra ngoan ngoãn trả lời từng câu hỏi của HĐXX như những cậu học sinh trả bài thầy giáo. Trong 2 bị cáo, mọi sự chú ý của những người tham dự phiên tòa hôm ấy đều đổ dồn về phía Thanh.
 
Ít ai nghĩ rằng, một học sinh lớp 11 lại có hành động hung hăng và côn đồ đến vậy. Trong cuộc nhậu sáng hôm đó, biết Công gọi điện thoại cho bạn gái mình bảo đến đón về, Thanh “nổi máu ghen” lấy điện thoại của người yêu nhắn tin cho “tình địch” hẹn địa điểm đến đón. Để chuẩn bị cho “cuộc hẹn”, Thanh còn rủ thêm Định để cùng đánh và còn tự mình đi bộ về nhà lấy 1 con dao để thủ sẵn.
 
Chuyện gì đến rồi cũng đến, khi thấy Công, Thanh chẳng nói chẳng rằng, liền cầm dao xông đến chém liên tiếp nhiều nhát vào người nạn nhân. Không chỉ một lần mà có đến 2 lần Thanh cầm dao xông vào chém nạn nhân. May sao những nhát chém đó chỉ khiến nạn nhân bị thương tích 25%, chứ không mất mạng.
Minh họa: Minh Quý
Khi vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh hỏi: “Lúc cầm dao xông vào chém nạn nhân, bị cáo nghĩ gì?”. Thanh lí nhí trả lời: “Vừa thấy Công, là bị cáo xông vào chém thôi, chứ không nghĩ gì cả. Bị cáo chém vì bức xúc và muốn dằn mặt nạn nhân thôi. Chứ không có ý định tước đoạt mạng sống của Công”.
 
Nghe những lời khai lạnh lùng của đứa con trai, kể về 4 nhát dao trút xuống người nạn nhân, cha mẹ Thanh ngồi ở dưới hàng ghế người dự phiên tòa thoáng rùng mình, bởi họ không ngờ rằng con trai của mình lại lạnh lùng, côn đồ đến thế. Mẹ Thanh cho biết, gia đình có 4 người con, Thanh là con trai út. Anh chị đều là nông dân. Mấy năm trở lại đây, cha Thanh bị ốm đau, không lao động được nên gia đình lại càng khó khăn. Lúc đó, chị chỉ nghĩ, con cái khôn lớn, thấy cha mẹ vất vả thì sẽ biết sống như thế nào cho phải đạo để không phiền lòng cha mẹ. Dù học hành không bằng bạn bằng bè, thì cũng giữ lấy thân.
 
Chị bảo, vợ chồng chị cũng đã nhiều lần khuyên răn, dạy dỗ con điều hay lẽ phải rồi nhưng sẩy nhà ra đường. Chị không dám trách ai khác, chỉ là tại con mình nông cạn nên cơ sự mới nên nỗi như ngày hôm nay. Năm nay, nếu Thanh không bị khởi tố, bắt tạm giam, chắc nó cũng đã được đi nghĩa vụ quân sự như 2 người anh của nó. Nếu hôm đó, chị ở nhà, thấy nó về nhà lấy dao, chị đã ngăn cản kịp thì sẽ không xảy ra cơ sự như ngày hôm nay.
 
Cùng tham gia đánh nạn nhân hôm đó còn có Định. Định là người đã cầm thắt lưng xông vào đánh liên tiếp vào người nạn nhân sau khi bị chém. So với Thanh, Định là đứa trẻ có “lý lịch” khá bất hảo. Trước khi bị truy tố trong vụ án này, Định đã bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính “cảnh cáo” về hành vi “Xâm hại đến sức khỏe của người khác”. Năm 2024, Định bị tòa án xử phạt 18 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
 
Cũng trong năm này, Định tiếp tục bị Tòa án nhân dân tỉnh xử phạt 15 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Giữa lúc phiên tòa nghị án, 2 người phụ nữ rón rén bước đến bên ôm Định và khóc. Còn Định thì gương mặt ráo hoảnh, cứ như thể việc ra tòa, với Định vốn đã quá quen thuộc. Đó là người mẹ và dì của Định. Từ nhỏ, Định sinh ra và lớn lên không có cha, phải sống với mẹ và ông bà ngoại. Gia đình ông bà rất khó khăn, mẹ Định phải đi làm thuê. Khó khăn đến mức, gia đình bị hại đã không đòi tiền bồi thường thiệt hại.
 
Vị luật sư trợ giúp pháp lý cho Định cho hay: “Sự đáng thương hay đáng trách của một đứa trẻ hư hỏng, người lớn nên xem xét lại cách giáo dục, giám sát của mình. Sự tự do, thiếu sự quản lý, giáo dục và sự khuyết thiếu của gia đình có thể là con đường dẫn đến sự hư hỏng của một đứa trẻ”.
 
Kết thúc phiên tòa, Thanh bị xử phạt 5 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Còn Định bị xử phạt 3 năm tù cũng về tội “Cố ý gây thương tích”. Tổng hợp 2 hình phạt trước đó, Định buộc phải thi hành hình phạt 19 năm tù.
Lê Thy
 
(*) Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

tin liên quan

Trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên phạm tội
Trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên phạm tội

(QBĐT) - Trong những năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh đã cử người thực hiện TGPL (trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL theo hợp đồng) tham gia bào chữa miễn phí cho rất nhiều đối tượng thuộc diện được TGPL là người chưa thành niên.

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo giả mạo giáo viên thông báo hoàn trả tiền học phí
Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo giả mạo giáo viên thông báo hoàn trả tiền học phí

Các đối tượng lừa đảo sẽ hướng dẫn phụ huynh làm theo các bước và sau đó hack (truy cập bất hợp pháp) tài khoản ngân hàng của phụ huynh nhằm chiếm đoạt tiền.

Tổ chức phiên tòa thân thiện với người phạm tội vị thành niên
Tổ chức phiên tòa thân thiện với người phạm tội vị thành niên

Luật Tư pháp người chưa thành niên được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 30/11/2024 có nhiều quy định thể hiện tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc với người phạm tội là người vị thành niên.