Vì sao tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ngày càng phức tạp?-Bài 1: Thủ đoạn dẫn dụ lừa đảo ngày càng tinh vi

  • 06:08, 20/08/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Những năm gần đây, tình hình tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng (TC, NH) ngày càng diễn biến phức tạp về tính chất, quy mô và thủ đoạn. Các đối tượng phạm tội sử dụng muôn vàn thủ đoạn để dẫn dụ “khách hàng” góp tiền, góp vốn. Còn bị hại, chỉ vì những lời hứa về khoản tiền lãi chênh lệch đã dốc tiền, đổ của vào những canh bạc đầu tư tưởng như “béo bở” này.

Nhiều vụ án trong lĩnh vực TC, NH xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua gióng lên hồi chuông cảnh báo về loại tội phạm này. Đáng nói, đối tượng phạm tội có cả những người làm việc trong các tổ chức TC, NH. Đặc biệt, có nhiều vụ án, đối tượng người nước ngoài cấu kết với các đối tượng ở trong nước để thực hiện hành vi phạm tội.

Nhân viên ngân hàng trở thành kẻ “lừa đảo”

Những năm gần đây, thỉnh thoảng, dư luận trên địa bàn tỉnh xôn xao về một vụ vỡ nợ và kẻ lừa đảo “ôm nợ” hàng chục tỷ đồng bỏ trốn. Trong đó, không ít đối tượng lừa đảo là nhân viên của các NH thương mại hoặc mạo danh nhân viên NH để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS).

Giữa năm 2020, dư luận trên địa bàn huyện Bố Trạch xôn xao trước vụ việc Dương Minh Phú (SN 1988, trú tại xã Hải Phú), nhân viên Phòng Giao dịch Bố Trạch, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam-Chi nhánh Quảng Bình LĐCĐTS và bỏ trốn. Do không có tiền trả nợ và đầu tư chứng khoán, Dương Minh Phú nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền thông qua việc nâng khống số tiền vay của khách hàng cao hơn số tiền thực tế cần vay để chiếm đoạt.

Khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn của khách hàng, nhận thấy nhu cầu vay thực tế thấp hơn so với giá trị tài sản thế chấp, Phú đã làm hồ sơ vay theo mức tối đa của tài sản thế chấp. Trong quá trình hướng dẫn, lập hồ sơ, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và sự tin tưởng của khách hàng, Phú yêu cầu khách hàng ký vào các hợp đồng vay vốn; ký khống vào ủy nhiệm chi, giấy rút tiền mặt chưa lập nội dung. Sau khi hoàn thành hồ sơ, Phú trực tiếp nhận tiền vay ở bộ phận giao dịch và chuyển cho khách hàng số tiền họ cần rút, số tiền còn lại Phú sử dụng vào mục đích cá nhân, như: Đáo hạn, trả lãi các khoản vay của khách hàng, trả nợ và đầu tư chứng khoán... Với những thủ đoạn trên, từ tháng 6/2019-5/2020, Phú lập khống, nâng khống số tiền vay của 23 cá nhân trên địa bàn huyện Bố Trạch để chiếm đoạt số tiền 31 tỷ đồng.

Nhóm đối tượng người nước ngoài LĐCĐTS trên không gian mạng bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Nhóm đối tượng người nước ngoài LĐCĐTS trên không gian mạng bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Năm 2023, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt Võ Như Vũ (SN 1985, ở phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới) 12,6 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và 2 năm tù về tội “LĐCĐTS”. Đáng nói, thời gian thực hiện hành vi phạm tội, Vũ đang là nhân viên tín dụng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lệ Thủy. Theo hồ sơ vụ việc, từ năm 2010-2011, Vũ được giao nhiệm vụ phụ trách các xã Kim Thủy, Mỹ Thủy, Mai Thủy, Thái Thủy, Ngư Thủy Trung (nay là xã Ngư Thủy) và Hoa Thủy.

Thời gian này, nhiều người dân trên địa bàn tin tưởng gửi tiền cho Vũ nhờ nộp vào NH để trả nợ các khoản vay. Thế nhưng, sau khi nhận tiền, Vũ không nộp vào NH mà chiếm đoạt. Ngoài ra, Vũ còn vay, mượn tiền của nhiều người rồi hứa hẹn trả lãi theo thỏa thuận hẹn trong khoảng thời gian từ 3-7 ngày. Số nạn nhân của Vũ trong vụ “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” lên đến 18 người, với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 3,5 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, cùng thời gian trên, do làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, để có tiền trả nợ, Vũ còn đưa ra thông tin gian dối để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều trường hợp khác. Cụ thể, Vũ “tung tin” có nhiều khách hàng cần tiền để đáo hạn tại NH và nhận tiền của 6 trường hợp, với số tiền hơn 98 triệu đồng. Do không có khả năng trả lại tiền cho các bị hại, sau khi chiếm đoạt tài sản, Vũ bỏ trốn khỏi địa phương. Đến giữa tháng 7/2022, Vũ bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt tạm giam.

