(QBĐT) - Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt đang trở thành một vấn nạn nhức nhối trong đời sống xã hội, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, để ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi này không phải là chuyện dễ.
Theo báo cáo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng(tính từ tháng 8-2018 đến cuối tháng 7-2019), tình trạng tham nhũng ở một số lĩnh vực đã từng bước được kiềm chế; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp được kiểm soát.
Cho đến thời điểm này, UBND tỉnh chưa nhận được phản ánh nào của doanh nghiệp về tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp; trả tiền “bôi trơn” để được cấp phép đầu tư; “tiền hoa hồng” để có được hợp đồng của các cơ quan nhà nước; các khoản không chính thức để được thông quan sớm...
Do đó không có cán bộ bị xử lý kỷ luật vì có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tuy nhiên, trong thực tế, tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gợi ý, lót tay, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc vẫn còn diễn ra.
![]() |
Một số biểu hiện như “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau” vẫn có thể xảy ra nên cần được tăng cường ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu, đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa, quản lý doanh nghiệp nhà nước; tín dụng-ngân hàng...
Trên thực tế cho thấy, để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi này không phải là chuyện dễ, khi mà nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm của người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa cao; vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên suy thoái, có những hành vi nhũng nhiễu, có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng.
Đặc biệt, công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn là khâu yếu, chưa có giải pháp khắc phục. Thậm chí, có không ít đơn vị, địa phương chưa thật chủ động trong việc nắm bắt tình hình, phát hiện hành vi tham nhũng trong đơn vị, lĩnh vực, địa phương quản lý.
Phải chăng vì những nguyên nhân nói trên, nên đến nay chưa có đơn vị nào tự phát hiện được trường hợp vi phạm. Bởi hầu hết các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, sai phạm bị phát hiện và xử lý trong thời gian qua đều do người dân tố giác hoặc do thanh tra, kiểm tra phát hiện được.
Ông Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết, rất khó để phát hiện các hành nhũng nhiễu, tham nhũng vặt. Bởi, hơn ai hết chính người dân và doanh nghiệp là những người chịu tác động trực tiếp của những hành vi này. Nếu người dân, doanh nghiệp không phản ánh, tố giác thì cũng khó phát hiện.
Trong khi đó, chế tài phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng vặt, nhũng nhiễu hiện chưa được cụ thể hóa và chưa hoàn thiện. Ngoài ra, việc công khai, minh bạch trong hoạt động, triển khai các dự án, chương trình phát triển kinh tế-xã hội của các ban, ngành, địa phương chưa đi vào thực chất cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giám sát, kiểm tra của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN.
Muốn phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi này, theo ông Nguyễn Thanh Long, vấn đề mấu chốt chính là phải làm sao để nâng cao nhận thức và phát huy được vai trò phát hiện, phản ánh tiêu cực của người dân và doanh nghiệp. Ở góc độ quản lý nhà nước, một nhân tố rất quan trọng có vai trò quyết định đến hiệu quả của việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt đó chính là vai trò của người đứng đầu.
Nếu người đứng đầu không thực sự nêu gương, không gắn liền công tác quản lý chỉ đạo điều hành với hoạt động giám sát, kiểm tra, tự phát hiện và xử lý các hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng vặt ngay tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý, thì khó có thể ngăn chặn được các hành vi tiêu cực nêu trên.
Dương Công Hợp