Cần có sự phối hợp kịp thời và thực hiện đồng bộ các giải pháp

  • 09:04, 25/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh nói chung và hoạt động khai thác cát sạn lòng sông nói riêng thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, hướng tới việc ngày càng bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần được kịp thời tháo gỡ.
 
Quyết liệt trong chỉ đạo, xử lý
 
Để ngày càng nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả nhà nước trong thực hiện công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản, nhất là lĩnh vực khai thác cát sỏi lòng sông, thời gian qua UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản và có những chỉ đạo cụ thể, quyết liệt đối với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương.
 
Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp chấn chỉnh hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông và ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.
 
Đáng chú ý là, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chức năng tập trung lực lượng đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác, kinh doanh cát, sỏi; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân, doanh nghiệp.
Nhiều bãi tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn đã được UBND huyện Quảng Ninh chỉ đạo lực lượng chức năng kiên quyết xử lý dứt điểm.
Nhiều bãi tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn đã được UBND huyện Quảng Ninh chỉ đạo lực lượng chức năng kiên quyết xử lý dứt điểm.
Đi liền đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đã được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Tập trung vào việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản, chấp hành các quy định trong giấy phép thăm dò khai thác chế biến khoáng sản, kiểm tra xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt về hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trái phép trên địa bàn; kiên quyết xử lý những bến bãi lập sai quy định để lợi dụng tiêu thụ cát, sỏi trái phép, không rõ nguồn gốc...
 
Năm 2019, các cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 381 trường hợp vi phạm với tổng số tiền  2,377 tỷ đồng. Riêng trong quý I-2020, Thanh tra Sở TNMT và UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt 5 tổ chức với tổng số tiền 164 triệu đồng. Nhờ đó, tình trạng hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông không có giấy phép (khai thác trái phép) đã giảm, các vi phạm đã được xử lý kịp thời, nghiêm minh.
 
Vẫn còn nhiều khó khăn
 
Ông Phạm Tiến Cảm, Chánh Thanh tra Sở TNMT cho biết: Hiện tại tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép xảy ra trên địa bàn tỉnh chỉ ở quy mô nhỏ của một số hộ gia đình, chủ yếu diễn ra vào ban đêm khi lực lượng chức năng không hoạt động tuần tra, kiểm tra và tập trung tại các khu vực chưa đưa vào quy hoạch khoáng sản của tỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã có nhiều nỗ lực, cố gắng. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu lực lượng, phương tiện.
 
Việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các trường hợp vi phạm nói trên mất rất nhiều thời gian, nhân lực và tốn kém kinh phí. Trong khi đó, kinh phí cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về khai thác cát, sỏi lòng sông, vận chuyển, mua bán khoáng sản trái phép là khá lớn và phải thường xuyên, liên tục, nhưng ngân sách địa phương còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu (nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác chưa được bố trí và quan tâm đầy đủ, do Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn định mức chi ngân sách cho công tác này).
 
Cũng theo ông Cảm, một vấn đề khó nữa là công tác quản lý cát, sỏi lòng sông, nhất là ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép không chỉ dừng lại ở các quy định của Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước mà còn là các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tàng trữ, mua bán, vận chuyển cát, sỏi trái phép và liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan khác có liên quan. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản về quản lý cát, sỏi lòng sông gắn với công tác bảo vệ lòng, bờ bãi sông nên trong quá trình thực hiện còn chồng chéo trách nhiệm giữa các ngành...
 
Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh chia sẻ: Theo quy định, hành vi vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng khoáng sản không có nguồn gốc được xử lý theo quy định về vi phạm trong lĩnh vực thương mại, không thuộc lĩnh vực TNMT. Vì vậy, thực tế hiện nay việc quản lý khai thác trái phép khoáng sản gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp vì các đối tượng khai thác trái phép lợi dụng quy định này để đối phó, khi kiểm tra phát hiện thì đối tượng dừng ngay hoạt động khai thác và di chuyển nên không đủ cơ sở để lập biên bản xử lý hành vi khai thác trái phép.
 
Mặt khác, theo quy định, UBND các cấp có trách nhiệm quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tài nguyên khoáng sản như cát, sỏi có điều kiện khai thác đơn giản nên việc quản lý, bảo vệ dù đã cố gắng nỗ lực rất nhiều, song rất khó khăn do địa bàn rộng và không đủ quyền hạn, phương tiện.
 
Trên địa bàn huyện Quảng Trạch, thời gian gần đây, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc quyết liệt hơn để tuần tra, kiểm tra, xử lý thường xuyên tình trạng khai thác, kinh doanh, vận chuyển, lập bến bãi cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn huyện. Đặc biệt, UBND huyện đã chỉ đạo các xã và các phòng, ban, đơn vị liên quan ra quân thành lập các đoàn kiểm tra để xử lý các vi phạm này. Tuy nhiên, vẫn chưa thể xử lý triệt để được ngay.
 
