(QBĐT) - Thời gian qua Báo Quảng Bình nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc phản ánh về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép chủ yếu là cát, đất san lấp xảy ra nhiều trên địa bàn huyện Quảng Trạch và đã trở thành điểm nóng. Người dân phản ánh nhiều, cơ quan chức năng vào cuộc cũng nhiều lần và khá quyết liệt, tuy nhiên hiệu quả đưa lại chưa cao. Vậy đâu là nguyên nhân?
Theo UBND huyện Quảng Trạch cho biết: Thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản và qua nhận tin báo của người dân, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên-Môi trường, UBND các xã thực hiện các biện pháp nhằm quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện.
![]() |
Và để kịp thời ngăn chặn, xử lý các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn.
Thành phần đoàn gồm lãnh đạo và cán bộ chuyên môn Phòng Tài nguyên - Môi trường; cán bộ chiến sỹ thuộc Công an huyện, Phòng Tài chính-Kế hoạch, Phòng Kinh tế-Hạ tầng. Đồng thời, huyện chỉ đạo UBND các xã thành lập các tổ liên ngành để kiểm tra, xử lý nhằm phát huy hết trách nhiệm trọng việc quản lý và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Từ đầu năm đến nay (hết tháng 6-2018), đoàn kiểm tra liên ngành huyện Quảng Trạch đã phát hiện và xử lý 39 trường hợp vi phạm về khai thác khoáng sản trái phép (trong đó có 19 trường hợp khai thác cát lòng sông trái phép, 7 trường hợp khai thác cát trắng trái phép và 13 trường hợp khai thác đất san lấp trái phép) tại các địa bàn trọng điểm ở xã Cảnh Hóa, Phù Hóa, Quảng Hưng, Quảng Phương, Quảng Tiến, Quảng Lưu, Quảng Thạch, Quảng Phú...
Cũng theo đánh giá của UBND huyện Quảng Trạch, mặc dù gần đây tình trạng khai thác, kinh doanh, vận chuyển trái phép cát lòng sông và đất san lấp trên địa bàn huyện cơ bản được chấn chỉnh, song tình trạng vi phạm vẫn còn xảy ra, đặc biệt là việc khai thác, kinh doanh, vận chuyển trái phép cát lòng sông.
Điển hình nhất là tại địa bàn xã Cảnh Hóa và Phù Hóa, các đối tượng khai thác cát sống tập trung chủ yếu hai bên bờ sông Gianh và dù đã bị phát hiện, xử lý nhiều lần vẫn tiếp tục vi phạm.
Trước thực tế đó, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện và đoàn liên ngành huyện chốt 2 trạm trực 24/24 tại xã Phù Hóa và Cảnh Hóa. Đây được xem là tuyến sông có trữ lượng cát lớn, lại là địa bàn giáp ranh giữa huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa nên các đối tượng khai thác cát trái phép trên địa bàn hai huyện thường xuyên tập trung về đây để chờ thời cơ hoạt động.
Lợi dụng khi các lực lượng chức năng có việc đột xuất phải rút về, các đối tượng tiếp tục tổ chức khai thác trái phép cát lòng sông tại đây. Bên cạnh đó, một số công ty, doanh nghiệp tuy được cấp phép khai thác cát sỏi lòng sông, nhưng cũng lợi dụng việc này để khai thác không đúng vị trí, địa điểm được cấp phép và khi phát hiện cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát thì mới đến địa điểm khu vực mỏ được cấp để hoạt động.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhu cầu sử dụng cát xây dựng, cát san lấp, đất san lấp phục vụ cho nhiều công trình xây dựng, san lấp mặt bằng trên địa bàn huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn... là rất lớn.
Cùng với đó, lợi nhuận đưa lại từ hoạt động khai thác, kinh doanh các loại khoáng sản này rất cao nên nhiều đối tượng luôn tìm cách để khai thác, tập kết, vận chuyển đi tiêu thụ trái phép nhằm thu lợi bất chính.
Các đối tượng khai thác trái phép cát sỏi lòng sông tập trung khai thác tại các vị trí giáp ranh giữa thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch và huyện Tuyên Hóa. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các huyện, thị xã và của các sở, ban, ngành liên quan chưa đồng bộ, vì vậy tình trạng khai thác trái phép cát lòng sông vẫn diễn ra nhiều.
