(QBĐT) - Thông tin từ UBND huyện Quảng Ninh cho biết, cùng với việc tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện đẩy mạnh vận động nhân dân chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
![]() |
Đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát. Một số trang trại, hộ chăn nuôi ứng dụng công nghệ chuồng kín trong chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp mang lại hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng đàn vật nuôi. Năm 2024, giá trị sản xuất chăn nuôi trên địa bàn đạt 380 tỷ đồng, tăng 2,7%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 8.354 tấn, tăng 5,32% so cùng kỳ.
Trên địa bàn huyện hiện có 3 doanh nghiệp, 22 trang trại và hơn 300 gia trại chăn nuôi. Đa số các trang trại đã áp dụng mô hình chăn nuôi khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao; tổng đàn lợn của huyện có trên 44.500 con, đàn trâu trên 3.310 con, đàn bò trên 5.820 con và đàn gia cầm trên 690.000 con.
Để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững, huyện Quảng Ninh tập trung thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đối với vùng chăn nuôi tập trung, từng bước chuyển dịch theo hướng hình thành các vùng chăn nuôi quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại tập trung sử dụng giống năng suất cao, thay đổi phương thức chăn nuôi, bảo đảm an toàn dịch bệnh, tăng hiệu quả chăn nuôi; tập trung chuyển sang nuôi các loại gia súc, gia cầm phù hợp với lợi thế của địa phương đồng thời phù hợp với nhu cầu thị trường; từng bước phát triển theo hướng tập trung công nghiệp.
Lan Chi