Mới đây, dư luận trên địa bàn TP. Đồng Hới rộ lên thông tin một cựu nhân viên NH “ôm” hàng trăm tỷ đồng của nhiều người, bỏ trốn khỏi địa phương. Sau khi vào cuộc xác minh, điều tra, lực lượng chức năng đã ra lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở và tạm giữ đối với Hoàng Thị Ngọc Thúy (SN 1988, phường Nam Lý) và Lê Thị Thanh Thủy (SN 1987, phường Đồng Hải) cùng trú tại TP. Đồng Hới để làm rõ hành vi LĐCĐTS. Kết quả xác minh ban đầu cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, 2 người phụ nữ trên đã đưa ra thông tin có nhiều mối quan hệ thân thiết với cán bộ, lãnh đạo của nhiều NH trên địa bàn tỉnh, để huy động hàng trăm tỷ đồng của nhiều người và trả lãi suất cao để đáo nợ NH. Tổng số tiền Thúy và Thủy huy động được trên 100 tỷ đồng.

Lừa đảo đầu tư tài chính trên không gian mạng

Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, cơ quan Cảnh sát điều tra và cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh đã khởi tố điều tra 80 vụ/117 bị can liên quan đến lĩnh vực TC, NH, trong đó có 5 bị can là cán bộ làm việc tại các NH trên địa bàn tỉnh. Trong số các vụ việc đã khởi tố điều tra có 28 vụ/53 bị can phạm tội LĐCĐTS trên không gian mạng. Ngoài ra, hành vi LĐCĐTS (10 vụ/12 bị can), lạm dụng tín nhiệm CĐTS (2 vụ/2 bị can), làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức (2 vụ/2 bị can), “tín dụng đen” (35 vụ/38 bị can), rửa tiền (2 vụ/7 bị can), đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (1 vụ/3 bị can).

Theo số liệu thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, từ năm 2020 đến nay, số lượng vụ án LĐCĐTS xảy ra ngày càng tăng, trong đó, nhiều vụ án LĐCĐTS liên quan đến lĩnh vực TC, NH. Cụ thể: Năm 2020, cơ quan chức năng đã truy tố, xét xử 14 vụ/15 bị can phạm tội LĐCĐTS; năm 2021: 23 vụ/29 bị can; năm 2022: 26 vụ/30 bị can; năm 2023: 37 vụ/ 43 bị can, 6 tháng đầu năm 2024: 15/20 bị can.

Điển hình, năm 2022, Công an tỉnh đấu tranh chuyên án hoạt động thu thập, mua bán 17 triệu dữ liệu cá nhân và LĐCĐTS trên không gian mạng. Theo đó, đối tượng Nguyễn Thành Nhân và Mạch Thị Mỹ đã thu thập, truy cập trái phép vào tài khoản của Công ty tín dụng FE Credit để thu thập trái phép thông tin khách hàng. Từ dữ liệu thu được, các đối tượng đã sử dụng để LĐCĐTS khách hàng có nhu cầu vay và rao bán dữ liệu cá nhân trên không gian mạng nhằm thu lợi bất chính.

Năm 2023, Công an tỉnh tiếp tục phá thành công chuyên án đấu tranh, khởi tố 12 đối tượng hoạt động LĐCĐTS trên không gian mạng bằng hình thức đầu tư TC. Các đối tượng người nước ngoài cấu kết, thuê người Việt Nam sang hoạt động Campuchia và lợi dụng không gian mạng để kêu gọi, giới thiệu, dẫn dụ người dân tham gia đầu tư TC. Các đối tượng đã thuê, mua, tạo lập hàng trăm tài khoản NH không chính chủ để nhận và trung chuyển dòng tiền lừa đảo và rửa tiền.

Theo Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nguyễn Thái Bình, những đối tượng phạm tội nói trên thường che giấu hành vi vi phạm rất tinh vi để qua mắt các cơ quan chức năng. Đối với nhóm đối tượng làm việc trong các tổ chức TC, NH phạm tội do thiếu trách nhiệm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái, LĐCĐTS, sử dụng trái phép các dịch vụ của NH, tạo dựng hồ sơ, giấy tờ giả, chữ ký khống, làm giả giấy tờ thế chấp để lập hồ sơ vay khống, nhằm chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, thời gian gần đây, cơ quan chức năng phát hiện, điều tra nhiều vụ án tội phạm lừa đảo đầu tư TC trên không gian mạng. Các đối tượng này là người nước ngoài cấu kết với các đối tượng ở trong nước để thực hiện hành vi phạm tội. Do quá trình thực hiện hành vi phạm tội, chúng đặt hệ thống máy chủ ở nước ngoài nên việc phát hiện, điều tra gặp rất nhiều khó khăn. Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực TC, NH tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là loại tội phạm lừa đảo đầu tư TC trên không gian mạng.
Dương Công Hợp
 
>>> Bài 2: Vô tình “sập bẫy” hay tại lòng tham?

tin liên quan

Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024
Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024

Một số điểm mới đáng chú ý của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 27/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Pháp luật và cuộc sống: Nguy hiểm từ việc "độ" đèn ô tô
Pháp luật và cuộc sống: Nguy hiểm từ việc "độ" đèn ô tô

Thời gian qua, tình trạng xe ô tô "độ" đèn (lắp đặt các loại đèn không đúng thiết kế với cường độ sáng vượt tiêu chuẩn) lưu thông trên đường diễn ra khá phổ biến. Việc "độ" đèn xe diễn ra với nhiều hình thức, phổ biến nhất là "độ" đèn pha siêu sáng.

Khởi tố một giám đốc doanh nghiệp về hành vi trốn thuế
Khởi tố một giám đốc doanh nghiệp về hành vi trốn thuế

(QBĐT) - Ngày 16/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đồng Hới cho biết vừa tống đạt các quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thi hành lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam một giám đốc doanh nghiệp về hành vi trốn thuế.