Còn tại khu vực xã Quảng Phương, Quảng Hưng, nơi đang thi công, xây dựng công trình các cơ quan hành chính của huyện lỵ mới Quảng Trạch, nhiều đối tượng đã lợi dụng việc thi công nạo vét cát trắng để hoạt động khai thác, tập kết cát trái phép.
Nhận biết được lực lượng của đoàn kiểm tra liên ngành huyện chủ yếu làm việc kiêm nhiệm, do đó lực lượng mỏng và không thể tuần tra, kiểm tra thường xuyên và trực 24/24, nên các đối tượng khai thác trái phép khoáng sản đã dùng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để khai thác vào khoảng thời gian đêm khuya, các ngày nghỉ, ngày lễ... để vận chuyển cát đi tiêu thụ. Việc làm này đã gây khó khăn cho công tác đấu tranh, bắt giữ và xử lý đối tượng vi phạm của cơ quan chức năng.
Theo ông Nguyễn Xuân Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, ngoài những vấn đề đã nêu trên, tình trạng khai thác trái phép khoáng sản tại huyện Quảng Trạch thời gian qua vẫn diễn ra là do chưa huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị một cách đồng bộ, hiệu quả.
Công tác phối hợp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản tại một số xã chưa cao. Phương tiện, trang bị, kinh phí phục vụ cho hoạt động của tổ liên ngành cấp xã còn thiếu, chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Do đó, chính quyền địa phương cấp xã chưa tích cực, thường xuyên, liên tục kiểm tra để phát hiện, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép xảy ra trên địa bàn mình quản lý.
Trong khi đó, ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật của một số tổ chức, cá nhân chưa tốt, đôi khi còn có hành vi chống đối hoặc cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, công tác nắm bắt thông tin, dự báo tình hình có lúc chưa kịp thời, nên công tác kiểm tra, kiểm soát hiệu quả chưa cao. Thực tế đó dẫn đến việc giáo dục, răn đe các đối tượng vi phạm chưa cao và các đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm sau khi đã bị xử lý vẫn gia tăng.
Để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Quảng Trạch, theo ông Nguyễn Xuân Đạt, UBND huyện Quảng Trạch kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện một số nội dung sau: Các sở, ngành cùng huyện Quảng Trạch và huyện Tuyên Hóa, thị xã Ba Đồn triển khai kết hợp đồng thời các biện pháp kiểm tra, xử lý cả trên bờ và dưới sông đối với tình trạng khai thác, vận chuyển, kinh doanh trái phép cát lòng sông.
![]() |
Cụ thể: Tổ chức kiểm tra các thuyền hút cát trên sông. Tạm giữ, xử phạt vi phạm hành chính các tàu thuyền hút cát không có đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ hành nghề của các chủ tàu thuyền. Kiểm tra, xử lý các bến bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi lòng sông.
Bến bãi nào không nằm trong quy hoạch mạng lưới bến thủy nội địa, chưa được cấp phép hoạt động, sử dụng đất ở làm bến bãi thì phải kiên quyết xử lý như: Xử phạt, đình chỉ hoạt động, tạm giữ phương tiện máy móc và có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế để thực hiện. Riêng đối với lượng cát còn trên bến bãi, có thể gia hạn ngày để các chủ bến xuất bán hoặc lựa chọn một khu đất để vận chuyển tạm giữ, xuất bán và sung công quỹ.
Nhu cầu về cát, đất san lấp trên địa bàn huyện Quảng Trạch là rất lớn, tuy nhiên trên thực tế tại địa bàn huyện Quảng Trạch hiện chỉ có một mỏ cát san lấp và một mỏ cát lòng sông (hiện đang bị đình chỉ hoạt động), có 11 trường hợp hộ gia đình được cấp phép hạ thấp mặt bằng tận thu đất, nên không thể đáp ứng đủ nhu cầu trên địa bàn.
Vì vậy, UBND huyện đề nghị UBND tỉnh xem xét các khu vực để bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2016-2020 tầm nhìn đến năm 2025; cấp thêm các mỏ cát, sỏi nhằm đáp ứng nhu cầu trên địa bàn huyện.
Nhóm P.V Bạn đọc