Cổ phần hóa Ban Quản lý chợ TP. Đồng Hới: Vướng mắc trong thực hiện

  • 06:03, 13/03/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mặc dù đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý và khai thác các chợ trong thời gian qua, nhưng Ban Quản lý (BQL) chợ TP. Đồng Hới hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần (CTCP)...
 
Chậm tiến độ chuyển đổi mô hình
 
BQL chợ TP. Đồng Hới là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc UBND TP. Đồng Hới, được giao quản lý 4 chợ trên địa bàn thành phố, trong đó có 2 chợ hạng 1, gồm: Đồng Hới và Nam Lý và 2 chợ hạng 2 là Cộn và Công Đoàn với khoảng 3.000 hộ kinh doanh.
 
Nguồn thu của BQL chủ yếu từ giá dịch vụ địa điểm, dịch vụ vệ sinh tại các chợ được giao quản lý. Trong hai năm gần đây, đơn vị có doanh thu đạt khoảng 9 tỷ đồng. Trước tháng 8/2024, BQL chợ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 60/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Từ ngày 1/8/2024, đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Nghị định số 60/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Chợ Đồng Hới nằm ở vị trí trung tâm, giữ vai trò chủ đạo trong phân phối hàng hóa thiết yếu của TP. Đồng Hới.
Chợ Đồng Hới nằm ở vị trí trung tâm, giữ vai trò chủ đạo trong phân phối hàng hóa thiết yếu của TP. Đồng Hới.
BQL chợ TP. Đồng Hới là một trong những đơn vị có tên trong danh sách thực hiện chuyển đổi sang mô hình CTCP do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2018-2020, được điều chỉnh thời gian thực hiện qua giai đoạn 2021-2022. Lộ trình chuyển đổi thành CTCP đã thực hiện nhiều năm qua, tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ.
 
Nhiều rào cản đan xen
 
Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chuyển đổi sang mô hình CTCP, Trưởng BQL chợ TP. Đồng Hới Võ Quốc Thịnh cho hay: Trước hết, đó là vai trò của chợ truyền thống hiện nay đang suy giảm mạnh do sự cạnh tranh của thương mại điện tử, hệ thống siêu thị và các phương thức mua bán online hiện đại. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, nhiều hộ kinh doanh buộc phải đóng quầy do kinh doanh ế ẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tự chủ tài chính của đơn vị. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tại 4 chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống điện, thoát nước, phòng cháy chữa cháy (PCCC) chưa đáp ứng tiêu chuẩn, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của đơn vị lại hạn chế, không đủ để nâng cấp các hạng mục quan trọng.
 
“Theo quy định tại Nghị định 136 về PCCC, các chợ cần được đầu tư đồng bộ nhưng vẫn chưa có nguồn kinh phí phù hợp”, ông Thịnh nói.
Chợ Nam Lý được xếp hạng 1 nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, còn trong tình trạng chắp vá.
Chợ Nam Lý được xếp hạng 1 nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, còn trong tình trạng chắp vá.
Vấn đề đất đai và tài sản cũng là một rào cản lớn đối với đơn vị. Hiện tại, BQL chợ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các chợ do vướng mắc tại một số quy định của pháp luật về sử dụng đất trong hoạt động công ích đối với đơn vị sự nghiệp công lập, gây khó khăn trong việc định giá tài sản và lập phương án chuyển đổi. Mặt khác, đơn vị cũng chưa có phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
 
“Một trở ngại quan trọng khác nữa đó là sự đồng thuận của các hộ kinh doanh. Nhiều tiểu thương bày tỏ lo ngại về việc tăng giá dịch vụ sau cổ phần hóa, làm gia tăng chi phí kinh doanh trong khi thị trường đang gặp nhiều khó khăn. Sự thay đổi mô hình quản lý cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý và hoạt động của khoảng 3.000 hộ kinh doanh tại các chợ cũng như đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động tại đơn vị”, ông Võ Quốc Thịnh nhấn mạnh.
 
