Khó khăn trong đấu tranh với hành vi vi phạm thương mại điện tử

  • 06:08, 12/08/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sử dụng các trang mạng xã hội, như: Facebook, zalo, instagram hay tiktok… để kinh doanh hàng hóa (KDHH) là xu thế đang được nhiều người lựa chọn hiện nay. Môi trường kinh doanh này đang đối diện với nhiều vấn đề khó khăn trong công tác kiểm soát chất lượng, giá cả hàng hóa và xử lý vi phạm trong kinh doanh.
 
Hệ lụy của sự phát triển ồ ạt
 
Thời đại công nghệ, thương mại điện tử (TMĐT) bùng nổ và mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng (NTD) lẫn các chủ kinh doanh. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt kéo theo nhiều hành vi gian lận thương mại, gây không ít thiệt hại cho NTD thông qua hình thức mua bán này.
 
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, nhu cầu mua sắm trực tuyến của NTD ngày càng tăng cao. Nhiều đối tượng đã sử dụng sàn giao dịch TMĐT, các trang mạng xã hội để kinh doanh hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng nhập lậu… Bám sát chỉ đạo của Tổng cục QLTT, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thời gian qua, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội chủ động nắm tình hình về đối tượng, địa bàn; rà soát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động TMĐT của các tổ chức, cá nhân; kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực TMĐT.
Hàng hóa vi phạm được phát hiện tập trung vào nhóm sản phẩm thời trang.
Hàng hóa vi phạm được phát hiện tập trung vào nhóm sản phẩm thời trang.
Riêng trong tháng 5/2024, Đội QLTT số 7 đã kiểm tra 5 cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Đồng Hới, huyện Bố Trạch và TX. Ba Đồn, xử lý 10 hành vi vi phạm trong lĩnh vực TMĐT và KDHH giả mạo nhãn hiệu với tổng số tiền phạt trên 226 triệu đồng; buộc tiêu hủy tang vật vi phạm trị giá hơn 200 triệu đồng. Các cơ sở kinh doanh này bày bán hàng hóa các loại, gồm: 737 đơn vị sản phẩm áo quần, giày thể thao, trang sức giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam, như: Nike, Adidas, Prada, Chanel, Gucci, Louis Vuitton, Burberry… Đồng thời, tất cả các cửa hàng trên đều lợi dụng TMĐT (đăng tải bài viết trên mạng xã hội facebook) để KDHH, là hành vi bị cấm trong TMĐT.
 
Vào ngày 3/7/2024, Đội QLTT số 4 kiểm tra đột xuất và phát hiện Công ty CP kết nối Đại Phát (thôn Tân Tiến, xã Hóa Tiến, Minh Hóa) đang KDHH trên website TMĐT bán hàng https://dienthoaipro.com/ do ông Đặng Huy, Giám đốc công ty là chủ sở hữu. Trên website có giỏ hàng và có chức năng đặt hàng trực tuyến nhưng chưa thực hiện thông báo với Bộ Công thương theo quy định. Công ty đã bị xử phạt 30 triệu đồng về hành vi không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng.
 
Trước đó, Đội QLTT số 1 cũng lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt Công ty TNHH dịch vụ công nghệ kỹ thuật Hoàng Phát (phường Đức Ninh Đông, TP. Đồng Hới), có website TMĐT https://hoangphathtb.com/ về hành vi không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền với số tiền 30 triệu đồng.
 
Bằng các biện pháp nghiệp vụ QLTT, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra 20 vụ việc, phát hiện và xử lý 20 vụ vi phạm trong hoạt động TMĐT. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 500 triệu đồng, giá trị tang vật vi phạm trên 380 triệu đồng. Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực TMĐT được phát hiện trên địa bàn tỉnh chủ yếu, gồm: KDHH xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet; không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng; KDHH không rõ nguồn gốc, xuất xứ; KDHH nhập lậu; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu… Hàng hóa vi phạm được phát hiện tập trung vào nhóm sản phẩm thời trang (giày, áo, quần, túi xách…); trang sức; phụ kiện điện thoại…
Lực lượng QLTT kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh.
Lực lượng QLTT kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh.
 
Nhiều khó khăn, vướng mắc trong kiểm tra, kiểm soát
 
Theo Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Vũ Quang Thắng: Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được thì thực tế hoạt động kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực TMĐT còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai. Hiện nay, các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng lập và sử dụng nhiều tài khoản khác nhau để thực hiện việc KDHH trên các nền tảng mạng xã hội, như: Zalo, facebook, tiktok... Các hành động này gây khó khăn cho lực lượng QLTT trong công tác xác minh địa điểm, kho hàng... Đa số đối tượng kinh doanh không có địa điểm và kho hàng cố định mà chỉ thông qua các website, trang mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng, giao hàng qua các đơn vị chuyển phát hoặc các shipper và thanh toán trực tiếp hoặc chuyển khoản theo thỏa thuận. Một số đối tượng có địa điểm kinh doanh và kho hàng ngoài địa bàn tỉnh. Hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian…
 
Ngoài hoạt động mua bán trên mạng xã hội và các sàn TMĐT, nhiều tổ chức, cá nhân đã thiết lập website để quảng bá và giao dịch trên các website này. Song việc quản lý đối với loại hình này cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, bởi đối tượng thực hiện khóa website, cho website ngừng hoạt động khi lực lượng QLTT đang tiến hành kiểm tra; một số đối tượng cố tình không thừa nhận mình là chủ sở hữu website hoặc việc lập website là do nhân viên của mình tự ý làm không liên quan đến chủ cơ sở...
 
Mặt khác, công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng trong công tác thẩm tra xác minh; kiểm tra, xử lý vi phạm có lúc, có nơi còn chưa kịp thời và đồng bộ.
 
Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Vũ Quang Thắng khẳng định: Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường TMĐT là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng QLTT. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT chủ động nắm tình hình về đối tượng, địa bàn; rà soát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động TMĐT của các tổ chức, cá nhân; kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng lợi dụng các website, ứng dụng TMĐT để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Nhiều cơ sở kinh doanh không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Nhiều cơ sở kinh doanh không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 319/QĐ-TTg, ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án về chống hàng giả và bảo vệ NTD trong TMĐT đến năm 2025 và kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh; công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trên môi trường TMĐT cũng sẽ được tăng cường. Tất cả các giải pháp nhằm góp phần lành mạnh hóa hoạt động TMĐT, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính cũng như quyền lợi chính đáng của NTD.
 
“Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường TMĐT là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng QLTT”, ông Vũ Quang Thắng khẳng định.

Hương Lê

 

tin liên quan

Nhận diện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán
Nhận diện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán

Ở nước ta, các hành vi gian lận trên thị trường chứng khoán nói chung, thao túng thị trường chứng khoán nói riêng là các hành vi có thể bị xử lý hình sự với mức án cao nhất với cá nhân là 7 năm tù.

Vụ án liên quan đến Cục Đăng kiểm Việt Nam: Cựu Giám đốc trung tâm đăng kiểm phạm tội vì "quá tự tin"
Vụ án liên quan đến Cục Đăng kiểm Việt Nam: Cựu Giám đốc trung tâm đăng kiểm phạm tội vì "quá tự tin"

Ngày 9/8, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm, Chi cục Đăng kiểm địa phương, với phần tranh luận của các luật sư bào chữa cho các bị cáo thuộc nhóm Trung tâm đăng kiểm khối V, Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Sau những bản di chúc
Sau những bản di chúc

(QBĐT) - Những bản di chúc, hợp đồng cho tặng tài sản thừa kế được lập ra là để phòng xa cảnh "nồi da xáo thịt".