Vì sao tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ngày càng phức tạp?-Bài 2: Vô tình "sập bẫy" hay tại lòng tham?
07:08, 21/08/2024
(QBĐT) - Trong khi tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) liên quan đến tài chính, ngân hàng (TC, NH) ngày càng diễn biến phức tạp, câu hỏi đặt ra là vì sao nhiều nạn nhân trong những vụ án này lại dễ dàng “sập bẫy” lừa đảo đến vậy? Phải chăng, đó chỉ là sự vô tình hay tại lòng tham dẫn lối?
Sau hơn 3 năm đưa ra xét xử đối tượng LĐCĐTS Dương Minh Phú, ông L.T.P. ở huyện Bố Trạch vẫn chưa được đối tượng lừa đảo bồi thường thiệt hại. Theo bản án của Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng, Dương Minh Phú buộc phải bồi thường cho ông P. khoản tiền 290 triệu đồng.
Theo hồ sơ, khoảng đầu tháng 2/2020, ông L.T.P. đến Phòng Giao dịch Bố Trạch, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam-Chi nhánh Quảng Bình gặp Dương Minh Phú để làm thủ tục vay vốn số tiền 700 triệu đồng. Phú là người trực tiếp hướng dẫn và giúp ông P. làm các thủ tục để vay vốn. Tuy nhiên, do cần tiền để chơi chứng khoán, trong quá trình làm thủ tục, Phú nâng khống hồ sơ vay vốn của ông P. thêm 800 triệu đồng. Phú cũng là người trực tiếp xuống bộ phận giao dịch khách hàng, yêu cầu giao dịch viên giải ngân và nhận thay ông P. số tiền 1,5 tỷ đồng.
Sau khi nhận được tiền, Phú giao cho ông P. số tiền 700 triệu đồng, số tiền còn lại Phú chiếm đoạt. Chưa dừng lại ở đó, từ tháng 5-6/2020, khi ông P. nhờ Phú trả nợ vay số tiền 350 triệu đồng, Phú đề nghị ông P. nộp vào các tài khoản do mình yêu cầu nhằm mục đích chiếm đoạt để sử dụng vào việc cá nhân.
Sau gần 11 năm bỏ trốn, đối tượng Võ Như Vũ mới bị bắt và đưa ra xét xử.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông L.T.P. cho biết, trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, gia đình Dương Minh Phú đã trả cho ông số tiền 60 triệu đồng. Số tiền còn lại 290 triệu đồng, suốt hơn 3 năm nay, ông vẫn chưa nhận được đồng nào. Gia đình ông và gia đình Phú vốn là chỗ quen biết, hơn nữa Phú là học trò của ông nên ông rất tin tưởng. Ngày đến ngân hàng vay tiền, ông được Phú hướng dẫn tận tình làm hồ sơ. Phú còn trực tiếp đưa ông đi công chứng các thủ tục liên quan.
Sau đó, Phú đưa cho ông một tập hồ sơ dày cộp, bảo ông ký vào. Cứ như vậy, Phú chỉ vào đâu, ông ký ở đấy mà không hề đọc. Sau này, ông mới biết, trong hồ sơ đó có các thủ tục bất hợp pháp, tạo điều kiện để Phú thực hiện hành vi LĐCĐTS. Đáng nói trong vụ việc này, hàng chục người dân cũng bị Phú thực hiện các hành vi tương tự.
Khi đối tượng LĐCĐTS Võ Như Vũ bỏ trốn bặt tin tức hơn 10 năm, bà L.T.Đ. (hơn 70 tuổi, ở huyện Lệ Thủy), gần như không còn hy vọng lấy lại được tiền. Bà L.T.Đ. nhớ lại, bà từng có thời gian làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn tín dụng của thôn nên quen biết Vũ. Lúc đó, thỉnh thoảng, Vũ đang cần tiền và hỏi mượn tiền của bà để kinh doanh. Vì biết gia đình bà đều là nông dân, số tiền có được bà tiết kiệm để dưỡng già, chứ đâu có nhiều nhặn gì nên Vũ nói mượn 3 ngày là đúng y hẹn 3 ngày sau mang đến trả.
