(QBĐT) - Khi “cơn lốc” xuất khẩu lao động với giấc mơ về một tương lai sáng lạn tràn qua, nhiều gia đình trẻ đã bị cuốn theo. Không ngừng nỗ lực và chấp nhận đánh đổi nhiều điều, với một số người, những mong ước và dự định đã thành hiện thực. Nhưng cuộc sống với vô vàn thử thách cũng đã khiến cho nhiều cặp đôi phải gặp nhau tại tòa án để rồi sau đó, giấc mơ về cuộc sống gia đình hạnh phúc, đủ đầy đã tan biến vào hư không, để lại nhiều hệ lụy và nỗi buồn.
Những năm gần đây, số vụ ly hôn ngày càng tăng không phải là chuyện mới. Trong đó, ly hôn có yếu tố nước ngoài, phổ biến là vợ hoặc chồng, hoặc cả hai cùng tham gia xuất khẩu lao động đã trở nên đáng báo động và gây ra nhiều hệ lụy lớn về tình cảm, tâm lý và gia đình. Đó chính là một trong những mặt trái rất đáng lo ngại của xuất khẩu lao động khi những cặp vợ chồng bắt đầu bằng khát khao về một cuộc sống gia đình hạnh phúc, nhưng kết thúc là những giấc mơ tan vỡ.
Lỡ duyên vì... gọi nhỡ!
Những ngày đầu tiên của cuộc hôn nhân đầy hạnh phúc chóng vánh trôi qua, đôi vợ chồng trẻ là anh Quảng và chị Bích cùng bàn tính chuyện tương lai. Như rất nhiều bạn bè cùng trang lứa, với họ, con đường xuất khẩu lao động là sự hứa hẹn lớn nhất để biến giấc mơ thành hiện thực. Thế rồi anh Quảng bịn rịn tạm biệt vợ trẻ đang mang thai đứa con đầu lòng và sang Đài Loan làm ăn.
Nhưng cuộc sống nơi xứ người không dễ dàng gì. Công việc vất vả nặng nhọc, môi trường sống khó thích nghi, anh Quảng phải đương đầu với nhiều áp lực nên không còn nhiều thời gian để hàn huyên tâm sự cùng vợ. Nhiều cuộc gọi của chị Bích rơi vào im lặng hoặc nếu có thì cãi vã triền miên. Sau gần hai năm, anh Quảng trở về với quyết tâm “sửa chữa” cuộc hôn nhân khi chưa quá muộn.
Thế nhưng dường như mọi chuyện không đơn giản, ngay cả khi bây giờ giữa họ đã có thêm sợi dây kết nối là đứa con nhỏ đang bi bô tập nói. Sau rất nhiều tranh cãi, chị Bích ra “tối hậu thư” yêu cầu chồng ở nhà tìm việc làm để cùng chị chăm sóc con nhưng anh Quảng không đồng ý, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng lên đến đỉnh điểm. Lúc này, chị Bích lặng lẽ đưa con về nhà bố mẹ đẻ, sau nhiều băn khoăn, day dứt, chị quyết định ly hôn.
Thời gian này, anh Quảng nhiều lần qua lại thuyết phục chị Bích và tâm sự với bố mẹ vợ để duy trì hôn nhân. Nhưng đối với mong muốn của vợ là anh ở nhà tìm việc làm để cùng chăm sóc con thì anh Quảng vẫn không nhượng bộ. Cả hai người đều không “lùi bước”, kết cục họ phải gặp nhau tại tòa án.
Tại các phiên hòa giải, hai vợ chồng đều nói rõ những lý do của mình. Anh Quảng cho rằng ngoài tính tình không hợp nhau, nguyên nhân chính là do những cuộc điện thoại bị nhỡ của cả hai người, khi vợ gọi thì chồng bận và ngược lại. Nhiều lần như vậy, cộng với việc anh Quảng kiên quyết quay lại Đài Loan làm ăn, không quan tâm đến mong muốn của vợ nên chị Bích nghi ngờ chồng không chung thủy.
