Gian nan cuộc chiến chống hàng giả mạo nhãn hiệu

  • 06:06, 24/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mặc dù các lực lượng chức năng Quảng Bình thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm nhưng hàng hóa giả mạo nhãn hiệu vẫn xuất hiện nhiều trên thị trường hiện nay, đặc biệt đối với thương mại điện tử (TMĐT).
 
Đủ loại hàng giả
 
Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang là một trong những hình thức gian lận thương mại phổ biến không chỉ ở Quảng Bình mà ở hầu hết các tỉnh, thành khác trên toàn quốc. Nguyên nhân chính do bộ phận người tiêu dùng còn dễ "bằng lòng" với hàng hóa giả mạo, có tâm lý thích mua hàng hiệu giá rẻ, từ đó đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng có cơ hội sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
 
Dạo quanh một vòng tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Đồng Hới, không khó để tìm thấy các hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, nhất là nhóm sản phẩm thời trang, như: Áo quần may sẵn, ví da, giày dép, mũ, túi xách, đồng hồ, nước hoa…
 
Trong vai người mua hàng, chúng tôi hỏi sản phẩm nước hoa tại một cửa hàng ở chợ Đồng Hới, chủ cửa hàng giới thiệu đủ loại nước hoa của Chanel, Gucci, Versace... Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi giá thì được chủ cửa hàng thừa nhận là hàng "fake" nhưng vẫn khen là mùi thơm không khác gì hàng thật. Qua cửa hàng giày dép, túi xách, đồng hồ, hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu, như: Chanel, Dior, Adidas... cũng được bày bán công khai, người tiêu dùng thích loại nào cũng có, hàng giả mạo nhãn hiệu nhưng giá cũng khác nhau, tùy vào chất lượng sản phẩm.
 
Không chỉ các chợ truyền thống, tại các cửa hàng kinh doanh trên những cung đường của TP. Đồng Hới cũng không khó tìm các sản phẩm thời trang giả mạo nhãn hiệu. Sản phẩm càng giống với hàng chính hãng thì giá càng cao, có thể trên dưới 1 triệu đồng/sản phẩm, còn lại chủ yếu ở mức giá từ 200-500 nghìn đồng.
 
"Hàng chính hãng của các sản phẩm này có giá tiền triệu, thậm chí là hàng chục, hàng trăm triệu đồng nên với mức giá chúng tôi bán, khách hàng khi mua chắc hẳn cũng biết đó không phải là hàng thật", chị T. chủ một cửa hàng bán giày dép cho hay.
 
Để ngăn chặn các hành vi vi phạm về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm nhiều vụ vi phạm. Điển hình, ngày 16/5/2023, Đội QLTT số 2 kiểm tra phát hiện cửa hàng ông Nguyễn Sỹ Hùng, ở chợ Mai, xã Hưng Thủy (Lệ Thủy) trưng bày để bán 88 đơn vị sản phẩm áo, quần các loại giả mạo nhãn hiệu Adidas, Gucci, Burberry đang được bảo hộ tại Việt Nam.
 
Theo đó, Cục QLTT đã ban hành quyết định xử phạt hành chính về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu với số tiền 16 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm có trị giá 19,6 triệu đồng.
 
Trước đó, ngày 8/5/2023, Đội QLTT số 7 cũng đã phát hiện một xe ô tô vận chuyển 2.350 cái mũ rộng vành, mũ lưỡi trai các loại gắn các nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam, như: Christian Dior, Chanel, Gucci…có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Cục QLTT đã xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ hàng hóa với số tiền 27,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm có trị giá 39,8 triệu đồng.
Lực lượng QLTT kiểm tra và xử lý một cửa hàng vi phạm về giả mạo nhãn hiệu.
Lực lượng QLTT kiểm tra và xử lý một cửa hàng vi phạm về giả mạo nhãn hiệu.
Nhiều khó khăn trong công tác xử lý
 
Mặc dù lực lượng chức năng đã thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm nếu có hành vi vi phạm nhưng công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của lực lượng QLTT vẫn còn nhiều khó khăn, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
 
