(QBĐT) - Có vẻ như những câu chuyện tranh chấp tài sản xuất hiện ngày càng nhiều, dưới nhiều hình thức khác nhau. Và lần này kiện tụng tranh chấp xảy ra giữa những người trẻ mới manh nha xây dựng tình yêu.
1. Không chấp nhận quyết định của tòa sơ thẩm buộc anh Nhàn trả lại số tiền hơn 340 triệu đồng cho mình, chị Liên hậm hực kháng cáo toàn bộ bản án. Thế nhưng, thay vì nội dung khởi kiện “Tranh chấp đòi quyền sử dụng đất và đòi lại tài sản” trước đó, tại phiên tòa phúc thẩm lần này, chị Liên yêu cầu hội đồng xét xử (HĐXX) giải quyết sự việc theo hướng “Tranh chấp tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn”. Bởi theo lời chị Liên, chị và anh Nhàn vốn là bạn học cũ và đã ly hôn nên sau khi gặp lại họ yêu nhau, có thời gian sống chung như vợ chồng.
Thời điểm này, chị có nhận chuyển nhượng một thửa đất với giá 850 triệu đồng. Do có ý định kết hôn, chị và anh Nhàn bàn bạc thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm để có con. Trong thời kỳ sàng lọc, bác sĩ yêu cầu hạn chế đi lại, vì vậy, chị đã nhờ anh Nhàn đứng tên trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).
Cũng trong thời gian này, chị nhiều lần chuyển tiền cho anh Nhàn vay làm ăn, với tổng số tiền gần 840 triệu đồng. Vì tin tưởng, chị còn vay mượn tiền bạn bè để cho anh Nhàn vay. Tuy nhiên, sau khi nhận được GCNQSDĐ và các khoản tiền vay, anh Nhàn trở mặt chấm dứt quan hệ tình cảm và bác bỏ các khoản nợ của chị. Trước đó, khi biết tin chị làm đơn đề nghị tòa án giải quyết, anh Nhàn đã trả cho chị số tiền 500 triệu đồng và mong muốn thương lượng nên chị rút đơn. Biết tin chị rút đơn, anh Nhàn lại một lần nữa trở mặt. Vì vậy, chị phải đòi bằng được thửa đất và buộc anh Nhàn trả lại số tiền hơn 340 triệu đồng.
Ngược lại, anh Nhàn cho rằng, việc anh và chị Liên gặp lại nhau, có qua lại yêu đương nhưng không có việc chung sống như vợ chồng. Còn thửa đất đó là tài sản riêng của anh, do anh tự bỏ tiền riêng để mua, không liên quan đến chị Liên. Chính anh là người trực tiếp đặt cọc tiền và chuyển cho chị Liên 1,1 tỷ đồng và nhờ trả tiền mua đất, trong đó, có 400 triệu đồng, anh cho chị mượn.
Sau khi nhận chuyển nhượng đất, anh đã làm thủ tục cấp GCNQSDĐ và sử dụng để thế chấp ngân hàng, vay vốn làm ăn 2 lần. Đối với số tiền hơn 340 triệu đồng, chị Liên yêu cầu anh trả, anh không biết số tiền đó từ đâu ra. Bởi, năm 2019, chị Liên có mượn tiền của anh làm ăn, anh đã chuyển cho chị Liên 500 triệu đồng, trong đó 400 triệu đồng để gửi trả cho người bạn chị Liên mượn tiền trước đó, còn 100 triệu đồng anh cho chị mượn để làm thủ tục đi nước ngoài.
![]() |
Căn cứ vào hồ sơ vụ án, HĐXX nhận thấy không có tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh các đương sự đã “chung sống với nhau như vợ chồng”. Do đó, tranh chấp trong vụ việc này là “Tranh chấp đòi quyền sử dụng đất và đòi lại tài sản”. Về thửa đất đứng tên chủ sở hữu của anh Nhàn, HĐXX cấp phúc thẩm nhận thấy chị Liên không cung cấp được các tài liệu, chứng cứ để chứng minh chị sử dụng tiền riêng của cá nhân trả cho bên chuyển nhượng đất và chứng minh việc chị nhờ anh Nhàn đứng tên trong hợp đồng chuyển nhượng, cũng như trên GCNQSDĐ hoặc thể hiện thửa đất là tài sản chung của 2 người.
