(QBĐT) - Hỏi: Ngày 10-5-2018, anh Nguyễn Văn A điều khiển xe ô tô đã có hành vi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 5 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ, bị chiến sĩ cảnh sát thuộc Phòng cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh B đang làm nhiệm vụ lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ giấy phép lái xe (GPLX). Ngày 15-5-2018, Trưởng phòng CSGT tỉnh B ra quyết định xử phạt hành chính anh A với trường hợp không có tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ, mức phạt 1.600.000 đồng và tước quyền sử dụng GPLX trong thời hạn 3 tháng. Việc xử lý của chiến sĩ cảnh sát và Trưởng phòng CSGT tỉnh B như vậy là đúng hay sai?
Trả lời: Thứ nhất, hành vi điều khiển ô tô không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông vi phạm quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng, thuộc trường hợp phải lập biên bản vi phạm hành chính nên việc chiến sĩ CSGT lập biên bản xử lý vi phạm hành chính với anh A là đúng và Trưởng phòng CSGT ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức 1.600.000 đồng khi không có tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ là đúng quy định của pháp luật.
Việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Trưởng phòng CSGT trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản là bảo đảm theo quy định tại Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Thứ hai, việc tước quyền sử dụng GPLX của Trưởng phòng CSGT đối với anh A với thời hạn 3 tháng là chưa đúng theo quy định của pháp luật. Tại điểm b, Khoản 12, Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định: Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm khoản 5, Điều 5 còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1 tháng đến 3 tháng.
Về thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tại khoản 2, Điều 77 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định: Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc thời hạn đình chỉ hoạt động cụ thể đối với một hành vi vi phạm là mức trung bình của khung thời gian tước hoặc đình chỉ hoạt động được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì thời hạn tước, đình chỉ hoạt động là mức tối thiểu của khung thời gian tước hoặc đình chỉ hoạt động; nếu có tình tiết tăng nặng thì thời hạn tước, đình chỉ hoạt động là mức tối đa của khung thời gian tước hoặc đình chỉ hoạt động.
Trong trường hợp này, Trưởng phòng CSGT tỉnh B đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh A không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ nên thời hạn tước quyền sử dụng GPLX đối với anh A phải là mức trung bình của khung quy định tại điểm b, khoản 12, Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, tức là 2 tháng.
Do đó, việc Trưởng phòng CSGT tỉnh B tước quyền sử dụng GPLX đối với anh A với thời hạn 3 tháng là chưa đúng với quy định nói trên của Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Chi hội Luật gia Sở Tư pháp