(QBĐT) - Bố Trạch là một trong những địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, bên cạnh việc đi theo con đường chính ngạch thì những năm gần đây, tình trạng người dân đi xuất khẩu lao động trái phép ngày càng gia tăng. Điều này đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối tại địa phương.
Huyện Bố Trạch hiện có gần 10.000 lao động hợp pháp tại các thị trường như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và một số nước Đông Âu... Mỗi năm, nguồn ngoại hối gửi về lên tới hàng chục triệu USD.
Nhờ xuất khẩu lao động mà nhiều gia đình trở nên khá giả, bộ mặt quê hương dần thay da đổi thịt. Song bên cạnh đó cũng có nhiều trường hợp gia đình ly tán, nhiều người trở thành tàn phế, thậm chí phải bỏ mạng nơi xứ người.
Đã hơn 1 năm nay chưa một giây phút nào chị Nguyễn Thị Len ở thôn Trung Duyệt, xã Phú Trạch quên đi nỗi đau đớn, dằn vặt vì mất con. Gia đình nghèo khó, bố mẹ bệnh tật, nên sau khi học xong cấp 3, người con trai đầu của chị là Cao Hữu Tình trốn sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp. Và rồi không may một tai nạn đã khiến em bỏ mạng nơi xứ người.
Thương con, gia đình phải cầm cố giấy tờ nhà đất, vay lãi nóng hơn 500 triệu đồng để mong đưa hài cốt của con về với đất mẹ. Đáng buồn hơn là khi trước đó, người em trai của Tình là Cao Hải Thành cũng sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp và đã bị mất tích hơn 2 năm nay, không biết sống chết ra sao.
Chị Nguyễn Thị Len nghẹn ngào: “Hai đứa con còn dại, cũng vì gia cảnh khốn khó mà phải đi chui sang Trung Quốc. Ngày đem nắm tro cốt Tình về thì trời mưa to gió lớn. Thương con, nỗi đau biết khi mô cho nguôi. Hết anh rồi đến em, giờ chồng tôi cũng phải qua đó tìm con(Hải Thành), mà tìm trong vô vọng.”
May mắn thoát chết sau vụ tai nạn lao động tại Trung Quốc, nhưng bị chấn thương sọ não, vỡ 1/3 hộp sọ khiến Đỗ Minh Hiển ở thôn Nam Sơn, xã Phú Trạch dù đã hơn 20 tuổi, nhưng chỉ như một đứa trẻ vừa mới lên ba ngây ngô, khờ khạo. Chứng động kinh, không làm chủ bản thân khiến cuộc sống của gia đình em đảo lộn. Trong căn nhà xiêu vẹo, Hiển ngồi trầm ngâm, vô hồn và hầu như mất hoàn toàn trí nhớ về những chuyện xảy ra trước đây.
![]() |
Từ một thanh niên khỏe mạnh, anh Phạm Thương quê ở thôn Nội Hòa, xã Hải Trạch thành người tàn phế sau khi trở về từ Trung Quốc. Năm 2013, qua lời dụ dỗ ngon ngọt của môi giới, vợ chồng anh đã bỏ ra 10 triệu đồng để vượt biên sang Trung Quốc lao động trái phép với mong muốn có cơ hội đổi đời.
Tuy nhiên, ở đất khách quê người quần quật lao động từ 12-14 tiếng mỗi ngày với công việc nặng nhọc nhưng mức lương được hưởng chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng mỗi tháng. Rồi một lần không may, anh Thương bị tai nạn bỏng 70% cơ thể, chi phí điều trị cao, lại không nhận được sự hỗ trợ từ phía công ty khiến gia đình anh rơi vào cảnh khốn cùng. Hiện, anh gần như mất hoàn toàn khả năng lao động. Những vết sẹo lớn trên người khiến anh vô cùng đau đớn mỗi khi trái gió trở trời.
Toàn bộ gánh nặng gia đình giờ đặt lên đôi vai của người vợ nhỏ bé. Giờ đây nhắc đến chuyện vượt biên sang Trung Quốc, Phạm Thương chỉ biết lắc đầu: “Tại Trung Quốc tôi đã chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm. Bản thân cũng thấy sợ nhưng lúc đó cứ tự nhủ thôi mình cố gắng làm ít năm nữa để có chút vốn về quê làm ăn. Giờ đây khi trở về với hình dạng như thế này tôi hối hận vô cùng”.
Những hoàn cảnh trên đã phần nào phản ánh thực trạng nhức nhối, những hiểm nguy mà người lao động trái phép gặp phải khi không được pháp luật của nước sở tại bảo vệ. Mặc dù UBND huyện Bố Trạch đã chỉ đạo các địa phương, ban, ngành liên quan, đặc biệt là lực lượng Công an vào cuộc một cách quyết liệt, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp môi giới, tổ chức cho người đi lao động trái phép, tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Nguyên nhân một phần là do tâm lý người dân muốn “đi nhanh, đi tắt”, không vướng bận thủ tục giấy tờ nên vẫn lén lút vượt biên theo lời dụ dỗ của những kẻ môi giới. Để rồi, nếu rủi ro không may xảy ra thì chính bản thân họ và gia đình phải gánh chịu.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết:“Để hoạt động xuất khẩu lao động phát huy hiệu quả tích cực, huyện Bố trạch đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Ngoài việc tạo thuận lợi cho các công ty xuất khẩu lao động hoạt động trên địa bàn, huyện cũng phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi.
Trong đó, tập trung định hướng người dân tham gia xuất khẩu lao động theo đường chính ngạch và theo hợp đồng lao động có thời hạn; đồng thời luôn khẳng định, rằng xuất khẩu lao động trái phép là hành vi vi phạm pháp luật. Người lao động cần chủ động nắm bắt thông tin để có những cơ hội việc làm tốt nhất.”
Theo thống kê, trong 5 năm trở lại đây, huyện Bố Trạch đã tiếp nhận số công dân bị phía Trung Quốc trục xuất về nước trên 600 trường hợp, có 14 trường hợp chết không rõ nguyên nhân, nhiều trường hợp gia đình có người thân bị phía Trung Quốc bắt giữ, đòi tiền chuộc mới được trao trả.
Xuất khẩu lao động bất hợp pháp là vi phạm pháp luật. Điều này không chỉ khiến người dân đối mặt với rủi ro cao mà những hệ lụy của nó gây ra đối với xã hội là rất lớn. Việc lựa chọn xuất khẩu lao động để có việc làm, tăng thu nhập hết sức chính đáng, tuy nhiên, hãy tỉnh táo trước những cạm bẫy của xuất khẩu lao động bất hợp pháp.
Những cái chết thương tâm, những rủi ro khôn lường của những người từng đi xuất khẩu lao động trái phép chính là lời cảnh báo rõ nhất với những ai đang muốn dấn thân vào con đường này.
Hồng Thắm-Tiến Thành