Một số vướng mắc qua thực tiễn áp dụng pháp luật về thừa kế

  • 12:08, 22/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) được xem là văn bản pháp luật quy định khá chi tiết, cụ thể và đầy đủ về chế định thừa kế (TK). Theo đó, TK theo di chúc và TK theo pháp luật của công dân được bảo đảm hơn.
 
Về cơ bản các quy định của BLDS tương đối rõ ràng, đầy đủ và đã khắc phục được một số vướng mắc, hạn chế của BLDS năm 2005. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng những quy định này vào thực tiễn cũng như trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến TK vẫn còn gặp phải những vướng mắc nhất định qua các nội dung cụ thể sau:
 
Về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, ở khoản 3, Điều 615, BLDS quy định người được hưởng TK có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
 
Như vậy, luật chỉ quy định phần di sản TK đã chia ở thời điểm chia TK mà không quy định việc phát sinh hoa lợi, lợi tức từ di sản TK mà người TK đã nhận. Vậy, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại có được tính cả hoa lợi, lợi tức phát sinh từ phần di sản mà người TK đã nhận không? Trong nhiều trường hợp thì phần hoa lợi, lợi tức này có giá trị không nhỏ.
 
Về thời hiệu thừa kế, khoản 1, Điều 623, BLDS quy định: “Thời hiệu để người TK yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở TK. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người TK đang quản lý di sản đó”.
 
Luật không quy định hàng TK, trong trường hợp này người TK đang quản lý di sản có thể là ở hàng thứ nhất, hàng thứ hai hoặc hàng thứ ba. Trường hợp người TK đã quản lý di sản xấp xỉ 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản nhưng lại giao quyền quản lý di sản cho người TK khác (là đồng thừa kế) và người này chỉ mới đang quản lý di sản theo quy định thì họ được hưởng toàn bộ di sản TK.
 
Việc xem xét quyền lợi của người TK đã quản lý di sản trước đó không được đặt ra nên rõ ràng là không hợp lý và nếu các đồng TK không thỏa thuận được với nhau thì rất dễ xảy ra tranh chấp. 
 
Về di chúc miệng, theo Điều 629, BLDS, theo quan điểm cá nhân, quy định về di chúc miệng khó thực hiện trong thực tiễn, nhất là trong những trường hợp mà hai người làm chứng không thể ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ và trong thời hạn 5 ngày phải thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực. Người lập di chúc miệng thường là người đang ở trong tình trạng nguy kịch đến tính mạng như đang lâm bệnh nặng hoặc khi gặp hoạn nạn. Như vậy, di chúc miệng không đảm bảo về mặt hình thức và sẽ không được chấp nhận.
 
Người để lại di sản TK không thể thực hiện hoặc được thực hiện ý chí của họ bởi TK trong trường hợp này sẽ được thực hiện theo luật. Theo đó, luật cần cân nhắc thời hạn mà những người làm chứng có thể ghi chép chứng nhận, chứng thực cho phù hợp với thực tế cuộc sống.
 
Về hình thức của di chúc, khoản 3, Điều 631, BLDS quy định “Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc”.
 
Quy định này phù hợp với di chúc được lập thành văn bản do người để lại di chúc tự đánh máy, nhờ người đánh máy hoặc nhờ người khác viết hộ. Người để lại di chúc ký hoặc điểm chỉ vào từng trang để xác nhận đó là ý chí của họ. Tuy nhiên, di chúc bằng văn bản do chính người để lại di chúc viết vẫn phải ký tên, điểm chỉ trong từng trang di chúc là không cần thiết vì ý chí của họ đã thể hiện trên từng chữ của di chúc.
 
Thiết nghĩ, di chúc viết tay là di chúc có giá trị cao nhất, thể hiện đầy đủ, chính xác ý chí của người để lại di chúc. Nếu xác định di chúc là do chính người để lại di chúc viết ra và thể hiện được đó là ý chí của họ thì việc họ không ký trong từng trang hoặc quên không đánh số thứ tự cũng không ảnh hưởng đến ý chí của họ và di chúc đó phải được chấp nhận.
 
Thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, Điều 644, BLDS quy định: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con đã thành niên mà không có khả năng lao động vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người TK theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ trường hợp họ là người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng TK di sản theo quy định tại khoản 1, Điều 621 của BLDS.
 
Điều luật chỉ quy định mức tối thiểu mà những người đương nhiên được hưởng TK mà không quy định mức tối đa được hưởng là bao nhiêu. Quy định này có thể dẫn đến người đương nhiên được hưởng TK nhiều hơn người TK trong trường hợp chỉ có một suất TK duy nhất. Nếu điều luật quy định mức tối đa hoặc quy định không được nhiều hơn một suất TK thực tế được hưởng thì mới phù hợp.
 
Trên đây là một số vướng mắc qua thực tiễn áp dụng pháp luật về TK theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, rất mong nhận được các ý kiến trao đổi của bạn đọc.
 
Luật gia Từ Minh Liên

tin liên quan

Mâu thuẫn gia đình, con trai dùng dao chém và cắt cổ mẹ ruột
Mâu thuẫn gia đình, con trai dùng dao chém và cắt cổ mẹ ruột
(QBĐT) - Sáng 22-8, Công an huyện Tuyên Hóa đang tạm giữ hình sự đối tượng Đinh Cảnh Bình (SN 1990, trú tại thôn Đồng Sơn, xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa) về hành vi chém và cắt cổ mẹ đẻ của mình.
 
Tuyên Hóa: Nỗ lực đưa kiến thức pháp luật vào cuộc sống
Tuyên Hóa: Nỗ lực đưa kiến thức pháp luật vào cuộc sống

(QBĐT) - Những năm gần đây, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) luôn được cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể huyện Tuyên Hóa tích cực triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiệu quả. 

Xét xử phúc thẩm vụ án "Gây rối trật tự công cộng" xảy ra tại xã Ngư Thủy
Xét xử phúc thẩm vụ án "Gây rối trật tự công cộng" xảy ra tại xã Ngư Thủy

(QBĐT) - Chiều ngày 21-8, TAND tỉnh tiến hành phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử các bị cáo: Lê Văn Bình (SN 1964), Nguyễn Văn Quảng (SN 1968), Hoàng Hữu Hiện (SN 1969), Nguyễn Đình Hiệp (SN 1980), Nguyễn Văn Hòa (SN 1976), Nguyễn Thị Hóa (SN 1970) và Ngô Văn Hội (SN 1967), cùng trú tại xã Ngư Thủy Nam (nay là xã Ngư Thủy) phạm tội "Gây rối trật tự công cộng".