(QBĐT) - Chỉ vì giọt nước mưa mà những người hàng xóm láng giềng sinh sống với nhau hàng chục năm qua tranh chấp, khiếu kiện, thậm chí ẩu đả lẫn nhau. Đúng sai, tòa án đã phân xử. Nhưng rồi đây, những con người “bán anh em xa, mua láng giềng gần” này liệu có thể “ăn đời, ở kiếp” với nhau mỗi khi “tối lửa, tắt đèn”.
1. Gia đình ông Việt và ông Hùng sinh sống bên cạnh nhau gần 30 năm. Cho đến một ngày, gia đình ông Hùng xây dựng xưởng sản xuất khăn lạnh thì giữa họ xảy ra mâu thuẫn. Nguyên nhân là do phần mái nhà xưởng của ông Hùng đã làm cho nước mưa đổ sang nhà ông Việt. Cứ mỗi khi trời đổ mưa, giọt nước trời càng khoét sâu mâu thuẫn giữa 2 gia đình hàng xóm này. Khi bức xúc và mâu thuẫn giữa 2 gia đình không có tiếng nói chung, ông Việt gửi đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương yêu cầu giải quyết.
Điệp khúc hòa giải, giải quyết, rồi lại tranh chấp, mâu thuẫn cứ lặp đi lặp lại nhiều năm liền. Hết lần này đến lần khác, ông Việt lại mang đơn đến cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải quyết… giọt nước mưa của nhà hàng xóm. Sự việc tiếp tục được đẩy lên cấp trên, nhưng rồi không ai ngăn được dòng nước mưa ấy. Mâu thuẫn, tranh chấp ngày lên cao đến độ đã có lần 2 gia đình xảy ra gây gổ, ẩu đả lẫn nhau.
Lần này, ông Việt nộp đơn khởi kiện ra tòa án. Cơ quan có thẩm quyền xác định phần ranh giới của diện tích đất của 2 hộ gia đình không lấn chiếm của nhau, nhưng về kỹ thuật thì ống thoát nước của nhà ông Hùng có ảnh hưởng nhà ông Việt mỗi khi trời mưa. Sau khi hòa giải, ông Việt đã rút đơn khởi kiện để 2 gia đình tự giải quyết. Thế nhưng, gia đình ông Hùng chỉ thực hiện theo kiểu chống đối, không triệt để tháo dỡ phần lấn chiếm để giải quyết tranh chấp. Phần mái nhà xưởng của ông Hùng vẫn tiếp tục đổ nước mưa sang đất nhà ông Việt.
Sau nhiều lần hòa giải, tạm đình, gia hạn, cuối cùng phiên tòa cũng được đưa ra xét xử. Tại phiên tòa, ông Hùng “tố” gia đình ông Việt không hợp tác và tạo điều kiện cho ông khắc phục, hai bên gia đình không thể hòa giải, không thể thỏa thuận để giải quyết sự việc trên. Ngược lại, ông Việt cho rằng ông Hùng chỉ làm đối phó, không có thiện chí khắc phục tranh chấp, nên khi trời mưa, nước mưa vẫn ảnh hưởng đến nhà ông.
Sau khi xem xét hồ sơ, tài liệu và hiện trạng, hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên buộc Hùng phải lắp đặt đường ống thoát nước mưa trên mái nhà xưởng để chấm dứt tình trạng nước mưa không ảnh hưởng đến vách tường nhà ông Việt. Vậy là chỉ giọt nước mưa, mà phải đến hơn 2 năm tranh chấp, những người hàng xóm “ăn đời, ở kiếp” với nhau mới được giải quyết.
![]() |
2. Cả 3 gia đình hàng xóm trong vụ việc này vốn không xa lạ gì nhau, bởi họ đã từng sinh sống bên nhau hơn 30 năm qua. Chuyện chẳng có gì để phát sinh mâu thuẫn, nếu như họ chung sống hòa thuận như mấy chục năm qua. Thế nhưng, cũng vì giọt nước mưa vô tình ấy khiến cho những hàng xóm “ăn đời, ở kiếp” ấy kéo nhau ra tòa kiện tụng.
Ông Thìn, nguyên đơn thứ nhất trong vụ việc cho rằng, quá trình sử dụng đất, gia đình ông Do đã xây hàng rào 1 đoạn dài khoảng 5-6m lên móng hàng rào của ông. Khi phát hiện, ông đã có ý kiến, ông Do cho thợ tháo dỡ. Nhưng, khi gia đình ông vắng nhà, ông Do lại cho thợ tiếp tục xây lên móng hàng rào của ông dài khoảng 13-14m. Không những thế, sau đó, ông Do còn đào khoét trụ bê tông, bắn vít nở vào tường, xây 2 cổng áp vào tường và lợp tôn áp sát nhà của ông. Vì vậy, mỗi khi trời mưa là nước chảy vào tường nhà của ông.
Một đồng nguyên đơn và cũng là người hàng xóm khác là ông Thắng lại “tố” rất chi tiết rằng, quá trình sử dụng đất, ông Do tiếp tục lấn chiếm phần khoảng không trên đất của ông. Cụ thể: Cầu thang tầng 2 và 2 ô văng tầng 2 của nhà ông Do lấn sang không gian nhà của ông 0,1m. Hàng rào nhà ông Do xây chồng lấp móng hàng rào phía sau nhà ông dài 5m và lấn chiếm 0,1m. Phía trước sảnh tầng 2 của ông Do lấn sang không gian đất của ông 6cm. Phần tường phía trước của ông Do lấn sang đất ông 2cm. Chưa dừng lại, năm 2015 gia đình ông lợp lại mái tôn cũ, bị dột nát, gia đình ông Do đập phá mái tôn, phá hoại tài sản và đe dọa đánh ông, với lý do mái tôn nhà ông lấn sang đất 10cm.
Ông Do, bị đơn trong vụ việc cũng không chịu thua, năm 2006, gia đình ông Thìn cơi nới, xây dựng cổng, đổ sàn mái tầng 2 phía trước lấn chiếm đất và trùm qua phần ô văng nhà ông là 11cm. Không những thế, ông Thìn còn lắp đặt đường ống nước sinh hoạt trên đất nhà ông. Mặc dù, gia đình ông đã nhắc nhở và đề nghị tháo dỡ, phá bỏ nhiều lần nhưng ông Thìn không hợp tác.
Năm 2015, ông Thìn và ông Thắng có đơn khiếu nại lên chính quyền địa phương vu khống gia đình ông lấn chiếm đất của họ và yêu cầu ông phải phá dỡ một nửa phần hàng rào mà họ đã thống nhất xây dựng chung vào năm 1991. Khiếu nại không thành, sau đó ông Thìn lắp đặt phần mái tôn lấn chiếm sang nhà ông hơn 10cm. Còn gia đình ông Thắng xây dựng tường bê tông thu nước (tầng 2) lấn chiếm sang nhà ông 3cm. Vì vậy, mỗi khi trời mưa làm nước chảy qua nhà ông gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Cuộc tranh cãi “nảy lửa” giữa những người hàng xóm láng giềng hôm đó mỗi lúc càng gay gắt. Từng xăng-ti-mét đất, từng giọt nước mưa, họ đều kể chi li, tỉ mỉ để phản pháo lẫn nhau, không ai chịu nhường ai. Đáng nói trước đó, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của 2 nguyên đơn. Không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm, sau đó ông Thìn và ông Thắng tiếp tục kháng cáo vụ việc lên tòa cấp phúc thẩm.
Tuy nhiên, sau khi xem xét hồ sơ và dữ liệu đo đạc, thẩm định thực tế của cơ quan có thẩm quyền, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, các nguyên đơn và bị đơn đều được cấp quyền sử dụng đất từ những năm 1990 và đã sử dụng xây dựng làm nhà ở, hàng rào ổn định trong thời gian dài. Từ đó đến nay, hiện trạng sử dụng đất vẫn giữ nguyên và không có tranh chấp. Qua kết quả đo đạc của cơ quan chuyên môn, phần diện tích tranh chấp giữa các gia đình là rất nhỏ, do thiết bị đo đạc không thể nhận diện được phần diện tích tranh chấp.
Hơn nữa, trên phần diện tích tranh chấp của các gia đình đã xây dựng nhiều công trình đan xen, như: Be nhà, tai be, ô văng cửa sổ tầng 1, tầng 2, trụ bọc ống nước, phần lồi tủ bếp, hàng rào, trụ cổng, phần lồi ô cầu thang… nên việc đo đạc, xác minh gặp nhiều khó khăn không thể thực hiện chính xác. Vì vậy, HĐXX phúc thẩm xét thấy không có cơ sở chấp nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn và quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Một vị thẩm phán tham gia HĐXX tại phiên tòa lắc đầu ngao ngán bảo rằng, giọt nước mưa vô tình của trời nào có tội tình gì. Tất cả chỉ tại con người “ăn ở” với nhau cả mà thôi.
Lê Thy
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.