(QBĐT) - Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục phát đi cảnh báo về những thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, tuy nhiên, nhiều người “nhẹ dạ cả tin” để rồi sập bẫy khi nào không hay…
Đã mấy tháng trôi qua nhưng mỗi lần nhắc đến chuyện mua hàng qua mạng là anh Trần Thanh T. (phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn) lại thở dài thườn thượt. Anh T. không ngờ rằng những chuyện tưởng chừng chỉ thấy trên tivi, sách báo lại suýt đưa gia đình mình vào cảnh tán gia bại sản, vợ chồng ly tán.
Anh T. kể rằng, vợ chồng lấy nhau hơn 20 năm, anh kinh doanh tự do, còn vợ thì chủ yếu ở nhà làm nghề may và nội trợ. Cuộc sống chưa phải giàu sang nhưng cũng đủ lo cho các con ăn học, gia đình yên ấm. Bỗng một ngày, anh T. ngớ người khi có nhiều người bạn hỏi “Vợ chồng bây làm chi mà phải đi mượn tiền vặt rứa”, về nhà gặng hỏi mãi, vợ anh là chị N. mới thú nhận mượn tiền để mua hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng qua mạng xã hội. Chị N. được các đối tượng lừa đảo đưa vào bẫy trong một lần tình cờ lên mạng tìm mua thuốc trị nám. Sau nhiều lần liên lạc qua lại, chị đã đặt mua rất nhiều sản phẩm được giới thiệu và được hứa hẹn nếu mua đủ đơn hàng sẽ có nhiều ưu đãi, tích điểm nhận tiền hoa hồng 500 triệu đồng.
![]() |
Biết vợ mình bị lừa, anh T. khuyên bảo mãi nhưng chị N. một mực không nghe mà còn khuyên ngược chồng đi tiếp sổ tiết kiệm mang tên 2 người để mua đủ số hàng. Cũng vì chuyện này, hai vợ chồng anh T. cãi nhau to một trận sau hơn 20 năm nên duyên vợ chồng. Anh T. lần theo số điện thoại, phía “đối tác” ban đầu nói chỉ cần thêm khoảng 100 triệu đồng tiền hàng là đủ, sau đó giảm xuống 50 triệu đồng và cuối cùng là 20 triệu đồng. Anh T. tức giận quát mắng qua điện thoại và trình báo công an, phía “đối tác” tắt máy và khóa số.