Trắng đêm săn nhộng ve sầu

  • 06:05, 12/05/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày này, trên các cánh rừng, bản làng ở vùng cao Minh Hóa bắt đầu bước vào mùa sinh sôi phát triển của ve sầu. Nhiều người dân đã soi đèn thâu đêm săn nhộng ve sầu về làm món ăn và bán để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
 
Gần 7 giờ tối, anh Cao Ngọc Oanh ở thôn Quy Hợp, xã Xuân Hóa cùng nhóm bạn trong làng chuẩn bị các đồ dùng cần thiết để đi săn nhộng ve sầu. Trong đêm tối, họ len lỏi vào các cánh rừng keo, rừng tràm lâu năm, tìm những con ve sầu đang lột xác hoặc mới lột xác xong, bụng đang ngậm sữa, có màu xanh non và cơ thể phủ một lớp phấn mỏng. Để bắt được con ve sầu ngon nhất, anh Oanh phải canh đúng thời gian ve sầu lột xác trước khi nó phát triển nhanh đôi cánh và bay đi.
 
Anh Cao Ngọc Oanh cho biết: “Sau thời gian dài nằm yên dưới lòng đất, những con ve sầu bước vào thời kỳ trưởng thành sẽ bò lên cây lột xác trong đêm. Do đó mà việc săn bắt nhộng ve sầu đã trở thành thú vui hiếm có mà người dân nơi đây háo hức chờ đợi mỗi khi mùa về. Để đi săn bắt nhộng ve phải chuẩn bị ủng đeo, đèn đội đầu và cái xô để bỏ ve. Đèn soi phải sáng, mắt phải tinh thì mới thấy nhộng ve. Con ve thường bò lên lúc gần tối, chứ trời đang sáng là nó không lên”.
Người dân soi đèn đi bắt nhộng ve sầu.
Người dân soi đèn đi bắt nhộng ve sầu.
Ấu trùng ve sầu sống ở dưới đất, hút rễ nhựa cây. Đến mùa hè, ấu trùng sẽ chui lên mặt đất vào ban đêm, bò lên thân cây để tiến hành lột xác. Quá trình này chỉ diễn ra trong vòng từ 1-2 giờ đồng hồ. Giữa không gian tĩnh lặng bắt đầu nổi lên “bản nhạc mùa hạ” với tiếng ve râm ran, sống động cả một góc rừng hòa lẫn trong tiếng nói cười của những thợ săn như xua tan đi những vất vả sau một ngày làm việc. Không phân biệt già trẻ, trai gái, chỉ cần siêng năng và chịu khó săn tìm, trung bình một đêm, các thợ săn có thể bắt được khoảng 2-4 kg nhộng ve.
 
Theo anh Đinh Xuân Chiến, xã Xuân Hóa chia sẻ: “Ve sầu thường xuất hiện nhiều ở vùng trồng keo, trồng tràm; có người bắt được từ 2-3kg/buổi tối tùy theo sự khéo léo và kinh nghiệm của người đi bắt. Ngày nào bắt được ít, tôi thường để lại ăn, còn hôm bắt được nhiều thì mang về bán cho các quán ăn, bởi đây là đặc sản. Nói chung, mỗi đêm đi “săn” nhộng ve, nhiều người có thể đem về thu nhập tiền triệu.”
 
Những năm gần đây, do nhu cầu tìm mua nhộng ve từ các cửa hàng, quán ăn tăng cao, nên nhộng ve được thu mua với giá rất cao. Hiện trên thị trường dao động từ 200.000-300.000 đồng/kg tùy loại, đặc biệt có thời điểm nhộng ve có thể được bán lên tới 450.000 đồng/kg. Chính vì thu nhập cao từ săn bắt loại côn trùng này, ngày càng có nhiều người trang bị dụng cụ để đi tìm bắt ve. Theo người dân nơi đây, nhộng ve sầu được chế biến thành nhiều món ngon dân dã như: Xào, rang mắm ớt, lăn bột chiên giòn.
 
Những năm trở lại đây, nhộng ve đã đem lại thu nhập cho nhiều người dân trên địa bàn, góp phần cải thiện kinh tế. Những món ăn từ nhộng ve vốn đã thân quen với người dân quê nay lại trở nên mới mẻ với những người chỉ mới được nghe nhưng chưa có cơ hội nếm thử.
Tiến Mạnh

tin liên quan

ảnh 02
ảnh 02
anh
Bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản để phát triển bền vững
Bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản để phát triển bền vững

(QBĐT) - Nhằm tránh tình trạng suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản (NLTS), thời gian qua, các sở, ngành, đơn vị liên quan cùng các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp bảo vệ NLTS, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững.