(QBĐT) - Thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, thời gian qua, Quảng Bình đã tăng cường các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, khó lại chồng thêm khó vì đối tượng phạm tội dường như đã “lường” trước tình huống để sử dụng các thủ đoạn nhằm tẩu tán tài sản.
Theo báo cáo số 494-BC/TU, ngày 13/1/2025, thống kê kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thì đối với án tham nhũng, chức vụ, tổng số tài sản phải thu hồi trên 6,3 tỷ đồng; đối với án kinh tế liên quan đến chức vụ và vụ án về trốn thuế, tổng số tài sản phải thu hồi gần 58 tỷ đồng.
Nhìn chung, công tác thu hồi toàn bộ tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là hết sức khó khăn, chủ yếu vận động bị can tự nguyện nộp lại một phần tài sản để khắc phục hậu quả (theo báo cáo nói trên người phạm tội tự nguyện nộp số tiền hơn 6,7 tỷ đồng); việc áp dụng các biện pháp như kê biên tài sản để bảo đảm thu hồi tài sản người phạm tội không được áp dụng, vì nhiều lý do khách quan như người phạm tội đã tẩu tán tài sản trước khi bắt giữ...
Ngoài ra, một số quy định của pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng chưa hoàn thiện như chưa có cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội để theo dõi sự biến động tài sản của một số trường hợp cụ thể. Bởi lẽ, nếu áp dụng phương pháp này sẽ góp phần chống trốn thuế, rửa tiền, gian lận thương mại, thi hành án. Hiện, chúng ta đang thực hiện việc kiểm soát minh bạch tài sản, thu nhập bằng hình thức kê khai. Tuy nhiên, việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn chưa phải là cơ chế có hiệu quả. Bên cạnh đó, quan niệm về tài sản tham nhũng là tài sản của người có hành vi tham nhũng. Vì vậy, muốn chứng minh đó là tài sản tham nhũng thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải trải qua quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Việc kéo dài thời gian để chứng minh vô hình trung là cơ hội để người có hành vi tham nhũng tẩu tán tài sản. Đặc biệt, chưa xác định rõ trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan như ngân hàng, tài chính, đất đai, xây dựng, giao thông… trong phối hợp xử lý tài sản tham nhũng.
Thiết nghĩ, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, cần kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh những vụ án, vụ việc tham nhũng, sai phạm, tội phạm kinh tế; hoàn thiện chế tài về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát; tập trung kiểm soát tài sản, thu nhập của xã hội nói chung và nhóm người có chức vụ, quyền hạn nói riêng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu sự hình thành tài sản và thu nhập bất minh…
Đông A