Tích cực trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

  • 08:03, 06/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xác định người khuyết tật (NKT) có khó khăn về tài chính là đối tượng được trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí theo quy định của Luật TGPL năm 2017, thời gian qua, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, góp phần giúp NKT nâng cao nhận thức về pháp luật, xóa bỏ rào cản về tinh thần, vươn lên hòa nhập cộng đồng...
 
Toàn tỉnh hiện có hơn 45.000 NKT (trong đó 19.881 NKT được hưởng chính sách bảo trợ xã hội), là đối tượng được TGPL miễn phí theo quy định của Luật TGPL năm 2017. Các dạng tật có số lượng cao nhất là khuyết tật về hệ vận động (8.080 người) và khuyết tật liên quan đến hệ thần kinh (3.957 người).
 
Nhìn chung, đại đa số NKT trên địa bàn tỉnh đều có hoàn cảnh khó khăn, không thể sống tự lập mà chủ yếu dựa vào gia đình, người thân, thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Đặc biệt, đối tượng này đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, giao tiếp, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, trình độ học vấn nhìn chung còn thấp... 
Một buổi TGPL liên quan đến NKT cho đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta.
Một buổi TGPL liên quan đến NKT cho đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta.
Năm 2019, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã tham mưu Sở Tư pháp trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND, ngày 25-1-2019 triển khai thực hiện chính sách TGPL cho NKT có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh. Việc làm này đã góp phần giúp NKT có khó khăn về tài chính từng bước nâng cao hiểu biết pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
 
Nhằm triển khai có hiệu quả các hoạt động TGPL cho NKT, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan và những tổ chức của NKT, tổ chức vì NKT (như: Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, Hội vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh, Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi các huyện, thị xã, thành phố, các Câu lạc bộ người khuyết tật cấp xã...) thực hiện tốt các kế hoạch của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh về TGPL cho NKT; quan tâm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách TGPL cho người NKT có khó khăn về tài chính ở cơ sở, vùng sâu xa, vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số, bãi ngang ven biển...
 
Trong năm 2019, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh và các chi nhánh trực thuộc đã thực hiện TGPL hoàn thành 253 vụ việc cho 253 người thuộc diện được TGPL (trong đó có 16 vụ việc TGPL cho 16 NKT), gồm: tư vấn pháp luật 3 vụ việc, tham gia tố tụng 11 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 2 vụ việc...
 
Đồng chí Nguyễn Bá Thành, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cho biết: Từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã phối hợp với Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, UBND các xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch), Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh), Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch) tổ chức 3 hội nghị truyền thông pháp luật về TGPL cho 176 hội viên là NKT tham gia. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật của 3 huyện, thị xã, thành phố (Lệ Thủy, Ba Đồn, Đồng Hới) tổ chức 3 hội nghị truyền thông pháp luật về TGPL cho 150 học viên là NKT tham gia.
 
Đặc biệt, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tổ chức "Hội nghị truyền thông pháp luật về Luật TGPL năm 2017 và các văn bản liên quan" tại 105 xã (trong đó 60 điểm là thôn, bản, xã nghèo, đặc biệt khó khăn và 45 xã không thuộc xã nghèo), thu hút trên 5.838 lượt người tham gia, trong đó có nhiều đối tượng là NKT; cấp phát miễn phí nhiều tờ rơi, tờ gấp, sách bỏ túi pháp luật cho người dân. 
Một hội nghị truyền thông pháp luật về TGPL cho NKT và trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh trong năm 2019.
Một hội nghị truyền thông pháp luật về TGPL cho NKT và trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh trong năm 2019.
Cùng với đó, Trung tâm đã lắp bảng thông tin, hộp tin về TGPL tại 100% trụ sở các tổ chức Hội NKT và cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố; thường xuyên kiểm tra, theo dõi để kịp thời thay thế các bảng thông tin, hộp tin về TGPL đã bị hư hỏng; cung cấp tài liệu pháp luật đầy đủ và danh sách, số điện thoại của trợ giúp viên pháp lý, luật sư; tiến hành biên soạn, in ấn và phát hành 26.700 sách pháp luật bỏ túi, sách hỏi đáp pháp luật, các loại tờ gấp pháp luật có nội dung phổ biến, truyền thông về quyền được TGPL và các quyền, nghĩa vụ khác của NKT có khó khăn về tài chính; quan tâm thực hiện tốt chuyên mục “Giải đáp pháp luật” trên Bản tin Tư pháp và Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp.
 
Bám sát nhiệm vụ do Sở Tư pháp chỉ đạo, năm 2019, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng cho hơn 100 người là đại diện lãnh đạo cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp, người tiến hành tố tụng 2 cấp, luật sư trên địa bàn tỉnh, trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên pháp lý. Bên cạnh đó, Trung tâm đã cử 102 lượt trợ giúp viên pháp lý, 34 lượt viên chức pháp lý tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn do Bộ Tư pháp, Cục TGPL, Sở Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền tổ chức.
 
Có thể nói, việc tiếp tục triển khai thực hiện đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 theo Quyết định 1019/QĐ-TTg, ngày 5-8-2012 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3040/QĐ-BTP, ngày 14-12-2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã giúp người được TGPL, đặc biệt là NKT có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh được tiếp cận các dịch vụ TGPL miễn phí khi có nhu cầu.
 
Nhờ đó, đã tác động mạnh mẽ đến đời sống pháp luật và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, góp phần bảo đảm công lý, công bằng xã hội, phòng ngừa và hạn chế tranh chấp, vi phạm pháp luật, đồng thời tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần xây dựng nông thôn mới.
 
Hoạt động này còn tạo cơ sở để các cấp chính quyền, cán bộ, nhân dân và toàn xã hội nhận thức đúng vai trò, vị trí và ý nghĩa của chính sách TGPL nói chung và TGPL cho người NKT có khó khăn về tài chính nói riêng. Qua đó, góp phần hỗ trợ NKT có khó khăn về tài chính phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân, vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế-xã hội...
Văn Minh

tin liên quan

Quản lý rừng trên giấy (?!)
Quản lý rừng trên giấy (?!)

(QBĐT) - Được giao quản lý trên 30.000ha rừng, bao gồm rừng tự nhiên, phòng hộ, rừng sản xuất, đất chưa có rừng... thuộc địa bàn các địa phương phía Bắc của tỉnh, thế nhưng, công ty B chưa làm tốt nhiệm vụ được giao.

Nhà mạng hướng dẫn khách hàng xử lý cuộc gọi lạ để tránh bị lừa đảo
Nhà mạng hướng dẫn khách hàng xử lý cuộc gọi lạ để tránh bị lừa đảo
Nhà mạng VinaPhone khuyến cáo các khách hàng nên cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn từ các đầu số lạ quốc tế gọi hoặc nháy máy, nhắn tin vào số điện thoại của mình.
 
Gia tăng tình trạng buôn lậu khẩu trang y tế qua biên giới Campuchia
Gia tăng tình trạng buôn lậu khẩu trang y tế qua biên giới Campuchia
Nhiều đối tượng buôn lậu chuyển hướng sang buôn lậu, vận chuyển các thiết bị y tế, cụ thể là khẩu trang y tế, qua biên giới Campuchia để kiếm lời.