Trong đó, phương thức thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng giả mạo nhãn hiệu ngày càng tinh vi; cơ chế thực thi còn chồng chéo và chưa được đồng bộ; nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng chưa được nâng cao, sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi còn hạn chế…
 
Đặc biệt, những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động kinh doanh TMĐT, bên cạnh mặt tích cực, tiện lợi thì hoạt động này có nhiều đặc thù tạo kẻ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng, như: Người mua và người bán không gặp mặt trực tiếp mà chỉ giao tiếp qua môi trường mạng và chủ yếu trên cơ sở niềm tin và cảm tính; một số đối tượng khi quảng bá sản phẩm thì dùng hình ảnh và thông tin của hàng thật nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng giả mạo nhãn hiệu mà bản thân khách hàng cũng khó phát hiện...
 
Bà Bùi Thị Tuyết, phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới) cho biết: "Hiện nay, chỉ cần lên mạng internet thì hàng gì cũng có, nhưng phải mua các cửa hàng uy tín, bởi tôi đã nhiều lần mua phải hàng giả mạo. Đơn cử như gần đây, tôi có mua 1 chai nước hoa nhãn hiệu Chanel, thấy sản phẩm ghi giá 3,4 triệu đồng/chai 100ml nhưng sale chỉ còn 1,8 triệu đồng nên tôi nghĩ cửa hàng đang có chương trình khuyến mại, lướt thấy các bình luận của khách hàng là hàng chất lượng, hàng tốt nên tôi quyết định mua. Tuy nhiên, khi nhận hàng, sử dụng mới biết là hàng giả mạo nhãn hiệu, giá thì quá đắt, tôi liên hệ lại thì bị chặn facebook".
 
Cục trưởng Cục QLTT Vũ Quang Thắng cho biết: Để công tác đấu tranh phòng, chống sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thời gian tới đạt được hiệu quả cao hơn nữa, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, nhà sản xuất và người tiêu dùng.
 
Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; nhà sản xuất cần chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trong xử lý các vụ việc vi phạm cũng như tuyên truyền cho người tiêu dùng cách nhận diện hàng thật, hàng giả; người tiêu dùng cần tỉnh táo trong việc lựa chọn mua và sử dụng các sản phẩm chính hãng, chất lượng tốt hoặc lựa chọn các cơ sở bán hàng có uy tín, chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng…
 
Đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các đội tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, theo dõi tình hình, diễn biến thị trường, rà soát những đối tượng kinh doanh về phương thức, thủ đoạn, địa điểm cất giấu tang vật vi phạm, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin để kịp thời phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; làm tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng, chống vi phạm, tái phạm về hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh; tiếp tục duy trì hoạt động đường dây nóng số 1800.558873 của Cục QLTT để nhận thông tin phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm pháp luật và xử lý thông tin kịp thời…
 
6 tháng năm 2023, Cục QLTT đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 31 vụ việc vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; xử phạt vi phạm hành chính trên 470 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 406 triệu đồng.
 Thanh Hoa
 

tin liên quan

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng cảnh sát nhân dân
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng cảnh sát nhân dân

(QBĐT) - Ngày 23/6, Công an tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 02/CT-BCA-C41 của Bộ trưởng Bộ Công an về tập trung chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng cảnh sát nhân dân trong tình hình mới.

Hơn 312 kg heroin và 1,6 tấn ma túy tổng hợp bị thu giữ trong 6 tháng đầu năm 2023
Hơn 312 kg heroin và 1,6 tấn ma túy tổng hợp bị thu giữ trong 6 tháng đầu năm 2023

(QBĐT) - Ngày 22-6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an tổ chức Hội nghị thông tin tới các cơ quan báo chí về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì hội nghị.

Ngăn chặn vận chuyển trái phép gia cầm vào Việt Nam tại các đầu mối giao thông
Ngăn chặn vận chuyển trái phép gia cầm vào Việt Nam tại các đầu mối giao thông

(QBĐT) - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ vừa ký công văn số 6450/BGTVT-VT gửi các đơn vị trong ngành về việc tăng cường kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.