Đối với các khoản tiền vay mượn giữa 2 người cũng không có giấy tờ vay, nhận nợ và không có người làm chứng. Các bên chỉ xuất trình một số chứng từ chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng nhưng không ghi rõ nội dung chuyển tiền nên tòa án không xác định được việc chuyển tiền trên là để cho vay, mượn hay thực hiện một giao dịch dân sự khác.
Riêng khoản tiền hơn 340 triệu đồng, anh Nhàn nhờ chị chuyển tiền để trả nợ cho Công ty Đạt Thành là không đúng, bởi trước đó, anh Nhàn không còn làm đại lý cho công ty này. Hơn nữa, theo công văn của công ty này, số tiền mà chị Liên chuyển cho công ty là để trả tiền cho đại lý của người khác (có quen biết với chị Liên), chứ không phải để trả tiền hàng cho anh Nhàn. Vì vậy, tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo đòi lại thửa đất và khoản tiền hơn 340 triệu đồng của chị Liên.
2. Phải đến phiên tòa phúc thẩm, anh Ngân mới đòi lại quyền lợi của mình, bởi tại phiên tòa sơ thẩm yêu cầu đòi lại tiền của anh không được chấp nhận. Bị đơn trong vụ việc này là người mà trước đó đã cùng anh “thề non hẹn biển” sống bên nhau mãi mãi. Cũng chính những lời yêu thương đó nên anh mới tin tưởng và đồng ý cho chị Hậu đứng tên trên GCNQSDĐ và nhà ở anh mới mua. Ngày mua được thửa đất và ngôi nhà, anh chị đều có mặt để dọn dẹp, mua sắm đồ đạc. Anh còn tin tưởng chị đến mức, sau khi mua nhà, đất một thời gian, có người muốn mua lại với mức giá khá cao nhưng anh không bán mà để lại làm tổ ấm hạnh phúc cho 2 người sau này.
Trước đó, anh Ngân là người đã ký hợp đồng đặt cọc và hợp đồng chuyển nhượng đối với thửa đất nói trên, với giá hơn 2.350 triệu đồng và thanh toán được 1.050 triệu đồng. Sau đó, anh và chị có thỏa thuận, chị Hậu sẽ là người đứng ra ký hợp đồng công chứng nhận chuyển nhượng để đứng tên chủ sở hữu tài sản và thế chấp ngân hàng vay tiền thanh toán số tiền còn thiếu. Sau khi thanh toán đủ tiền, anh chị thống nhất để chị Hậu đứng tên trên GCNQSDĐ.
Thế nhưng, mọi chuyện xảy ra không như mong muốn của anh. Một thời gian sau, tình cảm giữa anh và chị rạn nứt, hai người chia tay. Nhiều lần anh bảo chị Hậu bán nhà, đất để thu hồi vốn nhưng chị không đồng ý và có thái độ trốn tránh. Chuyện gì đến cũng phải đến, anh Ngân buộc phải khởi kiện ra tòa yêu cầu chị Hậu trả lại số tiền 1.050 triệu đồng.
Tại phiên tòa, chị Hậu một mực bảo rằng, chị là người thực hiện việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng, đặt cọc và thanh toán tiền mua thửa đất và ngôi nhà với giá 1,3 tỷ đồng, chứ không chung vốn với anh Ngân. Vì vậy, chị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi trả lại tiền của anh Ngân.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu và kết quả tranh luận tại phiên tòa, HĐXX cho rằng, thửa đất và ngôi nhà tại thời điểm chuyển nhượng theo lời khai của chị Hậu 1,3 tỷ đồng là không phù hợp với thực tế khách quan. Bởi lẽ, theo hợp đồng đặt cọc, tài liệu sao kê tài khoản của anh Ngân, chị Hậu và lời thừa nhận của bên bán trước đó, thửa đất và ngôi nhà có trị giá 2.350 triệu đồng. Anh Ngân cũng là người đã trả số tiền 1.050 triệu đồng trước đó. Vì vậy, HĐXX quyết định buộc chị Hậu phải trả lại số tiền anh Ngân đã góp vốn để mua tài sản nói trên.
Sự “lên ngôi” của vật chất không làm cho tình yêu thăng hoa, mà ngược lại cám dỗ của nó khiến cho con người ta sẵn sàng trở mặt mỗi khi chuyện tình cảm không thành. Với những người trẻ giờ đây, mọi thứ có thể bị đánh đổi bởi những lợi ích khác, ngoài những lời “thề non hẹn biển”.
Lê Thy
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.