(QBĐT) - Sau hơn một tháng triển khai Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (gọi tắt là Nghị định 168), đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Rõ nét nhất là tình hình tai nạn giao thông (TNGT) giảm, ý thức người tham gia giao thông tăng cao.
Nghị định 168 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, cũng là thời điểm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội xuân 2025. Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân nắm bắt đầy đủ, kịp thời nội dung Nghị định 168, góp phần thực hiện hiệu quả nghị định, bảo đảm TTATGT.
Những ngày đầu lực lượng chức năng áp dụng mức xử phạt các hành vi vi phạm theo Nghị định 168, trong đó có nhiều hành vi có mức xử phạt tăng cao gấp nhiều lần so với Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ, một số ý kiến người dân cho rằng mức xử phạt mới là quá cao. Tuy nhiên, qua triển khai cho thấy, quy định mới đã bảo đảm tính răn đe, góp phần hạn chế các hành vi vi phạm, nhất là vi phạm nồng độ cồn, lỗi đèn giao thông, tốc độ...
![]() |
So sánh các số liệu cụ thể về TTATGT trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và Ất Tỵ 2025 càng thấy rõ hiệu quả của Nghị định 168. Theo đó, trong 7 ngày nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản xử lý 352 trường hợp vi phạm, tạm giữ 251 phương tiện, phạt tiền gần 1,5 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn 150 trường hợp. Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 kéo dài 9 ngày, lực lượng chức năng phát hiện và xử lý 193 trường hợp vi phạm, tạm giữ 129 phương tiện, phạt tiền trên 970 triệu đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn 5 trường hợp. Các con số về TTATGT trong dịp Tết Ất Tỵ 2025 thấp hơn nhiều so với Tết Giáp Thìn 2024 đã khẳng định ý thức của người dân tăng cao, hành vi vi phạm giảm dần. TNGT tháng 1/2025 cũng tiếp tục giảm sâu so với cùng kỳ năm 2024.
“Năm nay về quê ăn Tết, tôi thấy tình trạng uống rượu, bia giảm mạnh vì ai cũng sợ vi phạm quy định nồng độ cồn. Mức xử phạt mới của Nghị định 168 cao thật, nhưng cũng sẽ hình thành thói quen văn minh cho mọi người là đã uống rượu, bia thì không lái xe. Những cuộc gặp mặt cũng không còn cảnh nài ép nhau uống bia, rượu, mọi người tự giác và tuân thủ tốt hơn quy định để bảo đảm an toàn, không bị xử phạt!”, chị Phạm Thị Lệ Hằng, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch), hiện sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh về quê đón Tết chia sẻ.
Tại TP. Đồng Hới và trung tâm các huyện lỵ, từ thời điểm Nghị định 168 có hiệu lực, xe mô tô, xe máy, nhất là hình ảnh các shipper, học sinh đi xe đạp điện vượt đèn đỏ… gần như vắng bóng. Tình trạng lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu cũng ngày càng hạn chế. Vỉa hè thông thoáng hơn khi xe máy, xe đạp điện không còn “leo lề”, diện mạo đô thị thay đổi theo hướng tích cực. Anh Hà Công Bắc, shipper tại phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới) cho biết: “Dù nhiều khi rất vội nhưng tôi luôn cẩn thận vì chỉ cần một lỗi vi phạm, số tiền bị xử phạt sẽ gấp nhiều lần ngày công làm việc. Nên chậm một chút sẽ an toàn, đỡ bị lo xử phạt...”.
“Nghị định 168 có hiệu lực đã từng bước nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT đường bộ; ý thức người tham gia giao thông tốt hơn; trật tự đô thị được bảo đảm. Quá trình thực thi nhiệm vụ, chúng tôi luôn cố gắng làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích cho người dân về các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT nói chung, nội dung Nghị định 168 nói riêng. Điều này đã góp phần làm giảm TNGT và nâng cao trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân và xây dựng, phát triển văn hóa giao thông trong cộng đồng”, thượng tá Đinh Cao Quang, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh nhấn mạnh.
Diệu Cầm