(QBĐT) - Xác định công tác hòa giải ở cơ sở là nhiệm vụ vừa mang tính nhân văn, vừa mang tính pháp lý, là mắt xích quan trọng, xóa tan những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư..., thời gian qua, huyện Lệ Thủy đã xây dựng, duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của 225 tổ hòa giải tại 189 thôn, bản, tổ dân phố, với 1.327 hòa giải viên.
![]() |
Đồng chí Lê Thanh Nghị, Trưởng phòng Tư pháp huyện Lệ Thủy cho biết: Tất cả hòa giải viên trên địa bàn huyện đều được nhân dân bầu theo đúng quy định. Hiện nay, 100% thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện Lệ Thủy đều có tổ hòa giải, thậm chí có thôn xây dựng được 2-3 tổ. Các tổ hòa giải đều có sổ theo dõi hoạt động hòa giải cơ sở. Vụ việc hòa giải được cập nhật, ghi chép đầy đủ, rõ ràng. Việc lưu trữ hồ sơ hòa giải được thực hiện tốt. Thành phần tham gia vào các tổ hòa giải hầu hết đều có bí thư chi bộ, trưởng thôn trưởng các đoàn thể tại thôn, bản, tổ dân phố như phụ nữ, nông dân, người cao tuổi, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, người có uy tín trong cộng đồng dân cư...
Chính nhờ chú trọng xây dựng, duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải, trong năm 2019, toàn huyện đã hòa giải thành 162/191 vụ việc liên quan đến luật hôn nhân gia đình, tranh chấp đất đai, gây gổ đánh nhau...
Trong năm 2019 vừa qua, Phòng Tư pháp huyện Lệ Thủy đã phối hợp với Sở Tư pháp mở 1 lớp tập huấn về công tác hòa giải ở cơ sơ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và tập huấn nghiệp vụ cho trên 100 hòa giải viên ở địa bàn.
Nhờ vậy, công tác hòa giải ở cơ sở tại huyện Lệ Thủy kịp thời hoà giải được những tranh chấp, bất đồng ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, giải quyết dứt điểm mâu thuẫn, tranh chấp, xoá bỏ bất đồng, hận thù với nhau; cơ bản không để tranh chấp kéo dài, khó xử lý và không dẫn đến tình trạng khiếu kiện ra cơ quan nhà nước, khiếu kiện vượt cấp...
Văn Minh