Ông Nguyễn Xuân Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho hay: Do các đối tượng khai thác cát sống tập trung chủ yếu hai bên bờ sông Gianh nên dù nhiều lần bị phát hiện, xử lý nhưng họ vẫn tiếp tục vi phạm. Bên cạnh đó, tuyến sông diễn ra hoạt động khai thác trái phép có trữ lượng cát lớn, địa hình thuận lợi, lại là địa bàn giáp ranh giữa huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn và huyện Tuyên Hóa, nên các đối tượng khai thác trái phép trên địa bàn hai huyện và thị xã thường tập trung về đây để hoạt động vào ban đêm, ngày nghỉ, vì vậy rất khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.
Quyết liệt lập lại trật tự, bước đầu huyện Quảng Trạch đã xử lý và dẹp bỏ được 3 bãi tập kết cát, sỏi hoạt động trái phép tồn tại khá lâu ở xã Cảnh Hóa.
Quyết liệt lập lại trật tự, bước đầu huyện Quảng Trạch đã xử lý và dẹp bỏ được 3 bãi tập kết cát, sỏi hoạt động trái phép tồn tại khá lâu ở xã Cảnh Hóa.
Cũng theo ông Đạt, đối với các bãi tập kết cát trái phép, đa số là người dân sống trên địa bàn, các đối tượng này không hoạt động trên một nguyên tắc nào cả. Nếu phát hiện có lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát thì các đối tượng lập tức dừng hoạt động nên rất khó khăn trong việc xử lý triệt để.
 
Bên cạnh đó, chế tài xử lý theo luật hiện hành chưa đủ để răn đe các đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, như: Chỉ tịch thu phương tiện khai thác khi khối lượng khoáng sản bị khai thác từ 50m3, nhưng đa số tàu thuyền trên địa bàn có khoang chứa dưới 50m3; chỉ có khoảng 3 tàu sắt có khoang chứa trên 50m3...; UBND huyện không có thẩm quyền và phương tiện để kiểm tra các tàu thuyền đăng ký đăng kiểm và hoạt động trên sông.
 
Đáng nói, việc tổ chức tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác trái phép trên địa bàn còn đơn lẻ, chưa có sự đồng bộ từ các ban, ngành cấp tỉnh và địa phương lân cận nên rất khó để kiểm soát tình hình.
 
Cần sự phối hợp chặt chẽ để thực hiện đồng bộ các giải pháp
 
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện các giải pháp, đó là: Đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản trên diện rộng, nhất là đối với người dân và doanh nghiệp ở các xã, phường thường xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép cát, sỏi.
 
Tiến hành rà soát lại tất cả các mỏ khoáng sản đã cấp phép, trong đó tập trung vào các mỏ cát, sỏi về quy trình cấp phép, đánh giá, kiểm soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về khoáng sản để làm cơ sở cho việc tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm; tăng cường chất lượng trong việc đánh giá trữ lượng và cấp phép khai thác, tham mưu UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông có thời hạn không quá 5 năm để hạn chế tối đa việc thất thoát tài nguyên.
 
Bên cạnh đó, phối hợp thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện việc kiểm tra khai thác, tập kết, kinh doanh vận chuyển cát, sỏi trái phép trên địa bàn. Tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện xử lý các hành vi vi phạm; xử lý nghiêm đối với các tàu thuyền không có đăng ký, đăng kiểm, không đủ điều kiện hoạt động tham gia giao thông đường thủy, đặc biệt là các tàu thuyền có hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông. Kiểm tra, quản lý nguồn gốc, chất lượng khoáng sản vận chuyển đi trên đường và tiêu thụ trên địa bàn. Thường xuyên giám sát các khu vực có nguy cơ xảy ra khai thác trái phép; công khai đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh từ cơ quan báo chí, tổ chức, cá nhân về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
 
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND tỉnh yêu cầu lập lực lượng thường trực, lập đường dây nóng, phân công lãnh đạo và cán bộ chuyên môn phụ trách địa bàn xã, đảm bảo việc tiếp nhận thông tin liên lạc thông suốt 24/24 giờ để kịp thời xử lý hoặc phối hợp xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
 
Chủ động triển khai phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường công tác phối hợp giữa các địa phương có chung đường địa giới hành chính trên sông và cửa biển trong quản lý khai thác, vận chuyển và sử dụng cát, sỏi nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng khai thác trái phép.
 
Đặc biệt, cần xử lý nghiêm và kịp thời trách nhiệm người đứng đầu UBND các xã để xảy ra tình trạng khai thác, lập bến bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi trái phép trên địa bàn trong thời gian dài...
                                                                                      Bùi Thành

tin liên quan

Lĩnh án 7 năm tù vì hành vi trộm cắp tài sản tại khu cách ly Covid-19
Lĩnh án 7 năm tù vì hành vi trộm cắp tài sản tại khu cách ly Covid-19
(QBĐT) - Ngày 24-4, TAND thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã đưa ra xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự đối với Nguyễn Hải Quân (SN 1993, trú thôn Bàng, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) về tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015.
 
Truy nã đặc biệt nguy hiểm đối tượng vận chuyển gần 250 kg ma túy đá
Truy nã đặc biệt nguy hiểm đối tượng vận chuyển gần 250 kg ma túy đá
(QBĐT) - Ngày 24-4-2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định khởi tố bị can và truy nã đặc biệt nguy hiểm đối với Và A Lử (tên gọi khác là Vàng A Lử, SN 1993, dân tộc H' Mông, nơi cư trú bản Na Ư, xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. 
 
Bắt đối tượng cầm đầu trong đường dây cho vay lãi nặng liên tỉnh
Bắt đối tượng cầm đầu trong đường dây cho vay lãi nặng liên tỉnh
(QBĐT) - Tiếp tục kế hoạch phá Chuyên án 919 –V, ngày 24-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trịnh Quang Anh (SN 1994, đăng ký HKTT tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội; cư trú tại chung cư Khang Nam, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, được quy định tại Khoản 2, Điều 201 Bộ luật Hình sự.