(QBĐT) - Những bản di chúc, hợp đồng cho tặng tài sản thừa kế được lập ra là để phòng xa cảnh “nồi da xáo thịt”. Thế nhưng oái oăm thay, cũng chính từ đây, khiếu kiện tranh chấp tài sản giữa những người thân trong gia đình vẫn tiếp tục xảy ra.
1. Có đến 4 người con (2 gái, 2 trai), nhưng ông Tuấn chỉ muốn sống cùng Dương, đứa cháu đích tôn. Tin tưởng, yêu thương cháu đến mức, ông đã lập hợp đồng cho tặng Dương toàn bộ diện tích 150m2 đất của mình. Những tưởng, ông đã sắp đặt mọi chuyện hợp tình hợp lý đâu vào đấy và chỉ sớm hôm sum vầy, an hưởng tuổi già bên con cháu. Thế nhưng, một thời gian sau, chuyện ông không mong muốn đã xảy ra.
Chị Toàn và anh Huệ, 2 người con của ông khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố vô hiệu hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất của ông đã lập cho Dương và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử đất này. Người bị kiện không ai khác chính là ông Tuấn. Điều ngạc nhiên nữa, ông chính là người đầu tiên nhất trí với nội dung khởi kiện.
Đứng trước tòa, ông Tuấn cho biết, qua tìm hiểu các quy định của pháp luật, ông thấy việc lập hợp đồng tặng cho anh Dương toàn bộ diện tích đất nhưng không có sự nhất trí của các con là chưa đúng quy định của pháp luật và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các con trong gia đình. Cũng chính vì điều đó mà suốt thời gian qua, gia đình ông xảy ra nhiều mâu thuẫn.
Ông Tuấn kể, khi vợ ông mất (năm 2003 và không để lại di chúc-P.V), ông đã nghĩ tài sản chung của ông bà là của mình và ông có quyền quyết định toàn bộ tài sản đó. Vì vậy, ông đã lập hợp đồng tặng cho người cháu đích tôn của mình mà không bàn bạc với những người con khác. Ông cương quyết đến mức, trước lúc lập hợp đồng, có người con biết chuyện đã khuyên ông nên họp gia đình để hỏi ý kiến của những người anh chị em khác, nhưng ông đã bỏ ngoài tai. Lúc đó, ông Tuấn cho rằng, mình là cha nên không cần phải hỏi ý kiến ai cả.
![]() |
Phiên tòa hôm đó diễn ra khá căng thẳng, không phải vì cuộc tranh cãi giữa nguyên đơn và bị đơn, mà giữa những người có liên quan. Một bên nhất quyết đòi vô hiệu hóa hợp đồng, để chia lại đất cho ông. Một bên kiên quyết không chịu chia tài sản. Còn Dương, người cháu được hưởng toàn bộ tài sản của ông Tuấn nhất mực không chấp nhận nội dung đơn khởi kiện và không nhất trí trả lại đất. Anh cho rằng, trước lúc qua đời, bà nội có nói sau này cho anh diện tích đất nói trên. Và việc ông nội lập hợp đồng tặng thửa đất nói trên chính là thực hiện di nguyện của bà.
Sau khi nghe vị chủ tọa phiên tòa tuyên bố, việc ông Tuấn lập hợp đồng tặng cho anh Dương toàn bộ thửa đất đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các đồng thừa kế khác và hợp đồng này bị vô hiệu. Điều đó đồng nghĩa với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Dương sẽ bị hủy. Ông Tuấn mới thở phào bảo, gần 70 tuổi đời, ông quá hiểu đạo lý, tuổi cao, sức yếu, người già chỉ trông mong vào sự chăm sóc, nuôi dưỡng của con cháu. Và khi quyết định cho Dương thửa đất nói trên, ông cũng đã ngầm ý gửi gắm trách nhiệm đó cho cháu, bởi ông sống cùng nhà với Dương.
Thế nhưng, từ khi được chuyển nhượng thửa đất, đứa cháu đích tôn mà ông hằng thương yêu, trao gửi niềm tin lại “trở mặt” không có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc ông. Chính vì không chấp nhận sự ngỗ ngược của đứa cháu, mà anh Toàn, chị Huệ đã khởi kiện ra tòa.
