(QBĐT) - Thời gian gần đây, tình trạng "lâm tặc" chống người thì hành công vụ đang diễn biến ngày càng phức tạp trên địa bàn tỉnh ta. Khi bị phát hiện, thay vì bỏ chạy như trước, giờ đây các đối tượng sẵn sàng chống trả quyết liệt khiến cuộc chiến giữ rừng của lực lượng Kiểm lâm ngày càng cam go, hiểm nguy... Không chỉ có những cánh rừng bị đốn hạ, tàn phá mà máu của cán bộ bảo vệ rừng cũng đang đổ xuống khi đối mặt với những kẻ phá rừng.
"Lâm tặc" ngày càng liều lĩnh
Mấy ngày sau vụ cán bộ kiểm lâm bị “lâm tặc” và một nhóm người vây đánh hội đồng vào ngày 15-11 dẫn đến trọng thương tại xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, anh Phạm Phong Phú (Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch) và Nguyễn Trung Nghĩa (cán bộ Đội Kiểm lâm Cơ động số 2) thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình vẫn chưa hết bàng hoàng.
![]() |
Anh Phú kể: Hôm đó, Tổ Kiểm lâm 3 người ngoài tôi và anh Nghĩa còn có ông Trương Khánh Bằng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa được phân công trực chốt tại xã Cao Quảng. Chúng tôi nhận được thông tin có một đối tượng chở một số lượng khung gỗ táu (thuộc nhóm II) trái phép sắp vận chuyển qua địa bàn.
Khoảng 30 phút sau, bắt gặp Nguyễn Văn Cường (SN 1989, ngụ xã Cao Quảng) điều khiển xe tải BKS: 73C - 011.52 có dấu hiệu nghi vấn nên chúng tôi ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, nhưng Cường chỉ vờ dừng xe rồi lợi dụng sơ hở rồ ga phóng chạy.
Khi lực lượng chức năng truy đuổi đến thôn Cao Cảnh (xã Cao Quảng), Cường cự tuyệt yêu cầu xuống xe làm việc với cơ quan chức năng, đồng thời gọi người thân và hô hoán người dân xung quanh đến bảo vệ mình, vu khống lực lượng Kiểm lâm “cướp gỗ”. Một lúc sau, một nhóm hơn 10 người tới, tay lăm lăm cầm gậy gộc đến đe dọa rồi lao vào đánh chửi các cán bộ kiểm lâm.
Trong lúc giằng co, Cường bị dính một viên đạn cao su vào đùi phải và bị thương phải vào Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu. Hai kiểm lâm viên là Phạm Phong Phú và Nguyễn Trung Nghĩa bị thương nặng nên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam Cu Ba - Đồng Hới.
Theo các bác sĩ tại bệnh viện, anh Nguyễn Trung Nghĩa được chẩn đoán chấn thương sọ não và đa chấn thương còn anh Phạm Phong Phú bị thâm bầm mắt và bị nhiều vết thương sau lưng.
Tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, tình trạng hành hung kiểm lâm cũng từng xảy ra. Cụ thể, ngày 21-9-2016, lực lượng Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng chốt chặn tại thôn Đa Năng (xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa) kiểm tra ô tô 16 chỗ do Đinh Minh Tưởng (trú bản Tăng Hóa) điều khiển, vận chuyển trái phép 20 hộp gỗ gội đi tiêu thụ. Bị phát hiện, Tưởng và một số đối tượng đe dọa, rồi dùng hung khí tấn công kiểm lâm khiến 2 kiểm lâm bị thương.
![]() |
Chưa dừng lại, nhóm này lái xe chở gỗ lậu đâm thẳng vào ô tô của kiểm lâm gây hư hỏng. Trong quá trình giằng co, một đối tượng khác là Đặng Quốc Thướng (trú thôn Đa Thịnh, xã Hóa Hợp) gọi người dân sống gần đó và nhiều đối tượng khác đến đe dọa, dàn hàng ngang khống chế kiểm lâm. Sau đó, các đối tượng bốc toàn bộ số gỗ rồi tẩu tán trước sự bất lực của các cơ quan chức năng.
Từng là nạn nhân trong một vụ bị “lâm tặc” tấn công, ông Dương Quyết Thắng, cán bộ kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng chia sẻ: “Mỗi khi phát hiện "lâm tặc" phá rừng, anh em chúng tôi không quản nguy hiểm cấp tốc đến xử lý. Nhưng "lâm tặc" ngày càng liều lĩnh, mang cả dao, kiếm đến đe dọa, hành hung anh em kiểm lâm nên chúng tôi rất lo lắng”.