Gian nan lộ trình chuyển đổi
 
Nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động kéo dài nhiều năm, bị chậm tiến độ do phải đối diện nhiều khó khăn, thách thức, BQL chợ TP. Đồng Hới đã kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan xem xét điều chỉnh mức giá dịch vụ tại các chợ, thay thế mức giá áp dụng từ năm 2017; đồng thời, có chính sách hỗ trợ chợ truyền thống, giúp hộ kinh doanh yên tâm buôn bán. Việc quy hoạch tổng thể hệ thống chợ truyền thống và siêu thị trên địa bàn TP. Đồng Hới cũng cần được xem xét để bảo đảm sự cân bằng trong hoạt động thương mại nói chung và tạo điều kiện cho hoạt động chợ truyền thống nói riêng.
 
Chợ dân sinh không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa hàng ngày mà còn tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, giữ vai trò chủ đạo trong phân phối hàng hóa thiết yếu của địa phương. Với những thách thức hiện nay, việc chuyển đổi BQL chợ TP. Đồng Hới sang mô hình CTCP cần được cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan và duy trì sự ổn định của hoạt động thương mại truyền thống.
Theo ông Võ Quốc Thịnh, về cơ sở hạ tầng, thời gian qua, UBND TP. Đồng Hới đã quan tâm, bố trí kinh phí để đầu tư một số hạng mục tại chợ Đồng Hới. Sau khi hoàn thành các hạng mục, BQL chợ sẽ tổ chức, sắp xếp lại ngành hàng, ổn định hoạt động kinh doanh để bảo đảm phục vụ tốt hơn cho mùa du lịch năm 2025. Tuy nhiên, nhu cầu cho công tác cải tạo, chỉnh trang tại các chợ hiện vẫn còn nhiều, rất cần nguồn kinh phí đầu tư để bảo đảm sự đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, khai thác tại các chợ.
 
Nói về một số bất cập trong công tác quản lý chợ truyền thống, Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Hoài Nam cho biết: Nghị định số 60/2024/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ có hiệu lực thực hiện từ ngày 1/8/2024. UBND tỉnh cũng đã ban hành Công văn số 1811/UBND-TH, ngày 2/10/2024 chỉ đạo triển khai thực hiện nghị định. Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý và phát triển chợ còn gặp nhiều khó khăn do các quy định của nghị định chưa thật sự rõ ràng, thống nhất. Các bộ, ngành liên quan chưa ban hành thông tư hoặc các văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể nên các địa phương, trong đó có Quảng Bình còn lúng túng trong quá trình triển khai.
Hiền Chi

tin liên quan

Làm gì để tránh bị lừa đảo khi mua hàng trực tuyến?
Làm gì để tránh bị lừa đảo khi mua hàng trực tuyến?

(QBĐT) - Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và những ứng dụng hiệu quả trong đời sống xã hội, thời gian qua, tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội "nở rộ" với nhiều hình thức. Một trong những môi trường thuận lợi để những kẻ bất chính thực hiện hành vi lừa đảo là mua hàng trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử. 

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo liên quan học phí
Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo liên quan học phí

Gần đây xuất hiện các đối tượng lợi dụng chính sách miễn học phí cho học sinh công lập, để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của phụ huynh học sinh, phổ biến là gọi điện, nhắn tin hoàn tiền học phí đã đóng.

Ngăn chặn triệt để hành vi lấn chiếm vỉa hè: Cần có giải pháp căn cơ
Ngăn chặn triệt để hành vi lấn chiếm vỉa hè: Cần có giải pháp căn cơ

(QBĐT) - Cùng với sự phát triển của đô thị, những năm qua, tình trạng một bộ phận người dân trên địa bàn TP. Đồng Hới lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để làm nơi buôn bán, kinh doanh diễn ra khá phổ biến, gây mất an toàn giao thông.