(QBĐT) - Bám sát các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh và Sở Tư pháp, Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) sớm xây dựng và. thực hiện các chương trình, kế hoạch triển khai công tác PBGDPL hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn của ngành và địa phương.
Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Quốc Phong cho biết, trên lĩnh vực tuyên truyền, PBGDPL, sở đã ban hành 39 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức chuyên môn, đơn vị trực thuộc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các văn bản pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành cũng như người dân.
Thời gian qua, Sở VH-TT tổ chức được 17 lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) liên quan đến lĩnh vực VH-TT cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
![]() |
Cụ thể: 2 lớp tập huấn văn hóa cơ sở cho 321 công chức văn hóa xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố; 1 lớp trao truyền kỹ năng hát tuồng bội cho 58 học viên thôn Khương Hà, xã Hưng Trạch (Bố Trạch); 1 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ truyền dạy văn hóa phi vật thể cho đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều xã Trường Xuân (Quảng Ninh); 1 lớp tập huấn công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho 30 đoàn viên các xã, thị trấn huyện Bố Trạch; 1 lớp tập huấn văn hóa phi vật thể đàn và hát dân ca tại xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới); 1 lớp tập huấn về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho công chức văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; 1 lớp tập huấn công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS-MN); 1 lớp tập huấn tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản văn hóa truyền thống của ĐBDTTS-MN gắn với phát triển du lịch; 2 lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về di sản văn hóa phi vật thể của ĐBDTTS-MN tại 2 xã Kim Thủy (Lệ Thủy), Hóa Sơn (Minh Hóa); 5 lớp tập huấn xây dựng câu lạc bộ văn hóa dân gian di sản văn hóa phi vật thể của ĐBDTTS-MN tại 5 xã: Thượng Hóa, Thượng Trạch, Lâm Hóa, Lâm Thủy, Trọng Hóa...
Ngoài ra, đơn vị còn chú trọng hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển vào hoạt động tuyên truyền, PBGDPL của cơ quan, đơn vị đến công chức, viên chức, người lao động, qua đó, từng bước thay đổi thói quen từ khai thác, sử dụng văn bản QPPL riêng lẻ sang khai thác, sử dụng Bộ pháp điển và phát huy hiệu quả của Bộ pháp điển như là một trong những công cụ hữu hiệu, hỗ trợ giải quyết công việc thường xuyên, hàng ngày.
Theo đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL ngành VH-TT-DL giai đoạn 2022-2026” của Bộ VH-TT-DL thì mục tiêu đến năm 2026, 100% văn bản QPPL ngành VH-TT-DL được xây dựng kế hoạch truyền thông đồng thời với kế hoạch xây dựng văn bản; 95% chính sách có tác động lớn đến xã hội, vấn đề dư luận xã hội quan tâm thuộc ngành VH-TT-DL được chủ động truyền thông chính sách định hướng dư luận xã hội; 100% các lĩnh vực ngành VH-TT-DL có báo cáo viên cấp Trung ương và 80% có báo cáo viên cấp tỉnh; 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành VH-TT-DL được PBGDPL nắm và hiểu các quy định pháp luật; 90% các nhóm đối tượng đặc thù, người dân vùng ĐBDTTS-MN, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân được PBGDPL về lĩnh vực VH-TT-DL. |
Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra là bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật, PBGDPL; tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất chính sách, xây dựng văn bản QPPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm, tăng cường dân chủ, phát huy quyền con người, quyền công dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Thực hiện đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL ngành VH-TT-DL đoạn 2022-2026” theo Quyết định số 3853/QĐ-BVHTTDL của Bộ VH-TT-DL, Sở VH-TT đã ban hành Kế hoạch số 287/KH-SVHTT để triển khai.
Theo ông Hà Quốc Phong, Sở VH-TT tập trung thực hiện đề án gồm các nội dung trọng tâm: Đổi mới công tác PBGDPL ngành VH-TT; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy đặc thù, lợi thế của ngành; nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL gắn với kết quả thi hành pháp luật, hướng về cơ sở, lấy người dân làm trung tâm; thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp, kiện toàn nhân sự, bố trí nguồn lực và phối hợp lồng ghép nguồn lực bảo đảm công tác PBGDPL của ngành.