(QBĐT) - Hết thời hạn điều tra nhưng chưa xác định được bị can, bị can bỏ trốn hoặc không xác định bị can đang ở đâu, đó là những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ án hình sự phải tạm đình chỉ (TĐC) điều tra. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để hạn chế tối đa các vụ án TĐC và phải kiểm soát các vụ án đã ra quyết định TĐC điều tra như thế nào?
Do hết thời hạn điều tra là chủ yếu
Sau 2 năm chờ đợi kết quả điều tra, đầu tháng 8-2019 gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ngày 23-9-2017 trên đường Nguyễn Thị Định (xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới) mới nhận được thông báo quyết định TĐC điều tra của Cơ quan điều tra (CQĐT), Công an TP. Đồng Hới, với lý do đã hết thời hạn điều tra, nhưng chưa xác định được bị can.
![]() |
Vụ tai nạn nói trên xảy ra vào lúc 21 giờ 15 phút ngày 23-9-2017 trên đường Nguyễn Thị Định. Nạn nhân là anh Ngô Huyền Trung Thiết (SN 1995, ở thôn Sa Động, xã Bảo Ninh).
Theo lời kể của anh Ngô Huyền Thao (anh trai của nạn nhân) và những người chứng kiến sự việc, thời điểm xảy ra vụ tai nạn, Ngô Huyền Trung Thiết đang điều khiển xe mô tô BKS 73B1-21179 chạy từ cầu Nhật Lệ 2 về thôn Sa Động. Khi xe đang chạy trên đường Nguyễn Thị Định thì bị xe mô tô của Đ. X. H chạy lấn đường khiến Thiết bị ngã.
Khi Thiết chuẩn bị đứng dậy thì bị xe mô tô của Đ. M. T điều khiển theo chiều ngược lại, từ thôn Sa Động đi thôn Trung Bính lao thẳng qua người. Vụ tai nạn khiến Thiết bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, sau đó được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế chữa trị gần 2 tháng.
Đến nay, sức khỏe của Thiết vẫn chưa bình phục, có nguy cơ trở thành người tàn phế. Từ khi xuất viện đến nay, Thiết vẫn nằm liệt giường, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người thân giúp đỡ. Theo kết quả giám định sức khỏe của Trung tâm giám định Y khoa-pháp y tỉnh, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra cho Ngô Huyền Trung Thiết là 98%.
“Hoàn cảnh gia đình anh em chúng tôi từ khi em trai bị tai nạn rất khó khăn. Bố mẹ không may mất sớm, nhà chỉ còn 3 anh em, (người em gái kế anh Ngô Huyền Thao đã lấy chồng). Trước đây, khi chưa xảy ra tai nạn, anh em tôi còn đi biển.
Giờ, em tôi đã như vậy, tôi vừa phải lo mưu sinh vừa lo chăm sóc em nằm liệt giường. Mà ở vùng quê biển này không đi biển, thì cũng chẳng còn việc gì khác. Mặc dù chưa rõ sự việc ra sao, nhưng từ khi Công an TP.Đồng Hới thụ lý giải quyết gia đình tôi luôn mong chờ kết quả điều tra cuối cùng, nhằm làm sáng tỏ vụ việc”, anh Ngô Huyền Thao mong muốn.
Mặc dù việc ra quyết định TĐC điều tra không phải là kết quả mong muốn của cơ quan chức năng và đây cũng chưa phải là “dấu chấm hết” trong việc giải quyết vụ án, nhưng điều này đồng nghĩa với việc người nhà nạn nhân vẫn phải tiếp tục chờ đợi và hi vọng. Đây chỉ là một trong những vụ án phải TĐC điều tra do chưa đủ căn cứ khởi tố để xử lý.
5 năm, không có vụ án TĐC được phục hồi điều tra
Theo số liệu của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, trong 5 năm (từ năm 2014 đến 2018), các CQĐT đã ra quyết định TĐC 249 vụ/84 bị can; VKSND 2 cấp trong tỉnh ra quyết định TĐC 7 vụ/10 bị can. Tất cả các vụ án TĐC đều bảo đảm đúng căn cứ pháp luật, không để xảy ra việc lạm dụng TĐC không đúng quy định.
VKSND 2 cấp cũng đã chủ động rà soát các vụ án TĐC còn tồn để kịp thời giải quyết đúng quy định của pháp luật. Qua rà soát tại đơn vị này cho thấy phần lớn các vụ án TĐC đều do hết thời hạn điều tra mà chưa xác định được bị can. Có một số vụ án TĐC do hết thời hạn điều tra mà bị can bỏ trốn, không biết bị can ở đâu. Điều đáng nói, cũng trong 5 năm qua, không có vụ án TĐC nào được phục hồi điều tra.
Bà Nguyễn Thị Vân, Phó phòng phụ trách Phòng án An ninh và ma túy (VKSND tỉnh) cho biết, công tác kiểm sát quản lý các vụ án hình sự TĐC ngày càng chặt chẽ hơn và thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, nhất là từ khi Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 có hiệu lực.
![]() |
Riêng việc kiểm sát, theo dõi các vụ án TĐC, Viện trưởng VKSND Tối cao cũng đã có Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 2-10-2017 về việc tăng cường trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong theo dõi, quản lý giải quyết các vụ án hình sự TĐC.
Những năm gần đây, số lượng các vụ án hình sự TĐC tồn đọng không tăng, mà chỉ phát sinh mới chủ yếu ở giai đoạn điều tra, do các yếu tố khách quan như: Không xác định được bị can, không biết bị can đang ở đâu và các chứng cứ không bảo đảm để truy tố. Đối với các vụ án TĐC do không biết bị can ở đâu, CQĐT cũng đã ra các quyết định truy nã theo quy định.
Trả lời về vấn đề liệu có tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm đối với các vụ án hình sự TĐC? Bà Nguyễn Thị Vân cho biết: Theo quy định, các cơ quan tố tụng sẽ tiến hành rà soát, theo dõi các vụ án đã ra quyết định TĐC và xác định xem vụ án nào đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án.
Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều vụ án TĐC gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết. Vì thời gian TĐC càng kéo dài, sẽ càng gặp nhiều khó khăn trong điều tra và càng khó phát hiện thêm căn cứ mới để phục hồi điều tra. Đối với các vụ án TĐC vì không biết bị can ở đâu, thì cũng còn phải chờ kết quả truy nã để xử lý.
Về các giải pháp nhằm hạn chế việc đưa ra quyết định TĐC và kiểm sát án TĐC để yêu cầu CQĐT phục hồi điều tra khi có bằng chứng pháp lý mới, bà Nguyễn Thị Vân cho rằng: Ngay từ đầu, CQĐT cần phải tập trung công tác điều tra, thu thập toàn bộ dấu vết, chứng cứ tội phạm, nhằm không để sót, lọt chứng cứ; kịp thời khoanh vùng đối tượng để phối hợp với chính quyền địa phương quản lý đối tượng, nhằm hạn chế việc đối tượng phạm tội bỏ trốn.
Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhằm giải quyết kịp thời vụ án khi có phát sinh các tình huống pháp lý, cũng là một trong những giải pháp góp phần hạn chế việc để án TĐC kéo dài, không bỏ lọt tội phạm.
Dương Công Hợp