![]() |
Sự nghi ngờ gặm nhấm tâm hồn chị và gây ra hậu quả nặng nề khiến cuộc hôn nhân của họ trở nên nguội lạnh. Dù anh Quảng không đồng ý chia tay và mong muốn được đoàn tụ nhưng chị Bích không chấp nhận, chị chỉ có nguyện vọng được nuôi con nhỏ sau khi ly hôn. Sau nhiều tranh chấp của hai bên, căn cứ tình hình thực tế, tòa án đã quyết định để chị Bích được nuôi con với sự cấp dưỡng của anh Quảng đến khi cháu bé tròn 18 tuổi.
Chứng kiến câu chuyện, có người cho rằng, những cuộc điện thoại bị nhỡ chỉ là tình tiết rất nhỏ, điều lớn hơn là niềm tin, sự đồng cảm và kết nối của họ đã không còn. Và một trong những nguyên nhân chính là khoảng cách rất xa khi người chồng hoặc vợ đi xuất khẩu lao động. Sự nghi kỵ lấn át niềm tin, giết chết tình yêu và niềm hy vọng của nhiều người, nên có rất nhiều “kịch bản” buồn như cuộc hôn nhân của anh Quảng-chị Bích đã xảy ra, khiến giấc mơ của nhiều gia đình tan vỡ, để lại những đứa trẻ ngây thơ luôn phải sống trong sự thiếu vắng bóng dáng người mẹ hoặc cha.
Cuộc ly hôn này là lời nhắc nhở cho những ai có dự định xuất khẩu lao động, bởi dù rằng có thể mang lại cơ hội kinh tế lớn, nhưng xuất khẩu lao động cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là với hôn nhân. Sự cách xa về khoảng cách địa lý sẽ hạn chế sự gắn kết và giao tiếp, những điều rất quan trọng giúp duy trì một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
"Niềm vui ngắn chẳng tày gang"
Cũng với giấc mơ về một tổ ấm đủ đầy, hạnh phúc, sau một thời gian tìm hiểu, chị Hà và anh Lê tiến đến hôn nhân. Nhưng khác với hoàn cảnh của anh Quảng-chị Bích, trước khi kết hôn, anh Lê đã định cư tại nước ngoài nên sau khi kết hôn, anh nhanh chóng hoàn thành các thủ tục theo quy định để đưa người vợ trẻ cùng đoàn tụ. Sự suôn sẻ, thuận lợi của cuộc hôn nhân khiến người trong cuộc và gia đình hai bên vô cùng vui mừng, phấn khởi, tin tưởng đôi trẻ sẽ cùng nhau chung sống đến “đầu bạc răng long”.
Thế nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, sau vài năm chung sống hạnh phúc, giữa họ bắt đầu nảy sinh nhiều vấn đề, đe dọa đến cuộc hôn nhân. Dù có cuộc sống vật chất bao người mơ ước, nhưng những câu chuyện vụn vặt mỗi ngày khiến mâu thuẫn bị tích tụ và lớn dần, tạo nên hố sâu ngăn cách giữa hai người. Nếu trước đây họ từng tin tưởng nhau bất chấp khoảng cách không gian, thời gian, thì hiện tại, giữa hai vợ chồng vẫn đầy rẫy những nghi ngờ. Những cuộc cãi vã trở nên kéo dài, triền miên, bất kể lý do, từ làm ăn kinh tế đến chuyện hành xử, tình cảm vợ chồng… Sau một thời gian cố gắng hàn gắn hạnh phúc nhằm tiếp tục cuộc hôn nhân nhưng không thành, khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, cuộc sống chung thực tế giữa vợ chồng không còn tồn tại, họ tự nguyện thỏa thuận ly hôn để trả tự do cho mỗi người.
Sau khi xem xét các tài liệu liên quan và ý kiến của người trong cuộc, tòa án đã công nhận thuận tình ly hôn cho họ. Vì giữa hai người chưa có con, không tranh chấp về tài sản nên mọi chuyện diễn ra dường như rất đơn giản. Họ trở lại là những người độc thân chỉ sau vài năm kết hôn, khi giấc mơ về cuộc sống gia đình hạnh phúc bắt đầu chưa lâu. Cuộc chia tay của họ khiến gia đình, người thân và bạn bè cảm thấy buồn, hẫng hụt và vô cùng tiếc nuối.
Diệu Cầm
(*) Tên các nhân vật đã được thay đổi.