Làm giấy tờ giả, gánh tội thật

  • 07:02, 09/02/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xuất khẩu lao động (XKLĐ) bằng con đường hợp pháp là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Nhưng nếu XKLĐ bất chấp mọi cách, mọi giá thì không chỉ khiến bản thân rơi vào vòng lao lý, mà còn tạo điều kiện cho các đối tượng tội phạm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
 
1. Vốn là người từng có nhiều năm XKLĐ ở nước ngoài nên Hiển ít nhiều biết được các thủ tục XKLĐ. Cuối năm 2017, Hoàng đã nhờ Hiển làm thủ tục đi lao động tại Singapore. Mặc dù bản thân không có chức năng thực hiện dịch vụ XKLĐ, song Hiển vẫn nhận lời và hứa sẽ làm hết khả năng của mình. Hiển liên hệ với Hướng (trú tại tỉnh Kon Tum) để nhờ làm thủ tục cho Hoàng XKLĐ theo diện cấp Visa Spass (có thời hạn cư trú, làm việc ở nước ngoài 2 năm).
 
Theo yêu cầu của Hướng, hồ sơ xin cấp phép lao động tại Singapore phải có bằng tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, Hoàng chưa tốt nghiệp THPT. Để đủ điều kiện XKLĐ, Hoàng phải có bằng tốt nghiệp THPT. Chẳng lẽ, phải từ bỏ giấc mơ XKLĐ chỉ vì chưa tốt nghiệp THPT? Hoàng liền nhờ Hiển xem có cách nào để vượt qua “cửa ải” này không? Một thời gian sau, Hiển nhận lời giúp Hoàng làm bằng tốt nghiệp THPT giả, với chi phí 3 triệu đồng.
 
Đứng trước hội đồng xét xử (HĐXX) ngày hôm đó, Hoàng và Hiển đều cho rằng, bản thân không biết Hướng làm cách nào để có được tấm bằng tốt nghiệp THPT giả mà... y như thật! Còn Hướng cho hay, chính bản thân cũng không biết “công nghệ” làm giả bằng THPT, mà chỉ đưa thông tin chứng minh nhân dân, hộ chiếu của người cần làm cho người khác để làm bằng tốt nghiệp THPT.
 
Tương tự, với cách làm nói trên, một thời gian sau, Hiển và Hướng cũng đã hoàn thiện hồ sơ và làm bằng tốt nghiệp THPT giả cho Cương để XKLĐ. Đáng nói, sự việc bị cơ quan chức năng phát hiện sau khi Hoàng và Cương đã XKLĐ trở về nước. Hai tấm bằng tốt nghiệp THPT giả vẫn được cất giữ ở nhà. Bởi theo quy định, hồ sơ đi lao động tại Singapore theo diện cấp visa Spass không bắt buộc phải có bằng THPT.
 
Theo kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh), 2 bằng tốt nghiệp THPT của Hoàng và Cương: Phôi giấy các tài liệu không phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp. Chữ ký Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trên các tài liệu không phải là chữ ký trực tiếp, mà được tạo ra bằng phương pháp in phun màu. Hình dấu tròn trên các tài liệu không phải do cùng một con dấu đóng.
Minh họa: Minh Quý
Liên quan đến vụ án, quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định việc làm thủ tục cho Hoàng và Cương XKLĐ tại Singapore là đúng quy định, không có dấu hiệu của tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Hướng và Hiển khai nhận việc đưa tiêu chí phải có bằng tốt nghiệp THPT là nhằm mục đích thu thêm khoản tiền 450 nghìn đồng bất chính từ việc làm bằng giả. Hơn nữa, sau khi có bằng THPT giả, Hoàng và Cương chỉ cất giữ trong nhà mà không sử dụng vào mục đích nào khác. Do đó, không thể xác định Hoàng và Cương đã sử dụng tài liệu giả, nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật nên không có cơ sở xử lý về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
 
Đối với hành vi của Hướng, quá trình điều tra xác định Hướng đã làm giúp Hoàng một bằng tốt nghiệp THPT giả. Hành vi của Hướng thuộc tội phạm ít nghiêm trọng và đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên cơ quan điều tra không xử lý. Còn với đối tượng có nghi vấn làm bằng THPT giả trong vụ việc này chưa xác định được. Cơ quan điều tra tiếp tục xác minh làm rõ để xử lý sau. Kết thúc phiên tòa, Hiển bị tuyên phạt 15 tháng tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
 
2. Sau khi bị HĐXX tuyên phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Làm giả và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, Huế bảo rằng, nếu không vì hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm và bất chấp các quy định của pháp luật để được XKLĐ cho bằng được, thì chắc bản thân không bị vướng vào vòng lao lý.
 
Từng XKLĐ sang Liên Bang Nga, do cư trú và lao động bất hợp pháp, Huế bị trục xuất về nước. Nhưng vì muốn XKLĐ để thay đổi hoàn cảnh nên Huế tìm người làm giả giấy chứng minh nhân dân (CMND) để làm hộ chiếu xuất cảnh ra nước ngoài. Tìm hiểu qua mạng xã hội, Huế biết Huy nhận làm giả giấy CMND và hộ chiếu phổ thông, với chi phí 1.300 USD (tương đương hơn 31 triệu đồng), trong đó 300 USD chi phí làm giấy CMND giả, 1.000 USD làm hộ chiếu phổ thông.
 
Theo hướng dẫn của Huy, Huế chỉ cần tìm giấy CMND của một người thân hoặc bạn có độ tuổi tương đương và chưa làm hộ chiếu, chưa xuất cảnh ra nước ngoài. Mọi việc còn lại để Huy lo. Tin lời Huy, Huế tìm được CMND của người chị gái và gửi giấy CMND này và ảnh chân dung của mình cho Huy.
 
Sau khi nhận tiền, Huy gửi cho Huế 1 giấy CMND giả mang thông tin nhân thân của người chị gái, nhưng dán ảnh của Huế. Phần mặt trước CMND giả được ép plastic có đóng dấu nổi, phần mặt sau chưa ép plastic gửi về để Huế lăn dấu vân tay. Huy bảo Huế nhờ chị gái lăn dấu vân tay, rồi gửi lại cho Huy. Một thời gian sau, Huế nhận được giấy CMND giả giống như... thật. Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục xin cấp hộ chiếu, qua kiểm tra, đối chiếu các thông tin, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh phát hiện CMND của Huế là giả và chuyển vụ việc đến cơ quan điều tra xử lý.
 
Tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Huy cho rằng, bản thân không trực tiếp làm được giấy CMND giả và hộ chiếu xuất cảnh, mà thông qua người có tên Minh Đức ở Liên Bang Nga để liên lạc với một người tên Nhi ở Hà Nội trực tiếp làm nhằm thu lợi bất chính hơn 17 triệu đồng. Hai người này, hiện chưa xác định được danh tính cụ thể. Còn Huế có vai trò cung cấp thông tin giả và tài liệu cho Huy làm giấy CMND giả, để làm thủ tục xin cấp hộ chiếu xuất cảnh. Hành vi của các bị cáo đã phạm tội “Làm giả và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt Huy 30 tháng tù cho hưởng án treo.
Lê Thy
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

tin liên quan

Mức phạt với tài xế chở trẻ em trên 6 tuổi ngồi trước xe máy
Mức phạt với tài xế chở trẻ em trên 6 tuổi ngồi trước xe máy

Chở trẻ em trên 6 tuổi ngồi trước xe máy sẽ bị xử phạt từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn trên tuyến Quốc lộ 1
Nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn trên tuyến Quốc lộ 1

(QBĐT) - Vào những ngày trước và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đi qua địa bàn tỉnh tăng cao. Trên tuyến Quốc lộ 1 được xác định có một số điểm nghẽn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ách tắc giao thông cục bộ và có thể kéo dài nếu như các phương tiện đi qua đây không bảo đảm an toàn, nhất là khi xảy ra va chạm.

Đừng để đường đến trường của con trẻ bị gián đoạn
Đừng để đường đến trường của con trẻ bị gián đoạn

(QBĐT) - Do điểm trường khu vực Tân Mỹ (thuộc Trường tiểu học số 1 Quảng Phúc, TX. Ba Đồn) bị xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa sự an toàn của học sinh và giáo viên, nên cuối tháng 1/2025, điểm trường phải đóng cửa. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đến nay, hơn 150 học sinh học tại đây vẫn chưa được phụ huynh đưa đến trường chính để học tập, khiến việc học tập của các em bị gián đoạn.