(QBĐT) - Đó là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) của năm 2025. Để quy định này “thấm” sâu, lan tỏa trong cộng đồng và mỗi một người dân hình thành thói quen văn minh, thời gian qua, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm. Quy định này đã tác động tích cực đến “bức tranh” ATGT trên địa bàn tỉnh và nhận được sự quan tâm ủng hộ của nhiều người dân.
Theo ông Hoàng Đăng Cương, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh, thực hiện các nội dung kế hoạch của Ủy ban ATGT quốc gia, UBND tỉnh, năm 2024, Ban ATGT tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác truyền thông và tập trung triển khai chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn trên phạm vi toàn tỉnh. Với tinh thần quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là lực lượng chức năng, vai trò của người đứng đầu và sự ủng hộ của nhân dân nhằm kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), bức tranh ATGT năm 2024 có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ TNGT có nguyên nhân từ rượu, bia giảm mạnh. Trong tổng số gần 200 vụ TNGT, chỉ có 3 vụ TNGT do uống rượu bia; thói quen “đã uống rượu, bia, không lái xe” được hình thành và người tham gia giao thông ngày càng tự giác hơn.
Xử lý vi phạm nồng độ cồn: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
“Phát huy những kết quả đạt được, năm 2025, Ban ATGT tỉnh tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm nồng độ cồn nhằm góp phần thực hiện hiệu quả chủ đề Năm An toàn giao thông 2025 “Hành trình an toàn, kiến tạo tương lai”. Qua gần hai tháng triển khai nhiệm vụ cho thấy, công tác bảo đảm TTATGT tiếp tục được giữ vững. Tháng 1/2025 cũng là thời điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội xuân 2025, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ TNGT làm chết 11 người, bị thương 10 người, so với cùng kỳ giảm 6 vụ, bằng số người chết, giảm 10 người bị thương. Việc thực hiện xử phạt theo Nghị định số 168 đã từng bước nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về TTATGT của người dân nói chung, quy định về vi phạm nồng độ cồn nói riêng, được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến quá trình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo đảm TTATGT năm 2025”, ông Hoàng Đăng Cương cho biết thêm.
Là một trong những lực lượng nòng cốt, năm 2024, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh đã tập trung đẩy mạnh chuyên đề nồng độ cồn với gần 4.000 ca tuần tra, kiểm soát. Đã có 8.894 trường hợp vi phạm bị xử lý; 8.183 phương tiện bị tạm giữ; tổng số tiền xử phạt là trên 31,2 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng số tiền xử phạt vi phạm trong năm 2024. Thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm TTATGT và các chỉ tiêu, kế hoạch của năm 2025, Phòng CSGT tiếp tục tăng cường lực lượng, tập trung xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn.
Điều 6 và Điều 7, Nghị định số 168 quy định: Với nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở, người điều khiển xe ô tô (NĐKXOT) bị phạt từ 6-8 triệu đồng và trừ 4 điểm GPLX; người điều khiển xe máy (NĐKXM) bị phạt từ 2-3 triệu đồng và trừ 4 điểm GPLX. Với nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/lít khí thở, NĐKXOT sẽ bị phạt từ 18-20 triệu đồng và trừ 10 điểm GPLX; NĐKXM sẽ bị phạt từ 6-8 triệu đồng và trừ 10 điểm GPLX. Với nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở, NĐKXOT bị phạt từ 30-40 triệu đồng và tước quyền sử dụng GPLX từ 22-24 tháng; NĐKXM bị phạt từ 8-10 triệu đồng và tước quyền sử dụng GPLX từ 22-24 tháng.
“Từ ngày 1/1/2025, Luật TTATGT đường bộ và Nghị định số 168 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ có hiệu lực thi hành. Với nhiều điểm mới, đặc biệt là mức xử phạt tăng cao đối với một số hành vi vi phạm, chúng tôi vừa triển khai nhiệm vụ vừa tăng cường, lồng ghép tuyên truyền để nhân dân nắm bắt đầy đủ tinh thần, nội dung của Luật TTATGT và Nghị định số 168. Tuy nhiên, đối với vi phạm quy định nồng độ cồn thì kiên quyết xử lý nghiêm minh “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không có sự can thiệp, bởi đây là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến TNGT”, thượng tá Đinh Cao Quang, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh nhấn mạnh.
Sự quan tâm vào cuộc của lực lượng chức năng trong công tác thông tin tuyên truyền và xử phạt nghiêm minh hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đã thực sự tác động mạnh đến ý thức người dân. Dù là dịp lễ, Tết, văn hóa gặp gỡ, chúc nhau bằng rượu bia ăn sâu, nhưng trong các cuộc vui đã không còn cảnh “ép” rượu bia. Nếu trót vui uống vài ly thì nhiều người lựa chọn phương án gọi dịch vụ lái xe hộ, người nhà hoặc gửi xe và đi taxi về.
Anh Hoàng Văn Thìn, xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới) cho hay, năm 2024 và nhất là từ đầu năm 2025 đến nay, không chỉ ngày Tết mà trong tất cả ngày thường, việc điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia của anh và nhiều bạn bè, hàng xóm đã chấm dứt, bởi đa số hiểu được sự nghiêm trọng của hành vi này và rất sợ bị xử phạt số tiền lớn đồng thời bị thu giữ phương tiện, giấy phép lái xe sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, công việc. “Ban đầu tôi cũng cảm thấy quy định mới khá khắt khe, tuy nhiên suy cho cùng thì việc thực hiện nghiêm nguyên tắc “đã uống rượu bia, không lái xe” sẽ giúp bảo đảm sức khỏe, tính mạng, tài sản. Khi nào cần tham gia các cuộc vui thì mình cần chủ động gọi xe hoặc phân công trong nhóm bạn bè là ổn!”, anh Thìn chia sẻ.
(QBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 08/2025/QĐ-UBND quy định các trường hợp không có tính khả thi để khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với hành vi vi phạm hủy hoại đất trên địa bàn tỉnh.