Cũng theo nhiều cán bộ công tác lâu năm trong ngành Kiểm lâm, những năm gần đây tình trạng "lâm tặc" chống đối lực lượng chức năng ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Nhiều đối tượng vận chuyển gỗ trái phép khi bị phát hiện thay vì bỏ tang vật chạy lấy người như trước thì nay sẵn sàng tông thẳng xe hoặc cầm hung khí hành hung lực lượng chức năng.
Mới đây nhất, ngày 5-9-2018, đối tượng Phạm Xuân Ngư (ngụ xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa) một mình lái ô tô xông vào trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa gây gổ rồi đánh ông Nguyễn Thế Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện này nhập viện. Sau vụ việc, Công an huyện Tuyên Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngư về hành vi “Cố ý gây thương tích”.
Điều đáng nói là, cách đây hơn một năm (ngày 31-7-2017), Ngư chính là người từng dùng hung khí gồm đá và kiếm tấn công vào trụ sở Đội Kiểm lâm Cơ động và PCCCR số 2 và đã bị phạt hành chính hơn 8 triệu đồng.
Cần những giải pháp đồng bộ
Những người làm nhiệm vụ giữ rừng các huyện miền núi Tuyên Hóa, Minh Hóa hay VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, những nơi được xem là điểm nóng về tình trạng khai thác lâm sản trái phép nhiều năm qua luôn trong trạng thái lo lắng mỗi khi làm nhiệm vụ bởi "lâm tặc" ngày càng hung hãn, coi thường pháp luật.
Lý giải tình trạng "lâm tặc" tấn công, hành hung cán bộ kiểm lâm có xu thế ngày càng gia tăng, ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho biết, thời gian qua, lực lượng quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh vào cuộc rất quyết liệt nhằm ngăn chặn các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép.
Theo đó, nhiều chốt chặn tại cửa rừng được thành lập, duy trì việc tuần tra, kiểm soát. Lực lượng Kiểm lâm cũng đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào, đầu ra của các cơ sở chế biến, kiểm soát chặt chẽ lưu thông lâm sản trên từng địa bàn. Kiên quyết xử lý những cơ sở kinh doanh chế biến gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp, hoặc không có giấy phép hoạt động…
![]() |
Thế nhưng, công tác quản lý bảo vệ rừng càng quyết liệt hơn, bởi nhiều đối tượng tại các vùng cửa rừng vì hám lợi vẫn bất chấp nguy hiểm, chế tài của pháp luật, sẵn sàng đối đầu với lực lượng chức năng để khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ra khỏi rừng.
Cũng theo ông Thái, sau vụ cán bộ kiểm lâm bị hành hung khi đang làm nhiệm vụ tại xã Cao Quảng, lãnh đạo Chi cục đã có nhiều biện pháp tích cực để động viên tinh thần của cán bộ, nhân viên kiểm lâm làm nhiệm vụ. Đồng thời, Chi cục trang bị thêm nhiều công cụ hỗ trợ cho cán bộ kiểm lâm khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại các chốt cửa rừng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho họ.
Tuy nhiên, những giải pháp trên chỉ giải quyết tạm thời được phần "ngọn" của vấn đề trong thực trạng "lâm tặc" tấn công, hành hung kiểm lâm ngày càng diễn biến phức tạp. Và như vậy cũng đồng nghĩa với việc các cánh rừng vẫn đứng trước nguy cơ bị đốn hạ, tàn phá từng ngày.
Từ thực trạng đáng báo động trên, để ngăn chặn vấn đề này một cách hiệu quả, các địa phương và cơ quan chức năng phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn, cùng người dân sống ở vùng có rừng, các chủ rừng được giao khoán đất thống nhất biện pháp bảo vệ rừng.
Và mấu chốt quan trọng nhất, được xem là cái "gốc" của vấn đề, đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng liên quan trong việc nâng cao ý thức và tạo sinh kế cho người dân vùng có rừng một cách bền vững. Còn nếu không, rừng và người giữ rừng vẫn sẽ tiếp tục bị tàn phá, đổ máu...
“Việc điều tra xử lý, truy tố, xét xử đối với hành vi hủy hoại rừng và chống người thi hành công vụ còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, dẫn đến “lâm tặc” xem thường pháp luật, sức khỏe và tính mạng của lực lượng Kiểm lâm vẫn bị đe doạ", ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho hay. |
X.Phú