Phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

  • 07:06, 22/06/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường đang là xu hướng tất yếu hiện nay. Chính vì vậy, ngành Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) luôn khuyến khích, hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất để giảm thiểu tác động đến môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế.
 
Nhiều mô hình hay
 
Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, người dân sử dụng nhiều hóa chất, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)... Điều này gây ra những tác động nặng nề, làm ô nhiễm đất, nguồn nước và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp không bảo đảm yêu cầu về chất lượng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp. 
 
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp An Nông(Bố Trạch) là một trong những HTX sử dụng phương pháp canh tác hữu cơ để sản xuất nông nghiệp bền vững. Với hơn 2,8ha đất sản xuất các loại rau, củ, quả, HTX đang thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo hướng “thuận tự nhiên”, tôn trọng hệ sinh thái vườn và không dùng thuốc BVTV. Đây là hướng canh tác bền vững, vừa giữ gìn vệ sinh môi trường, vừa nâng cao chất lượng đất.
Mô hình trồng rau hữu cơ theo hướng
Mô hình trồng rau hữu cơ theo hướng "thuận tự nhiên" của trang trại An Nông.
Giám đốc HTX Lê Văn Quả cho cho biết: Hiện, trang trại sản xuất nói không với thuốc BVTV, không phân bón hóa học. Trong sản xuất, trang trại luôn coi côn trùng là đối tác quan trọng, không diệt trừ mà để cho chúng phát triển cộng sinh, tạo ra sự đa dạng sinh học. Trong sản xuất, việc trồng các luống rau cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng, ví dụ như: Rau muống, rau dền thường bị sâu ăn nên trồng xen kẽ với thì là, tía tô, hành, ngò… để xua đuổi côn trùng… Luống nào bị sâu hại nhiều quá thì bắt buộc phải bỏ đi chứ không được phun thuốc BVTV, kể cả thuốc vi sinh.
 
Hiện, thương hiệu rau, củ, quả hữu cơ của trang trại An Nông đã được người tiêu dùng biết tới thông qua các cửa hàng và kênh phân phối. Không chỉ sản xuất rau quả, An Nông còn tiên phong trong phát triển loại hình du lịch trải nghiệm sinh thái nông nghiệp, ưu tiên các trường học đưa học sinh đến để tìm hiểu hệ sinh thái của trang trại.
 
Không chỉ canh tác hữu cơ, hiện, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình trồng trọt chăn nuôi theo hướng tuần hoàn. Đây là quá trình chăn nuôi theo chu trình khép kín, tận dụng chất thải, phế phẩm, phụ phẩm, đầu ra của quá trình sản xuất này để làm đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học. Từ đó, tài nguyên được khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, giảm thiểu được chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.
 
Toàn tỉnh hiện có 2 cơ sở được chứng nhận hữu cơ; 93 cơ sở được chứng nhận VietGAP…; 221 sản phẩm OCOP còn thời hạn; trong đó, có 3 sản phẩm 5 sao (đang đề nghị Trung ương công nhận), 32 sản phẩm đạt 4 sao, 186 sản phẩm đạt 3 sao.

Mô hình của ông Nguyễn Văn Hoàng, xã Võ Ninh (Quảng Ninh) là một ví dụ. Với diện tích hơn 2ha, gia đình ông đã dùng trồng 1ha trồng cỏ, đầu tư chuồng trại 3.000 con gà kiến, 20 con bò cái sinh sản, nuôi giun quế, đào ao thả cá nước ngọt… Thực hiện mô hình này, cỏ được gia đình trồng và thu hoạch để làm thức ăn cho bò và cá trắm; phân bò được ủ hoai mục rồi làm thức ăn nuôi giun quế; giun quế thu được sử dụng làm thức ăn bổ sung cho gà và cá; phần phân bò còn lại cùng với phân gà (đã ủ hoai mục) và phân giun quế sử dụng bón cho vườn cỏ. Quá trình sản xuất như vậy, các chất thải được xử lý và sử dụng triệt để, hạn chế phát tán ra môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe con người.

Áp dụng sản xuất theo hướng tuần hoàn, đàn vật nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng phát triển khỏe mạnh, đất đai ngày càng màu mỡ, môi trường sản xuất bảo đảm an toàn, sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao, giảm chi phí trong quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình thu về được khoảng 300 triệu đồng.
 
Chú trọng hỗ trợ mô hình sinh thái, công nghệ cao
 
Hiện, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, tạo nên thế mạnh cho sản xuất, nâng cao giá trị nông sản của tỉnh. Các mô hình này cho thấy sự chuyển biến rõ nét về thói quen canh tác của người nông dân, giúp ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững. Nông sản làm ra theo hướng này cũng đã tạo được uy tín trên thị trường, thu về giá trị cao hơn và được người tiêu dùng đánh giá cao.
Trang trại anh Nguyễn Văn Hoàng sử dụng phân quế để nuôi gà.
Trang trại anh Nguyễn Văn Hoàng sử dụng phân quế để nuôi gà.
Phát huy những ưu điểm đó, thời gian qua ngành NN-MT luôn hỗ trợ, khuyến khích người dân sản xuất hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn có cấp mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học vào sản xuất, thay thế dần việc sử dụng thuốc hóa học, hóa chất, kháng sinh trong phòng, trừ dịch bệnh tạo các sản phẩm sạch, an toàn với người sử dụng.
 
Hiện, toàn tỉnh có 217 cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhiều tiến bộ kỹ thuật, quy trình mới được áp dụng vào sản xuất đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, tăng hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao, phát triển bền vững và giảm tác động đến môi trường.
 
Phó Giám đốc Sở NN-MT Trần Đình Hiệp cho biết: Hiện nay, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực như: Hỗ trợ đầu tư, cho doanh nghiệp, HTX và trang trại tiếp cận nông nghiệp CNC như làm nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới tiết kiệm, ứng dụng công nghệ sinh học, chăn nuôi theo quy trình hiện đại, quy trình tuần hoàn; hỗ trợ kỹ thuật, giống bằng hình thức tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mới về giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao, chất lượng tốt, hướng dẫn các quy trình sản xuất an toàn như VietGAP, hữu cơ. Ngoài ra,hàng năm, tỉnh đều dành một phần kinh phí đáng kể (khoảng 40-50% kinh phí hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh) để ưu tiên trực tiếp cho các mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC…
 
Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân ưu tiên phát triển nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, phù hợp với biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái. Phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường nông nghiệp; nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm của các cấp và mỗi người dân trong công tác sản xuất nông nghiệp gắn với việc bảo vệ môi trường.
Thanh Hoa

 

tin liên quan

ảnh 02
ảnh 02
anh
Từ ngày 1/7, sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế
Từ ngày 1/7, sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế

Ngày 20/6, Cục Thuế đã có thông tin hướng dẫn một số nội dung cơ bản để người nộp thuế biết và thực hiện việc sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế, người nộp thuế là hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân từ ngày 1/7.