Kiên quyết xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật về đê điều

  • 06:06, 21/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực đê điều, UBND tỉnh và các ngành, đơn vị chức năng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý đê điều trên địa bàn tỉnh.
 
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều vẫn diễn ra và chưa được xử lý triệt để tại nhiều địa phương. Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.
 
Thực trạng và nguyên nhân
 
Ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết: Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đê điều của tỉnh cơ bản đáp ứng công tác quản lý và bảo vệ đê điều. Sở NN-PTNT cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thành phố, thị xã có đê thực hiện, tuân thủ pháp luật về quản lý đê điều. Tuy nhiên, việc thực hiện pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh tại nhiều địa phương chưa nghiêm.
 
Cụ thể, tại một số địa phương, công tác quản lý đê điều chưa được quan tâm đúng mức nên chưa phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm đê điều đã được chỉ rõ, cũng như có kết luận thanh tra còn chậm, thiếu kiên quyết; chưa có biện pháp ngăn chặn xử lý kịp thời các vụ vi phạm phạm vi bảo vệ đê điều... Việc này đã gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của các tuyến sông có đê.
 
Theo số liệu thống kê từ Sở NN-PTNT, qua công tác kiểm tra, rà soát toàn tỉnh cho thấy, hiện còn có 38 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê điều đã được thống kê và có các kết luận của thanh tra gồm 34 hộ gia đình và 4 doanh nghiệp. Cụ thể, tại huyện Quảng Trạch có 4 hộ gia đình, 1 doanh nghiệp; huyện Bố Trạch 5 hộ gia đình; huyện Quảng Ninh 15 hộ gia đình; TX. Ba Đồn có 10 hộ gia đình và 3 doanh nghiệp. Các hành vi vi phạm chủ yếu, như: Xây dựng công trình phụ, làm lều quán, xây kho đựng vật liệu, làm bãi tập kết vật liệu, xây dựng nhà, xưởng đóng tàu trong phạm vi bảo vệ đê điều.
 
Đáng nói, ngoài 38 trường hợp vi phạm trên, còn có 7 nhà hàng nổi, khu dịch vụ neo đậu vào các tuyến đê, kè khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng. Tại TX. Ba Đồn có một nhà hàng ở tuyến đê tả Gianh; TP. Đồng Hới có một nhà hàng ở tuyến đê tả Lệ Kỳ và 4 nhà hàng ở tuyến đê Nhật Lệ-Bàu Tró; huyện Quảng Ninh có một nhà hàng ở tuyến đê tả Nhật Lệ.
 
Huyện Quảng Ninh hiện là địa phương có nhiều trường hợp vi phạm nhất trong tỉnh (15 trường hợp). Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho hay: Đa số các trường hợp vi phạm về đê điều đều tồn tại từ lâu, phần lớn liên quan đến sinh kế của người dân và nhiều trường hợp họ làm chủ yếu trên phần đất của mình cạnh đê... Vì vậy, nhiều trường hợp người vi phạm không hợp tác, không tiến hành giải tỏa như cam kết... nên mặc dù địa phương đã triển khai thực hiện xử lý nhiều lần nhưng kết quả đưa lại còn rất thấp.
 
Thực trạng ở huyện Quảng Ninh cũng là thực trạng chung ở các địa phương khác còn lại trong tỉnh, nên công tác xử lý những trường hợp vi phạm đê điều còn gặp nhiều khó khăn và tỷ lệ số vụ xử lý/số vụ vi phạm được phát hiện còn thấp. Trong 38 trường hợp vi phạm nêu trên, đến nay, các địa phương đã xử lý tháo dỡ, giải tỏa được 5 trường hợp (huyện Quảng Trạch 1, Bố Trạch 3, TX. Ba Đồn 1) và 1 trường hợp mới tháo dỡ một phần ở huyện Quảng Ninh; 1 trường hợp đã được UBND tỉnh cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều; các trường hợp còn lại (28 hộ gia đình và 1 doanh nghiệp) đến nay vẫn chưa chấp hành tháo dỡ, giải tỏa.
 
Theo ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, nguyên nhân vi phạm hành lang bảo vệ đê điều xuất phát trước hết từ công tác quản lý, bảo vệ đê điều của nhiều địa phương chưa thực sự được quan tâm, chú trọng; việc xử lý vi phạm chưa kịp thời, triệt để, dây dưa kéo dài dẫn đến tình trạng vi phạm ngày càng phức tạp, khó xử lý. Đa số các xã, phường có đê đến nay vẫn chưa thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân theo quy định tại Quyết định số 1381/QĐ-UBND, ngày 16/6/2011 của UBND tỉnh, nên việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi, việc làm vi phạm đến đê điều chưa kịp thời. Nhiều nơi chưa thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê điều (hiện mới cắm mốc được 6/20 tuyến đê). Bên cạnh đó, điều đáng nói là nhận thức, hiểu biết về pháp luật đối với đê điều của nhiều người dân còn hạn chế.
Một bãi tập kết cát trái phép vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn xã Hàm Ninh (Quảng Ninh).
Một bãi tập kết cát trái phép vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn xã Hàm Ninh (Quảng Ninh).
Thực hiện túc các quy định của pháp luật
 
Trước vấn đề trên, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn công trình đê điều, mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản số 996/UBND-KT chỉ đạo các địa phương xử lý các hành vi, hoạt động vi phạm hành lang bảo vệ đê điều.  
 
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc Luật Đê điều, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và các quy định pháp luật có liên quan cũng như các quyết định, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về lĩnh vực này; tăng cường công tác quyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đê điều.
 
UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật các vụ vi phạm tồn đọng. Đặc biệt, tập trung xử lý triệt để các trường hợp vi phạm đê, kè đã được Sở NN-PTNT kiểm tra, thanh tra và đề nghị xử lý; kiên quyết xử lý, thu hồi theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với diện tích đất bãi sông, trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật. Giao Sở Tài nguyên-Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát, sỏi gây mất an toàn đê điều, ảnh hưởng thoát lũ của các tuyến sông có đê; không tham mưu giao đất, cho thuê đất trong phạm vi bảo vệ đê điều.
 
Ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, hiện Sở NN-PTNT đang cùng các địa phương, đơn vị tiếp tục kiểm tra, giám sát và tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân vi phạm chấp hành các quyết định xử phạt, tiến hành tháo dỡ, khôi phục hiện trạng các tuyến đê...
 
Bùi Thành
 
 
 

tin liên quan

Tập huấn nghiệp vụ cho một số chức danh bổ trợ tư pháp
Tập huấn nghiệp vụ cho một số chức danh bổ trợ tư pháp

(QBĐT) - Ngày 21/6, Sở Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho một số chức danh bổ trợ tư pháp năm 2023.

Công an TP. Đồng Hới bắt đối tượng gây ra 10 vụ trộm cắp tài sản
Công an TP. Đồng Hới bắt đối tượng gây ra 10 vụ trộm cắp tài sản

(QBĐT) - Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đồng Hới vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Đào Văn Bảo (SN. 1991, trú thôn Trung Nghĩa 6, xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới) về hành vi trộm cắp tài sản.

Khởi tố giám đốc doanh nghiệp trốn thuế
Khởi tố giám đốc doanh nghiệp trốn thuế

(QBĐT) - Ngày 20/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Nguyễn Khánh Tùng (SN. 1971, trú tổ dân phố Cầu, phường Quảng Phong, TX. Ba Đồn) về hành vi "trốn thuế" xảy ra tại Công ty TNHH Tùng Cát (thôn Trường Xuân, xã Phù Hóa, Quảng Trạch).