2. Gần kết thúc phiên tòa phúc thẩm, sự mệt mỏi trên gương mặt bà Thiết càng lộ rõ. Bà bị ông Tâm, người anh cùng cha khác mẹ khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế. Càng đau đớn hơn khi ông Tâm không thừa nhận là bà con riêng của cụ An (cũng là ba của ông Tâm-P.V).
Suốt mấy chục năm trước, vì ông Tâm lập gia đình và định cư ở xa, nên bà là người đảm nhận việc chăm sóc cho cha mẹ già. Mặc dù bà là con riêng của cụ An, nhưng từ nhỏ, bà được cụ Trang (mẹ đẻ của ông Tâm) nuôi nấng, chăm sóc. Công sinh không bằng công dưỡng, sau khi cụ An mất, bà Thiết tiếp tục chăm sóc, phụng dưỡng cụ Trang cho đến cuối đời. Có lẽ, chính tấm lòng hiếu thảo của bà Thiết đã khiến cụ Trang tin tưởng, thương yêu như con ruột của mình.
Năm 1999, lúc còn khỏe mạnh và minh mẫn, cụ Trang có lập bản cam kết thay cho di chúc thừa kế với nội dung (do chính tay ông Tâm viết-P.V), để lại thừa kế toàn bộ diện tích đất và nhà ở cho bà Thiết, với điều kiện, sau khi cụ qua đời, bà Thiết mới được hưởng toàn bộ di sản thừa kế. Cả ông Tâm và bà Thiết đã chứng kiến và ký tên vào bản cam kết, có công an xã xác nhận. Cuối năm 2002, trong lúc hấp hối, cụ Trang tiếp tục lập di chúc thừa kế cho bà Thiết ngôi nhà và thửa đất của cụ, với điều kiện sau này cho anh Việt (con bà Thiết) để chăm nom và thờ cúng cho hai cụ. Cụ Trang chỉ yêu cầu anh Việt không được bán đất. Bản di chúc này cũng có sự chứng kiến của ông Tâm, bà Thiết và được công an xã ký xác nhận.
Mọi chuyện chỉ bắt đầu xảy ra khi, ông Tâm về thăm quê và biết được anh Việt đã tháo dỡ toàn bộ ngôi nhà ba gian là kỷ vật của cha mẹ mình, để xây dựng ngôi nhà mới. Cho rằng việc làm này của anh Việt trái với nội dung di chúc năm 2002, ông Tâm có đơn yêu cầu tòa án chia di sản thừa kế. Mà bà nào có tham lam gì, chính ông Tâm là người chứng kiến và ký vào 2 bản di chúc do cụ Trang lập ra. Tòa sơ thẩm đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Tâm và chia cho ông được sở hữu 203m2 trong tổng số gần 800m2 đất di sản thừa kế.
Không bằng lòng với quyết định của tòa, ông Tâm tiếp tục kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và đề nghị tòa chia di sản thừa kế thành hai phần bằng nhau. Hội đồng xét xử hôm ấy cho rằng, đối chiếu theo các quy định của pháp luật, bản di chúc năm 2002 không bảo đảm quy định và không hợp pháp. Còn bản di chúc lập năm 1999 được lập lúc cụ Trang còn minh mẫn, sáng suốt và hình thức không trái quy định của pháp luật nên được xem là di chúc hợp pháp, mặc dù cả 2 văn bản nói trên đều thể hiện ý chí của cụ Trang.
Thời điểm lập 2 văn bản này, ông Tâm là người đã trực tiếp ký và tự nguyện không hưởng di sản thừa kế của cha mẹ để lại. Hơn nữa, căn cứ các quy định, thời hiệu yêu cầu quyền thừa kế của ông Tâm đã hết kể từ thời điểm mở thừa kế (10 năm). Vì vậy, việc khởi kiện của ông Tâm yêu cầu được hưởng một nửa di sản thừa kế là không có căn cứ.
Thế nhưng, phút cuối cùng đứng trước hội đồng xét xử, bà Thiết đã tự nguyện giao cho ông Tâm 203m2 đất. Bà bảo: “Thôi thì giọt máu đào hơn ao nước lã. Nhường nhịn để cho yên nhà, yên cửa. Dù gì, ông Tâm cũng là con trai muốn gìn giữ nơi thờ tự, đất hương hỏa cho cha mẹ, ông bà tổ tiên cũng là điều hợp lẽ”.
Lê Thy
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.