Làm giàu trên đồng đất quê hương

  • 07:06, 12/06/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Sau nhiều năm loay hoay tìm hướng đi để phát triển kinh tế gia đình, anh Lê Hùng, thôn Vĩnh Tuy 3, xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) “bén duyên” với mô hình trang trại tổng hợp. Từ sự nhạy bén, dám nghĩ dám làm, anh đã biến mảnh đất hoang hóa thành trang trại trù phú, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vượt khó, vươn lên…

Vốn xuất thân từ gia đình làm nông, kinh tế gia đình eo hẹp, anh Hùng luôn trăn trở tìm hướng khởi nghiệp để thoát khỏi “cái nghèo”, nhưng loay hoay mãi vẫn chưa tìm được hướng đi phù hợp. Năm 2003, vợ chồng anh bàn nhau thuê đất của xã để xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt.
 
Trên diện tích hơn 5ha, anh quy hoạch thành các khu nuôi trồng riêng biệt. Đưa chúng tôi đi tham quan trang trại, anh Hùng vừa kể về những ngày đầu lập nghiệp trên mảnh đất hoang sơ. “Ngày ấy chưa có ai ra đây sinh sống, không đường, không điện, việc đi lại và sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Hai vợ chồng ra làm một cái lán nhỏ để vừa ở, vừa từng bước xây dựng trang trại và bắt tay vào chăn nuôi”, anh Hùng chia sẻ.
 
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ban đầu anh Hùng nuôi vài con bò, lợn và vài ba mẫu ruộng để ổn định cuộc sống. Với vốn tự có ban đầu khá khiêm tốn, mô hình chăn nuôi của gia đình anh chỉ mới chập chững những bước đầu, kinh nghiệm còn thiếu, nên thu nhập không được là bao, chỉ vừa đủ chi phí chứ chưa có lãi.
 
Dù rất khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc vì quá vất vả nhưng với sự nỗ lực, ý chí kiên cường của người nông dân không cam chịu đói nghèo, anh Hùng quyết định vay thêm vốn từ ngân hàng để đầu tư trang thiết bị, mở rộng quy mô trang trại. 
Nuôi tôm thẻ chân trắng đem lại thu nhập cho gia đình anh Lê Hùng trên 500 triệu đồng/năm.
Nuôi tôm thẻ chân trắng đem lại thu nhập cho gia đình anh Lê Hùng trên 500 triệu đồng/năm.
Ngoài nuôi thêm gà, anh còn đào ao nuôi 3 ao cá và 6 ao tôm thẻ chân trắng. Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, anh Hùng luôn chú trọng tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan học tập kinh nghiệm… Ngoài ra, anh cũng chủ động tìm mua những con giống có sức đề kháng, chống chịu bệnh tốt để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Nhờ vậy, những năm qua, các loài vật nuôi trong gia trại sinh trưởng và phát triển ổn định, cho doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước.
 
Quyết tâm làm giàu
 
Mảnh đất hoang hóa, không đường, không điện khi xưa nay đã được phủ xanh bởi bàn tay cần mẫn, chịu thương, chịu khó của vợ chồng anh Hùng. Chính việc bảo đảm kỹ thuật và các biện pháp an toàn trong chăn nuôi đã giúp trang trại vượt qua khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh. Mỗi năm, trang trại của anh nuôi và xuất bán 300 con gà, 3 tấn tôm, 4 tấn cá các loại, như: Vược, trắm…
 
Cùng với chăn nuôi, anh Hùng còn tập trung sản xuất lúa trên diện tích 2,5ha. Theo anh Hùng, trước đây làm lúa theo cách cũ, năng suất thấp, giá lúa lại lên xuống thất thường. Vốn dĩ là con nhà nông, từ nhỏ đã gắn bó với đồng ruộng, anh Hùng không ngừng tìm tòi, học hỏi kiến thức để nắm bắt các kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây lúa; tích cực áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, đưa giống lúa mới năng suất cao vào sản xuất. Nhờ đó, mỗi khi vào vụ thu hoạch, lúa của gia đình anh đều được thương lái thu mua tại nhà, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Mỗi năm anh bán ra thị trường 15 tấn lúa, đem lại thu nhập hơn 135 triệu đồng/năm.
 
Ông Hà Văn Tuyên, Trưởng thôn Vĩnh Tuy 3 chia sẻ: “Anh Lê Hùng là người mạnh dạn, dám nghĩ dám làm và là một trong những tấm gương đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương. Sự nỗ lực của vợ chồng anh chị đã góp phần mở ra cách nhìn mới về phát triển kinh tế cho người dân địa phương và là tấm gương điển hình cho nhiều nông dân học hỏi”.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, anh Hùng dành nhiều thời gian nghiên cứu, thử sức với những loại cây trồng, vật nuôi mới. Trong một lần tình cờ biết đến giống dừa xiêm, anh Hùng đã liên hệ mua giống về trồng thử nghiệm tại địa phương.Theo anh Hùng, trồng dừa xiêm chăm sóc rất đơn giản, vì cây dừa không tạo cành, nhánh; khi cây dừa còn nhỏ thì khâu làm vệ sinh là rất quan trọng, giúp cây phát triển nhanh. Trồng dừa chủ yếu bón phân chuồng và thường xuyên tưới nước để giữ độ ẩm cho cây. Hiện, 50 gốc dừa xiêm của anh đã cho thu hoạch với giá bán 20.000 đồng/quả. Bên cạnh trồng dừa, ông còn trồng ổi, chuối, dưa hấu, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Hiện tại, trang trại tổng hợp của gia đình anh Hùng cho thu nhập mỗi năm gần 1 tỷ đồng. Có nguồn thu nhập ổn định, từ một hộ có hoàn cảnh khó khăn, đến nay, anh Hùng đã trở thành hộ làm ăn kinh tế giỏi của huyện Quảng Ninh.

“Trước đây, gia đình rất khó khăn, ăn bữa nay phải lo bữa mai, nhưng nay thì đời sống đã khấm khá hơn rất nhiều, con cái cũng có điều kiện để học hành đến nơi đến chốn”, anh Hùng tâm sự.

Được hỏi về kinh nghiệm phát triển trang trại, anh Hùng vui vẻ cho biết, quan trọng nhất trong chăn nuôi là phải chọn được con giống đã được kiểm nghiệm và nhân rộng, tốt nhất là nguồn giống được sản xuất tại địa phương và tự mình nhân giống. Thức ăn sử dụng là thức ăn phổ thông, dễ chế biến, giá thành thấp nhưng giá trị dinh dưỡng cao. Yếu tố quan trọng là phải biết áp dụng đúng khoa học kỹ thuật thì mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế, nhiều năm liền anh Lê Hùng được Hội Nông dân các cấp khen thưởng vì đã có những đóng góp tích cực trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.
Lan Chi

tin liên quan

ảnh 02
ảnh 02
anh
Lệ Thủy: Nhiều diện tích lúa hè-thu bị ngập cục bộ
Lệ Thủy: Nhiều diện tích lúa hè-thu bị ngập cục bộ
(QBĐT) - Chiều 12/6, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự huyện Lệ Thủy, do ảnh hưởng của bão số 1, trên địa bàn huyện có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, gây chia cắt tạm thời một số tuyến đường và nhiều diện tích lúa hè-thu bị ngập cục bộ.