Cứ như vậy, Vũ mượn của bà khi vài ba triệu đồng, khi hơn chục triệu đồng. Bà cho Vũ mượn tiền là vì tình cảm chứ không vì điều gì khác. Chỉ khi số tiền mượn ngày càng nhiều hơn, Vũ có gửi cho bà một ít tiền lãi để bà yên tâm. Cho đến trước khi biết tin Vũ bỏ trốn, bà đã cho Vũ mượn hơn 150 triệu đồng. Đến nay, khi Vũ ở trong tù hơn 1 năm, bà vẫn chưa lấy được số tiền của mình...
“Tiền mất, tật mang”
Quá trình tìm hiểu các vụ án liên quan đến lĩnh vực TC, NH, chúng tôi biết được, không phải ngẫu nhiên, những người bị hại này trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo. Từ ngày biết tin Võ Như Vũ, đối tượng phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “LĐCĐTS” bỏ trốn, suốt hơn 10 năm qua, bà T.T.Đ. (ở huyện Lệ Thủy) nghĩ rằng không còn cơ hội lấy lại được tiền.
Năm 2022, nghe tin Vũ bị bắt, bà Đ. khấp khởi mừng vui với hy vọng có thể vớt vát được ít tiền để trả nợ. Tiếp xúc với chúng tôi, bà Đ. kể, số bà vẫn may mắn vì tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, Vũ đều thừa nhận vay của bà số tiền hơn 2,9 tỷ đồng. Thế nhưng, từ khi Vũ bị tuyên phạt hơn 12 năm tù giam đến nay, bà Đ. vẫn chưa nhận được khoản bồi thường nào trong số tiền hơn 2,9 tỷ đồng. Đáng nói, trong số tiền hơn 2,9 tỷ đồng này có một phần do bà Đ. huy động của người khác.
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nguyễn Thái Bình cho biết, chính lòng tham của nhiều người đã “tiếp tay” cho những đối tượng lừa đảo thực hiện hành vi phạm tội. Thực tế, có nhiều vụ án, sau khi đối tượng phạm tội bị đưa ra xét xử và bản án có hiệu lực pháp luật, những người bị hại cũng khó có cơ hội nhận lại được số tiền bị chiếm đoạt. Trong khi đó, chính những nạn nhân này vẫn phải chịu trách nhiệm với những khoản tiền mà người khác góp vốn cho mình, vì đã huy động vốn cho đối tượng lừa đảo vay mượn tiền.
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2010-2011, bà Đ. cho Võ Như Vũ vay số tiền nói trên với mức lãi suất thỏa thuận từ 4.000 đồng đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương đương từ 146%-182,5%/năm. Trong khi đó, theo quy định, lãi suất vay tiền do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản”, tức là không quá 13,5%/năm. Nếu đối chiếu với Điều 163, Bộ luật Hình sự năm 1999, hành vi của bà Đ. đủ yếu tố cấu thành tội “Cho vay lãi nặng”. Tuy nhiên, thời điểm xảy ra sự việc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nên bà Đ. may mắn không bị xem xét xử lý hình sự.
Theo Chánh tòa Hình sự (Tòa án nhân dân tỉnh) Nguyễn Xuân Diệu, phần lớn các vụ việc LĐCĐTS liên quan đến lĩnh vực TC, NH xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua đều để lại hậu quả rất lớn và kéo dài, bởi số tiền đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng. Hầu hết các đối tượng đều lợi dụng lòng tin và đánh trúng vào lòng tham của nạn nhân để kêu gọi góp vốn, huy động vốn vào các khoản đầu tư hấp dẫn, “béo bở”, với lời hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao, hưởng tiền chênh lệch lớn. Khi vụ việc bị vỡ lở, chính những bị hại là người gánh chịu hậu quả cuối cùng và nhiều nạn nhân rất khó và gần như không có khả năng để lấy lại tiền vì đối tượng lừa đảo đã mất hoàn toàn khả năng thanh toán.
(QBĐT) - Liên quan đến vụ việc thi hành án "tồn đọng" hơn 10 năm, sáng nay, 21/8, Chi cục Thi hành án dân sự TX. Ba Đồn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức cưỡng chế thành công, bảo đảm an toàn, đúng quy định để giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.